.

Huyền thoại vẫn chưa được... viết!

.

Bàn về phim Việt, nhất là phim dùng kinh phí Nhà nước, khoản đầu tư cho phim thường là vấn đề được/bị bàn ra tán vào nhiều nhất. Nhưng không bàn chuyện này nữa, vì xét đến cùng, điều duy nhất người xem quan tâm chỉ là chuyện bộ phim đó “hay” hay “không hay” mà thôi. Nếu phim hay, có “đắt” một tí cũng là “sắt ra miếng”. Còn phim dở, thì chả còn gì phải nói thêm.

Một cảnh trong phim Những người viết huyền thoại. Ảnh: phimchieurap.vn
Một cảnh trong phim Những người viết huyền thoại. Ảnh: phimchieurap.vn

Trước khi ra rạp, và ngay cả trong những ngày đầu sau khi ra mắt báo giới, bộ phim Những người viết huyền thoại nhận được khá nhiều khen tặng. Cũng vì những lời khen ấy mà tôi phải đi xem. Trong thâm tâm, thực lòng cũng muốn có một hành động cụ thể, thiết thực để ủng hộ điện ảnh nước nhà.

Nhưng khi xem phim dài 120 phút thì tôi hoàn toàn thất vọng.

Kịch bản rời rạc, không rõ ý tưởng

Những người viết huyền thoại được xây dựng nhằm tái hiện chân dung những người lính đã gian khổ, anh dũng hy sinh mồ hôi, xương máu để thiết lập đường ống vận chuyển xăng dầu từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm chống Mỹ.

Đó là tư tưởng chủ đề đạo diễn đặt ra trong phim. Nhưng từ ý đồ đến kịch bản và thực tiễn hình ảnh còn là khoảng cách khá xa, nếu không muốn nói nó rời rạc, thiếu sự gắn kết mạch lạc.

Gần như trong cả bộ phim, chỉ thi thoảng ý đồ này được nhà làm phim nhắc lại như sợ người xem... quên mất. Mà đúng là dễ quên thật. Làm phim về đường ống dẫn xăng dầu - một trong số 5 con đường Hồ Chí Minh huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ - mà nhân vật chính tên Nghĩa (diễn viên Quốc Thái đóng), chỉ là một chiến sĩ từng làm nhiệm vụ tải xăng trong đường dây ấy. Câu chuyện trong phim, không nói về giai đoạn làm lính tải xăng, mà lại tập trung nói về nhiệm vụ giao liên gian khổ và dũng cảm của anh này.

Vậy là trong suốt bộ phim, mọi tình tiết, diễn biến đều xoay quanh sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường của Nghĩa và một vài nhân vật liên quan tới anh như Hà - cô văn công yểu mệnh, Mai - cô em gái sau cũng đi thanh niên xung phong, tướng Dinh - tác giả của đường ống dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam, v.v...

Bộ phim được dựng theo kiểu như lối xâu chuỗi rời rạc các trận đối đầu nhỏ lẻ giữa ta và địch, các chuyến hành quân, đưa đoàn cán bộ, văn công qua các thung lũng tử thần, những thương vong đột ngột, những cái chết người lính can đảm lựa chọn,...

Song chỉ là thế, kịch bản phim thiếu một câu chuyện nhuần nhuyễn, thiếu một chủ đề cô đọng, tập trung. Vì thế, ngoài những thông tin về số liệu cuối phim cung cấp, ngoài những vết sẹo do bỏng xăng trên lưng Nghĩa, ngoài một số hình ảnh đường ống dẫn xăng dầu và các thùng phuy xăng lăn lóc khắp nơi, ngoài những trao đổi ngắn gọn giữa tướng Dinh và một vài cán bộ, người xem khó có thể hình dung cũng như đánh giá chính xác về đóng góp rất to lớn của con đường vận chuyển xăng dầu đặc biệt của chúng ta trong những năm chống Mỹ.

Vẫn còn dễ dãi

Xem Những người viết huyền thoại, đôi lúc tôi bắt gặp những cảnh phim “không hiểu vì sao đạo diễn làm thế”. Có thể dẫn ra những trường hợp điển hình nhất:

Cảnh Nghĩa và Hà chia tay nhau trước khi Hà theo đoàn văn công ra Bắc, trai tài, gái sắc, gặp nhau trong cảnh loạn ly, “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” âu cũng là chuyện thường. Nhưng cái cách để cho họ ôm nhau bịn rịn, tình tứ trước mắt đám đông bằng cả một trung đội thì quả là... không hiểu nổi! Nó vô lý và phi logic cả trong phim lẫn ngoài đời.

Cảnh cô văn công vẫn đang bận áo tứ thân quan họ trao tặng Nghĩa cuốn sổ ghi nhật ký trước ngày chia xa cũng có thể coi là một hạt sạn của phim. Cô bạn phóng viên ngồi cạnh tôi thầm thì, “trông giống như chị ấy đang dâng trà cho bậc vua chúa vậy”. Cảm giác đó cũng giống suy nghĩ trong tôi.

Chưa nói tới việc rất nhiều lúc trong cảnh bom rơi đạn nổ khốc liệt, một vài diễn viên vẫn đi lại khá “hiên ngang”, thiếu xúc cảm chân thực, cảnh nhân vật Nghĩa lúc gặp lại Mai - cô em gái tại chiến trường - không cần nhìn, chỉ cầm súng lia ngang theo kiểu cao bồi miền Tây đã hạ gục tên lính Lôi Hổ gần đó có vẻ như đã được quay trong một phút hơi “bốc” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.  

Những “cái được” còn lại

Nếu để nói về những cái được đáng kể của bộ phim này thì đó là sự chăm chút về đạo cụ, trường quay và kỹ xảo.

Lâu nay, các bộ phim làm về đề tài chiến tranh cách mạng hay bị chê trách nọ kia vì sự cẩu thả trong khâu tái hiện quá khứ chiến tranh với những sai sót về đạo cụ, kiến thức quân sự, v.v... Nhưng với Những người viết huyền thoại, về cơ bản các lỗi này không có.

Chất lượng âm thanh, hình ảnh và kỹ xảo trong phim đã tạo được ấn tượng tốt. Nếu được xem ở rạp chiếu chất lượng cao, hẳn khán giả cũng nhiều phen giật thót vì tiếng bom, mìn, tiếng đạn pháo đan chéo dằn gắt khi hai phía ta và địch đối đầu trên hỏa tuyến.

Cảm giác về sự dữ dội của chiến tranh là cảm giác rất thật với người xem. Nhưng giá như sự dữ dội ấy được đặc tả ở những chi tiết gắn với tuyến đường ống dẫn xăng dầu, khán giả sẽ đồng cảm được nhiều hơn. Còn với những gì đã thể hiện, dường như “huyền thoại” về con đường truyền dẫn xăng dầu và những người dũng cảm gắn liền với nó vẫn chưa được viết một cách thực sự xứng đáng.

DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.