Điện ảnh
Lửa Phật - thử nghiệm của Dustin Nguyễn
Nếu chưa tận mắt xem, nhiều người rất dễ nản lòng trước đánh giá không tích cực của dư luận về Lửa Phật - bộ phim giả tưởng hành động của đạo diễn, diễn viên Dustin Nguyễn.
Lửa Phật có nhiều mặt được làm “chưa tới”. Nhưng sự thực, người ta không nên và cũng không thể chê, thậm chí chê tới mức thậm tệ như trên một số diễn đàn mạng thời gian qua.
Khán giả cho rằng, cô gái câm (Đinh Ngọc Diệp đóng) được đặt vào phim chưa thật sự liền mạch. |
Trước hết, cần nói về tiêu đề phim. Nhiều khán giả nói rằng, họ không hiểu tại sao Dustin Nguyễn lại đặt tên phim là Lửa Phật. Họ không hiểu mối liên hệ giữa cái tên đầy chất tôn giáo, tín ngưỡng đó với câu chuyện bộ phim kể cho họ nghe. Sự thực thì thông điệp này rất rõ. Và thật ra cũng khá đơn giản. Nếu ngọn lửa bình thường, lửa theo cách hiểu vật chất, là thứ năng lượng có thể thiêu đốt tất cả mọi thứ, nhà cửa, tiền bạc, con người, vật dụng, thì chỉ có ngọn lửa của Phật mới có thể đốt bỏ được mọi tham, sân, si của loài người. Thông điệp đó được truyền tải trong suốt toàn bộ nội dung phim, rồi được chưng cất, gói lại và phát ngôn thành triết lý gửi gắm tới người xem ở lời bàn cuối phim của vị thiền sư với nhân vật tên Đạo.
Với phần đông khán giả Việt Nam, cách làm phim trong Lửa Phật của đạo diễn Dustin Nguyễn khá mới mẻ. Người ta định danh thể loại phim của anh là hành động giả tưởng. Song thực tiễn, cách xây dựng kịch bản và làm phim theo kiểu vừa kết hợp hiện thực và ước lệ như trong Lửa Phật lại là cách làm đã cũ của điện ảnh thế giới. Có thể thấy rõ điều này qua việc quan sát cách làm phim của đạo diễn. Câu chuyện kể trong phim là hiện thực, tức là chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra ở một nơi nào đó trên trái đất này. Những con người và số phận liên kết họ lại trong các mối quan hệ chằng chịt của câu chuyện từ quá khứ tới hiện tại cũng có thể là hiện thực. Nhưng phần ước lệ nằm ở cái gọi là phi thời gian, phi không gian của nội dung phim.
Xem phim, nhiều khán giả tỏ ra khó chịu và mất kiên nhẫn khi không hiểu đạo diễn đang kể câu chuyện xảy ra vào thời nào, ở đâu. Họ băn khoăn về sự đan xen liên tiếp giữa các bối cảnh quá khứ và hiện tại, giữa mơ và thực. Họ hoang mang trong cách ăn mặc kỳ quặc, đầy chất cao bồi miền Tây của nước Mỹ ở cái thời được người Mỹ viết lại trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió. Việc Đạo ăn mặc như một chiến binh thời trung cổ nhưng lại cưỡi trên chiếc xe máy khá ngầu, việc các nhân vật uống rượu Whisky nhưng lại đánh nhau bằng dao kiếm khiến người xem như bị đẩy vào mê cung của bối cảnh và trang phục. Họ trách mắng đạo diễn cẩu thả trong việc chọn phục trang và đạo cụ mà quên mất rằng, Dustin Nguyễn chủ ý làm như thế. Thực ra, chàng đạo diễn kiêm biên kịch và diễn viên chính này chủ ý tạo một tác phẩm điện ảnh mang tính luận đề (tạm định danh như vậy), với thông điệp rất đơn giản như đã nói ở trên. Tất cả chỉ là như thế. Anh muốn gửi gắm rằng, câu chuyện kể đây có thể xảy ra ở bất cứ thời nào, bất cứ nơi đâu, không phân biệt thời đại, màu da, dân tộc, đất nước, v.v... Xét tới cùng, dưới gầm trời này, con người ở đâu, ở thời nào chẳng bị thiêu đốt bởi những tham, sân, si vô tội vạ.
Và để tạo thêm sự hấp dẫn có tính thị trường, Dustin Nguyễn đã “cài cắm” thêm các màn “đấm đá” võ thuật và đôi chút cảnh nóng có phần khá “e ấp”, gợi nhiều hơn phô. Khi người xem hiểu rõ ý đồ kết hợp giữa hiện thực và ước lệ trong cách làm phim của Dustin Nguyễn ở Lửa Phật, họ sẽ thôi trách cứ anh về chuyện trang phục và bối cảnh, không gian của phim.
Cũng phải nói thêm, mới đây, báo chí tiết lộ thông tin, vào cuối tháng 8 vừa qua, Lửa Phật đã được một trong những công ty phát hành phim lớn nhất ở Bắc Mỹ là Grindstone Entertainment Group kết hợp với Lionsgate mua bản quyền. Không chỉ ở Bắc Mỹ, bộ phim cũng đã ký kết bản quyền và có cơ hội phát hành ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Từ đây có thể thấy, bên cạnh quan điểm làm phim phi thời gian, không gian ngay từ đầu, đạo diễn Dustin Nguyễn cũng xác định trước chiến lược vươn ra quốc tế của phim, thế nên, chuyện trang phục có phần nào đó hướng tới thị trường đã được anh “nhắm trước” cũng dễ hiểu. Lý do rất đơn giản, nếu không còn bị lệ thuộc chuyện trang phục phải gắn với vùng nào, thời nào, thì chọn một kiểu trang phục cho phù hợp với thị hiếu người xem ở thị trường tiềm năng cũng là lựa chọn rất khôn ngoan của nhà làm phim.
Nhiều khán giả thừa nhận, họ xem Lửa Phật trước hết vì cái tên đạo diễn và dàn diễn viên nhiều “sao”. Và sau đó, họ cũng thành thực nói rằng, dù không hẳn thích bộ phim lắm, nhưng cũng không tới mức phải tiếc tiền mua vé. Sự thật, Dustin Nguyễn chưa chọn được cách kể chuyện thật hấp dẫn bằng hình ảnh để cuốn hút người xem. Các pha võ thuật trong phim vẫn nặng tính bạo lực, chém giết. Nhưng cũng phải ghi nhận, anh đã thành công ở phương diện kỹ xảo và góc máy, ở sự chăm chút hình ảnh, âm thanh, ở khả năng diễn xuất khá “mịn” của các tên tuổi như nam diễn viên đẳng cấp Hollywood Roger Yuan, Ngô Thanh Vân, Thái Hòa, Đinh Ngọc Diệp... Ngay cả em nhỏ đóng vai Hùng cũng diễn xuất rất tự nhiên và cảm động. Phim ít kịch tính, mặc dù có yếu tố hành động, nhưng không phải không bất ngờ. Chi tiết Hùng rốt cuộc lại là con trai của Long chỉ được tiết lộ vào cuối phim chính là bất ngờ khó đoán với người xem. Và với một bộ phim thuộc loại đầu tay như Lửa Phật, với một cách làm phim dù sao vẫn còn mới mẻ với người Việt, Dustin Nguyễn đã thể hiện anh là người dũng cảm, nhiều bản lĩnh, dám thử thách và cũng dám đương đầu với những thất bại có thể không hề nhỏ.
DƯƠNG KIM THOA