.

Điện ảnh trực tiếp: Khi hiện thực tràn vào phim

.

Ưu tiên sự thật, tối giản lời bình, hầu như không có bàn tay can thiệp của đạo diễn; cuộc sống, tính cách, hoàn cảnh của nhân vật được đạo diễn kể bằng những thước phim hoàn toàn trung thực… đó là những gì những bộ phim tài liệu thực hiện theo phong cách điện ảnh trực tiếp, còn gọi là “điện ảnh hiện thực” (cinema direct).

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (bìa trái) trong một lần tham gia làm phim ở Hội An.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (bìa trái) trong một lần tham gia làm phim ở Hội An.

Phim “Đất đai thuộc về ai?” mở đầu bằng hình ảnh nhân vật bà lão đội chiếc nón cũ dắt hai con bò, một lớn, một bé đi tìm cỏ. Đồng cỏ xác xơ, có lẽ nơi này trước kia được gọi là đồng cỏ, nhưng giờ cỏ không mọc nổi; bà bảo trước bà có 8-9 con bò, nhưng giờ chỉ còn được 2. Cạnh đó, sân golf cỏ mọc xanh mướt, được tưới bằng một hệ thống phun nước hiện đại; và tràn vào phim, lặp đi lặp lại hình ảnh những người nông dân xấp xải bước đi giữa ngôi làng sẽ không còn là làng của họ khi đất đai bị thu hồi… Những hình ảnh tương phản, trớ trêu trong từng hình ảnh của bộ phim: cận cảnh bàn chân khô đét, mang dép trật quai của bà lão ở đầu phim; mũi giày bóng tưng tưng lơ lãng của đại diện nhà đầu tư; cảnh chàng thanh niên uất ức bỏ đi... Những câu chuyện thu hồi đất, chuyện đền bù, chuyện nông dân sẽ làm gì khi đất không còn… trở đi trở lại với từng hoàn cảnh, từng con người cụ thể. Chẳng có mấy lời bình, chẳng có cảnh sắp xếp sao cho nhân vật nói năng mạch lạc… cứ thể từng suy nghĩ, từng hành động của các nhân vật nối tiếp nhau “chảy” vào phim…

“Đất đai thuộc về ai?” là phim tài liệu được làm theo dạng điện ảnh trực tiếp, để cho sự thật tràn vào phim, đạo diễn ít dụng công vào những lời bình và không hướng khán giả vào những mô-típ định sẵn. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, khác với phim tài liệu chính thống, điện ảnh trực tiếp luôn tôn trọng sự thật, nhịp điệu không khí trong phim rõ ràng, tiết chế tối đa lời bình và gợi mở cho người xem những suy nghĩ mới. Bộ phim đi vào đoạn kết thúc nhưng tác giả vẫn sẽ không khẳng định bất cứ điều gì, mà dành kết luận cuối cùng cho khán giả.

Đề tài làm phim của điện ảnh trực tiếp là những gì đang diễn ra mà cuộc sống ghi nhận, thậm chí những thứ “xộc xệch” của đời sống cũng là chất liệu quý, xảy ra hằng ngày kèm theo những thay đổi, sự xung đột giữa truyền thống và hiện tại…

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê là người có nhiều kinh nghiệm trong làm phim tài liệu theo phong cách điện ảnh trực tiếp khi chị tham gia khóa đào tạo làm phim do Hiệp hội Điện ảnh Varan (còn gọi là Atelier Varan, thành lập năm 1981 tại Pháp) phối hợp với Hãng phim Tài liệu Trung ương tổ chức tại Việt Nam từ năm 2004 dành cho các học viên ngành truyền hình hoặc điện ảnh. Theo chị, những bộ phim tài liệu này muốn thực hiện phải bỏ công nhiều hơn, từ tìm hiểu để xây dựng đề tài đến khảo sát nhân vật; muốn làm được điều đó phải đi nhiều hơn, trò chuyện (chứ không hướng dẫn) với nhân vật nhiều hơn để họ không cảm thấy sự có mặt của máy quay phim; đôi khi đạo diễn đã hoàn thành kịch bản nhưng tùy vào hiện thực, kịch bản phải thay đổi theo hướng mở hơn đủ để chấp nhận theo hiện thực. Lúc đó tư duy của đạo diễn cũng tự do hơn, không gò ép một chiều, chú trọng cả thông tin và cảm xúc của nhân vật. Khi bộ phim kể được điều gì đó ẩn đằng sau hiện thực, tức là điều mà nhân vật thực sự nghĩ đến (thế giới bên trong của nhân vật) chứ không phải là nhân vật làm gì, tức đạo diễn đã khai thác được chiều sâu vấn đề, muốn gửi gắm đến khán giả, lúc đó mới có thể gọi là một bộ phim thành công.
Đoàn Hồng Lê đã có hai bộ phim thuộc thể loại điện ảnh trực tiếp là “Đường xa” và “Đất đai thuộc về ai?”. Hiện chị đang làm bộ phim thứ ba nói về những thay đổi của người dân vùng thủy điện A Vương.

