.

Người mẫu, ca sĩ: Muốn hành nghề phải có chứng chỉ

.

Nhằm chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang trong thời gian qua, sáng 3-6, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Công chúng mong chờ những tiết mục biểu diễn nghiêm túc, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong ảnh: Một tiết mục của Tam ca Sao Mai Ngọc Ký- Quang Hào - Lê Anh Dũng được khán giả Đà Nẵng nồng nhiệt đón nhận.
Công chúng mong chờ những tiết mục biểu diễn nghiêm túc, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong ảnh: Một tiết mục của Tam ca Sao Mai Ngọc Ký- Quang Hào - Lê Anh Dũng được khán giả Đà Nẵng nồng nhiệt đón nhận.

Chấn chỉnh là bức thiết

Theo đánh giá chung, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện biểu đạt truyền thống văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và là cầu nối tích cực trong giao lưu, hợp tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động này gần đây bộc lộ không ít sai phạm gây bức xúc trong dư luận. Đó là tình trạng hát nhép; chuyện nghệ sĩ, người mẫu sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; nghệ sĩ, người mẫu có những phát ngôn, hành động không phù hợp phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt; một số đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật vì lợi ích kinh tế sẵn sàng vi phạm các quy định của pháp luật để lừa dối khán giả như tình trạng quảng cáo không đúng nội dung chương trình biểu diễn, vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo; công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bị buông lỏng…

Trước thực trạng đó, việc xây dựng Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu nhằm quản lý tốt hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang là vấn đề bức thiết. Và vì là vấn đề bức thiết nên phải thận trọng, tránh chủ quan nóng vội.

Phải thận trọng, kín kẽ

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Văn Long (Hà Nội) cho rằng, đối tượng chính được đề cập trong tên Đề án là “nghệ sĩ” quá rộng, bởi không phải ai lên sân khấu biểu diễn cũng được gọi là nghệ sĩ. Vì vậy, cần xác định đối tượng áp dụng hẹp hơn, cụ thể hơn. Cũng theo ông Long, tiêu chuẩn để cấp thẻ hành nghề là nội dung cực kỳ quan trọng của Đề án, bởi nghệ sĩ biểu diễn nói chung rất đa dạng: có nghệ sĩ qua đào tạo, có nghệ sĩ không qua đào tạo (nhưng tài năng và phẩm chất đạo đức vẫn được công chúng ghi nhận), chính quy và không chính quy… Phải xây dựng cho được quy chuẩn rõ ràng, chặt chẽ, các trình tự, thủ tục cấp phép cũng phải cân nhắc sao cho hợp lý.

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, phát biểu ngắn gọn: “Chúng ta hay nói đến sai phạm của người mẫu, ca sĩ, trong khi đó, người chịu trách nhiệm chính của cái sai đó, của cả chương trình (như giám đốc sản xuất chẳng hạn) thì không thấy nói đến”.

Đồng quan điểm với NSND Trần Bình, ông Lê Ngọc Trường (Hà Nội) cho rằng, cần phạt nặng người đứng đầu, chịu trách nhiệm các chương trình sai phạm, chứ không chỉ là cá nhân các nghệ sĩ biểu diễn. Theo ông Trường, đối tượng cần thắt chặt khâu cấp giấy phép hành nghề ở đây là các ca sĩ, người mẫu tự do; còn các nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật chính quy, các hội âm nhạc, sân khấu thì có thể không cần thiết, vì bản thân họ đã chịu sự quản lý của các đơn vị này, đồng thời phải vượt qua những tiêu chuẩn nhất định (như được cấp phép) mới được đứng trong hàng ngũ của các đơn vị.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần chú trọng tính pháp lý, chặt chẽ trong thực hiện việc cấp phép. Bên cạnh đó, ông Bình cũng quan niệm nên cấp phép cho chương trình biểu diễn thay vì cá nhân. Một chương trình hoàn hảo thì hẳn sẽ không có những sai phạm cá nhân…

Cần chế tài mạnh hơn

Cần xử phạt mạnh hơn, thay vì xử phạt hành chính từ mấy triệu đến mấy chục triệu đồng thì cần đình chỉ hoạt động biểu diễn hoặc cấm vĩnh viễn hoạt động biểu diễn đối với các đơn vị, cá nhân để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, thuần phong mỹ tục trong biểu diễn nghệ thuật là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị ở cả 3 điểm cầu. Một đại diện từ điểm cầu Hà Nội còn nêu dẫn chứng bài viết 35 triệu đồng “gãi ngứa” các loại “chân dài” trên Báo Lao Động sáng 3-6 như một ví dụ chua xót, cho thấy cái nhìn của công luận đối với chế tài xử phạt các hoạt động biểu diễn hiện nay. Tác giả bài báo cho rằng, với sai phạm nghiêm trọng của Đêm hội chân dài làm xôn xao dư luận mấy ngày qua nhưng kết cục chỉ phải trả cái giá 35 triệu đồng là “quá rẻ”, rằng “có những quy định tưởng chừng rất ghê gớm, nhưng khi đi vào thực tế chỉ như tuồng chèo”…

Đại diện của ca sĩ Đan Trường, Cẩm Ly và một số công ty người mẫu cho rằng, việc cấp giấy phép hành nghề đối với người biểu diễn là động lực để họ phấn đấu trong nghề, là cách để tạo những chuyển biến tích cực và tuyệt đối không nên phân biệt chính quy hay không chính quy, tự do hay qua đào tạo bài bản. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được quy chuẩn chung, rõ ràng, hợp lý.

Trong khi đó, cũng có một số ý kiến trái chiều cho rằng, việc cấp phép là không cần thiết. Cứ sai phạm thì phạt, không nên cấp rồi rút.

Được biết, khoảng 20 ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được tổng hợp, làm cơ sở phác thảo Đề án và gửi về các đơn vị liên quan tiếp tục góp ý kiến, xây dựng và dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 1-2014.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.