Điện ảnh

Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

07:26, 14/09/2010 (GMT+7)

“Chính quyền địa phương phải sát cánh cùng ngành Y tế tích cực vận động người dân ngăn chặn, giảm lượng muỗi phát sinh trong cộng đồng, từ đó khống chế và giảm số ca bệnh mắc mới - đó là giải pháp hiệu quả nhất không để dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trong mùa mưa năm nay tại thành phố Đà Nẵng” - đó là ý kiến của Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố trước sự xuất hiện ồ ạt các ca bệnh SXH trong tháng 7 và tháng 8 trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu...

Mô tả ảnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu.

Quá tải bệnh nhân SXH

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ thời điểm cuối năm 2009, nhiều chuyên gia dịch tễ dự đoán, bệnh SXH có nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp phòng chống hiệu quả ngay từ đầu năm 2010. Thống kê từ đầu năm 2010 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.600 ca mắc SXH, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2009, trong đó đã có 1 ca tử vong tại quận Sơn Trà. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8-2010 đến nay, Đà Nẵng đã có gần 200 ca mắc SXH mới, nguy cơ dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp khi bước vào mùa mưa lũ là rất cao. Đáng nói là diễn biến của dịch bệnh này ngày càng phức tạp, rất khó để giảm số bệnh nhân mắc mới trong thời gian tới, khi mà mùa mưa đã chớm bắt đầu.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ trong tháng 7-2010 đã tiếp nhận, thu dung điều trị cho hơn 250 bệnh nhân. Trong đó, nhiều ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao do nhập viện điều trị bệnh chậm. Hiện tại, Khoa Nội A, Trung tâm Y tế quận Hải Châu đang thu dung điều trị 41 bệnh nhân SXH, trong đó 70% là học sinh, sinh viên. Số bệnh nhân đông khiến bệnh viện trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH, mỗi giường bệnh bố trí 2 bệnh nhân. Bệnh nhân Phan Thị Thùy Linh (23 tuổi), sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho biết, khu vực phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, nơi em đang ở trọ có nhiều sinh viên, học sinh mắc bệnh SXH. Nhiều trường hợp đến muộn nên diễn tiến bệnh trở nặng, phải điều trị từ 7 đến 10 ngày mới khỏi.

Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Dịch tễ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, dịch SXH  năm nay diễn biến rất phức tạp, xảy ra trên diện rộng, đến sớm và kéo dài hơn so với năm ngoái. Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan liên quan gồm Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Trung tâm Y tế quận, huyện để bàn biện pháp phòng chống, dập dịch. Tuy vậy, Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho rằng, đối phó với dịch SXH chỉ riêng ngành Y tế sẽ không có hiệu quả, mà cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp quận, huyện và xã, phường.

Chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt

Trước tình hình dịch SXH đang gia tăng và diễn biến phức tạp tại nhiều địa bàn trọng điểm, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai ngay việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, đặc biệt là học sinh - sinh viên chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết ngay tại gia đình, tổ dân phố, cơ quan, trường học…

UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện phải có kế hoạch cụ thể và huy động nguồn lực của địa phương triển khai nhanh, quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tình hình SXH trên địa bàn quản lý. UBND các quận, huyện phải huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng 1 lần/1 tuần tại các hộ gia đình, tổ dân phố, cơ quan, trường học… trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10-2010. Nếu xảy ra dịch bệnh, phải có các biện pháp xử lý kiên quyết tại địa bàn, không để dịch lan rộng, kéo dài. Phối hợp với các đơn vị y tế triển khai tốt các đợt phun thuốc trừ muỗi tại các khu dân cư.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có số bệnh nhân SXH nhiều nhưng vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố. Thực tế ở khu dân cư, không ít người dân chưa nhận thức đúng nên thờ ơ trong công tác vệ sinh môi trường, xử lý lăng quăng, diệt muỗi.

Qua giám sát dịch bệnh tại nhiều địa phương, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm cho biết, số lượng lăng quăng tại nhà dân và một số ngôi chùa còn rất nhiều, trong khi đó, nhiều người dân chưa ý thức về sự nguy hiểm của lăng quăng sinh muỗi gây ra bệnh SXH. Trước tình hình đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Y tế các quận, huyện giám sát lăng quăng, tìm chính xác ổ lăng quăng nguồn để diệt. Đặc biệt là tuyên truyền nhân dân nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch SXH và tăng cường diệt lăng quăng, muỗi ngay tại hộ gia đình. Đồng thời chỉ đạo các Trạm y tế xã, phường tăng cường giám sát véc-tơ truyền bệnh, phát hiện và xử lý ổ dịch. Sở Y tế Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chú ý theo dõi điều trị các trường hợp SXH độ 3, độ 4 để hạn chế tử vong do SXH.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

.