Từ tháng 4 đến tháng 7-2014, 5 hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được trưng bày tại Bảo tàng Metropolitan (Mỹ). Đây là những hiện vật gốc độc bản quý giá, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử văn hóa về vương quốc Chămpa vàng son cách đây hơn 10 thế kỷ.
Năm hiện vật bao gồm: Phù điêu Nam thần, ký hiệu 20.2; Phù điêu bán thân Nữ thần, ký hiệu 802/Đ43; Tượng thần Ganesa, ký hiệu 5.1; Đản sinh Brahma, ký hiệu 17.8 và Thần Siva, ký hiệu 3.5.
Đản sinh Brahma. Ảnh: NGỌC DUNG |
Phù điêu Đản sinh Brahma kết tinh văn hóa Chăm - Ấn
Phù điêu Đản sinh Brahma có niên đại từ khoảng thế kỷ VII-VIII, xuất xứ từ tháp E1 Mỹ Sơn, được làm bằng chất liệu đá sa thạch, cao 113cm, dài 235cm, rộng 25cm. Hình ảnh trung tâm bức phù điêu Đản sinh Brahma là tượng thần Vishnu.
Thần Vishnu có nhiều hóa thân, trong đó có 10 hóa thân chính. Tuy nhiên, trong nghệ thuật điêu khắc, vị thần này không có nhiều hình ảnh để thể hiện. Ở đây, tượng thần Vishnu nằm thanh thản, nghiêng về bên phải, tay phải chống gập lại để nâng đầu, tay trái giữ cọng sen mọc từ rốn, trên đầu là một cái tán rắn nhưng chỉ nhìn thấy năm đầu rắn. Từ rốn thần Vishnu, cuống sen mọc thẳng lên khỏi mặt nước, phía trên là thần Brahma ngồi theo kiểu xếp bàn tròn - tư thế ra đời thiền định. Thần có 3 đầu 2 tay, mặc sampot đơn giản, hai bên thần là hai hoa sen. Phía sau đầu gối thần Vishnu xuất hiện một tu sĩ, theo các nhà nghiên cứu, đây được xem là bước đột phá mang tính sáng tạo độc lập của nghệ nhân Chămpa khi thể hiện chủ đề này. Thay vì hình ảnh nữ thần Laksmi thường xuất hiện bên thần Vishnu, thì ở đây lại xuất hiện tu sĩ trong chức năng thiên sứ quỳ bên thần Vishnu để chúc phúc cho cuộc đản sinh.
Phù điêu đản sinh Brahma thể hiện một tích rất cổ điển trong văn hóa Ấn Độ, đó là sự tích về thần Brahma, vị thần chính yếu của Ấn Độ giáo được sinh ra từ rốn thần Vishnu, khi thần Vishnu nằm bồng bềnh trên biển vũ trụ buổi sơ khai. Hiện vật này cho thấy sự tiếp xúc rất sớm và mạnh mẽ giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Chămpa. Tuy nhiên, sự cân đối và mềm mại của tác phẩm nghệ thuật được áp dụng cho bức phù điêu nổi tiếng vốn là sở trường bậc thầy của các nghệ nhân Chămpa.
Đản sinh Brahma được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm năm 1935. Năm 2005, hiện vật từng được Bảo tàng Pháp mượn để trưng bày.
Tượng thần Ganesa mang lại may mắn, hạnh phúc
Bức tượng Ganesa được lựa chọn là nguyên bản bằng chất liệu sa thạch (kích thước: 95 x 48 x 34cm), mình người, đầu voi với chiếc vòi dài, bụng phệ, ở dạng đứng được phát hiện tại tháp B3 Mỹ Sơn, có niên đại từ khoảng thế kỷ VII-VIII và được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1918. Thần đeo vòng cổ được trang trí bằng những hạt ngọc và hoa, ngực đeo dây rắn Balamon; yếm hộ dưới ngực thần được thể hiện bằng ba con rắn, đầu rắn hướng ra phía trước.
Thần mặc sampot ôm sát người dài đến quá đầu gối, vạt trước có nhiều nếp xếp, phía trước sampot này lại phủ một tấm da hổ mà đầu và chân hổ đều được khắc họa rõ. Sampot của thần được giữ lại bằng một thắt lưng, quanh thắt lưng cũng buộc thêm một dây rắn Naga.
Đây là tượng thần cổ nhất được tìm thấy trong điêu khắc Chămpa, là cứ liệu về việc thờ thần Ganesa trong tín ngưỡng Chămpa. Các chi tiết điêu khắc trên tượng rất tinh tế và độc đáo. Các chi tiết chạm khắc ở đây được xác định mang tính bản địa rõ rệt. Đặc biệt, mảng khắc da hổ quanh hông của thần Ganesa là nội dung được nhắc đến nhiều trong các văn bản cổ, nhưng không được nhắc đến nhiều trên các điêu khắc Ganesa trong các nền văn hóa lân cận.