Chấp nhận làm phim này là chấp nhận sự thử nghiệm và trải nghiệm. Đạo diễn phải đặt những câu hỏi nhẹ nhàng, đồng cảm, và tùy thuộc vào diễn biến sự việc hay tính cách nhân vật, đôi khi cần cả những câu hỏi “xoáy” để nhân vật thể hiện tất cả những điều họ nghĩ tới. Muốn làm được điều đó, đạo diễn phải thể hiện tất cả tài năng của mình để nhân vật nhập vào không khí câu chuyện, lúc đó nhân vật thể hiện được chiều sâu nội tâm hơn kiểu sắp đặt của các phim tài liệu làm theo cách truyền thống. Ở đây, nếu đạo diễn chọn được những nhân vật cá tính, phim sẽ rất sống động. Riêng với người xem, điện ảnh trực tiếp giúp khơi gợi suy nghĩ cảm xúc, có những đoạn phim cần đẩy nhanh, có những đoạn chậm, nấn ná, và lời bình trong phim rất ít, hoàn toàn không định hướng cho người xem.

Thế nhưng, trên sóng truyền hình hiện nay vẫn vắng bóng những bộ phim điện ảnh trực tiếp. Bởi các đài truyền hình có chỉ tiêu sản xuất và phát sóng riêng, được lên kế hoạch từ trước, phim ở ngoài rất khó chen vào. Một lý do nữa là khán giả chưa sẵn sàng tiếp nhận một thể loại phim có tiết tấu nhanh và buộc họ phải suy nghĩ về nó nhiều như vậy.

Bộ phim tài liệu “Không sự thật nào là đơn giản”, của đạo diễn Đoàn Hồng Lê và Trương Vũ Quỳnh (đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31 năm 2011) cũng sử dụng lời bình rất ít và khi dựng phim, những câu hỏi của đạo diễn dành cho nhân vật, để nhân vật nói lên chính kiến của mình được thu âm trực tiếp cũng chính là lời bình, là ý tưởng người làm phim muốn gửi đến khán giả.

Ở Đà Nẵng, đã có nhiều đạo diễn tham gia các lớp đào tạo điện ảnh trực tiếp và có thể trong một vài năm tới, những bộ phim tài liệu được làm theo thể loại này ngày càng nhiều. Và theo nhiều đạo diễn, thì các khóa học chỉ kéo dài 12 tuần nhưng đã cho họ một cách làm phim khác phong cách truyền thống, một cách nhìn mới và giúp họ giải phóng tư duy một cách triệt để. Và dù người làm phim có vất vả hơn rất nhiều thì những bộ phim đậm hơi thở cuộc sống sẽ xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh và sóng truyền hình.

Phim tài liệu “Đất đai thuộc về ai?” của đạo diễn Đoàn Hồng Lê thực hiện năm 2009.

 - Được chọn trình chiếu ở LHP Clermont-Ferrand (2010, Pháp)

 - Đề cử giải thưởng phim đầu tay ở LHP Corsica (2010, Pháp)

 - Đoạt giải 3 LHP Cameras des Champ (2011, Pháp)

 - Đoạt giải Trái tim Xanh, Yxineff (2011, Việt Nam)

HOÀNG NHUNG
 

;
.
.
.
.
.