Thần Ganesa và thần Siva. Ảnh: NGỌC DUNG |
Nam thần Yaksa quyền uy
Nam thần Yaksa (thần rừng) được xác định có niên đại từ khoảng thế kỷ V bằng chất liệu đá sa thạch (68 x 70 x 7cm), được khai quật tại Trà Kiệu vào những năm 1927-1928. Tượng được thể hiện bằng bức chạm nổi hình vuông ngồi hai chân xếp bằng, hai bàn chân chéo nhau cùng lật mu bàn chân ra phía trước. Hai cánh tay khuỳnh chống bàn tay ở bắp đùi. Tóc xoăn có nhiều lọn tết thành hai lớp, mặt Nam thần nhìn thẳng, đôi mắt lồi đầy uy lực.
Thần quấn sampot, có thân phía trước với thắt lưng lỏng lẻo, ở giữa được chạm trổ bằng một nút hoa thị. Toàn bộ bức chạm trổ trở nên sống động hơn bởi hai bên góc trên hình chạm nổi trang trí hai tràng hoa lớn, như tán cây sum suê che trên đầu thần.
Tác phẩm này thu hút người xem bởi tính niên đại rất sớm của nó cũng như đề tài thể hiện hiếm hoi trong nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa.
Tượng Nữ thần đặc trưng phong cách điêu khắc Chăm An Mỹ
Bán thân Nữ thần (tên gọi khác là Tượng nữ thần An Mỹ) được phát hiện vào năm 1982 tại phế tích Chăm An Mỹ (tỉnh Quảng Nam) và được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm cùng năm đó. Phù điêu bán thân thể hiện một nữ thần có khuôn mặt vuông, hai má bầu bĩnh, lông mày mỏng và cong xéo nhẹ, đôi mắt lớn, hơi lồi. Đôi môi dày, miệng mỉm cười, khuyên tai, mũ đội đầu, vòng kiềng cổ của nữ thần được đặc tả khác biệt. Phía sau đầu nữ thần có chạm trổ vòng tròn hình bậc thang với các khía mà nhiều người gọi là vầng hào quang.
Những đặc điểm của nữ thần An Mỹ này cùng với nhiều tác phẩm khác phát hiện tại Mỹ Sơn khiến các nhà nghiên cứu phải xem xét và cho rằng bên cạnh những yếu tố Chăm mạnh mẽ, còn tìm thấy các yếu tố của những nền nghệ thuật khác ở Đông Nam Á. Tượng nữ thần đặc trưng cho phong cách An Mỹ là phong cách dung hợp giữa những yếu tố bên ngoài với yếu tố Chăm, là bước chuyển giữa phong cách Trà Kiệu sớm qua phong cách Mỹ Sơn E1.
Với những nét độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa đó, tượng bán thân nữ thần cũng là một trong những hiện vật được Pháp mượn triển lãm tại bảo tàng Guimet năm 2005.
Thần Siva bền bỉ trong tâm thức người Chăm
Tượng thần Siva được khai quật tại tháp nhỏ Đông Bắc trong vòng thành 1 của tháp chính tại làng Đồng Dương, tổng Châu Đức, phủ Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) năm 1902 và được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm năm 1918. Niên đại của bức tượng được xác định từ khoảng thế kỷ IX-X, được làm bằng đá sa thạch nâu.
Thần ngồi kiểu Java (tức ngồi thẳng lưng, một chân xếp ngang, một chân co lên rồi gập thẳng đứng theo thân hình) trên cái bệ khối vuông đẹp đẽ, bốn mặt đều có gờ chỉ, mặt trước cũng như những mặt hai bên đều có trang trí hai bên một khuôn mặt sư tử cách điệu, từ miệng sư tử xuất phát những cành hoa lá rủ xuống dưới và ra hai bên.
Đồ trang sức của thần rất lộng lẫy, thần đội mũ Mukuta hai tầng và phía dưới có miện. Mũ miện đều được trang trí bằng những đóa hoa hình lá nhọn như mũi lao. Với tay phải đặt lên đầu gối, tay trái cầm đoản dao, mắt nhắm, thần hủy diệt ngồi uy nghiêm, điềm tĩnh và đầy sức mạnh.
Có thể nói, Siva là vị thần đầy uy thế trong lịch sử tôn giáo - tín ngưỡng Chăm. Từ những bức tượng đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VIII, qua những bước thăng trầm của lịch sử, dù hình tượng các vị thần khác có mờ phai hay mất đi trong tâm thức Chăm, nhưng Shiva vẫn luôn có mặt qua những nhân vật lịch sử được thần hóa, qua hàng trăm ngẫu tượng sinh thực khí (linga) đơn giản nhưng mãnh liệt và đầy sức sống.
NGỌC DUNG