Trở về Đà Nẵng sau khi giành giải thưởng trị giá 20.000 USD để hoàn thành dự án phim tài liệu Những lời cuối cùng của cha tôi tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế DMZ (Hàn Quốc), đạo diễn Đoàn Hồng Lê cho biết, chị hiện không muốn nhắc nhiều về dự án phim này, cho đến khi nó được hoàn thiện và chính thức ra mắt công chúng.
Nhân vật người cha trong dự án phim tài liệu Những lời cuối cùng của cha tôi vừa đoạt giải Liên hoan phim quốc tế DMZ (Hàn Quốc). (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Song, bao giờ cũng vậy, Đoàn Hồng Lê luôn nói về phim tài liệu và điện ảnh trực tiếp với niềm say mê bất tận. Nữ đạo diễn chia sẻ rằng, cách nhìn cuộc sống, con người với những khía cạnh bản chất nhất đã cuốn hút chị theo đuổi phong cách điện ảnh trực tiếp (Pháp) khá nhọc nhằn gần 10 năm nay. Cách làm phim liên tục đào sâu, với những câu hỏi “tại sao”, giúp người làm phim nhìn, hiểu cuộc sống và con người một cách đa chiều, nhìn thấy cả đằng sau nhân vật, những câu chuyện, những tâm sự và bi kịch cá nhân rất con người… Khi con người ta hiểu rõ nhau, sẽ thấu hiểu, đồng cảm và nhân văn hơn.
Nhìn cuộc sống, con người ở khía cạnh bản chất
Theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê, cách làm phim độc lập, hay điện ảnh trực tiếp lúc đầu không nhận được sự đón nhận của nhiều người, thậm chí chê bai, bài bác, như “phim gì mà cảnh quay tối mù, rung lắc”, “phim gì mà không có chút nghệ thuật nào”... Hay có người nghĩ rằng, cách làm phim này quá dễ, rằng chỉ cần “đặt máy quay 24 giờ thì có thể có ngay bộ phim 24 tiếng”…
“Sở dĩ điện ảnh trực tiếp chấp nhận sự rung lắc, tối mù vì đó là cảnh quay chân thực và giàu cảm xúc nhất, mà chưa chắc sự sắp xếp sau đó sẽ đem lại”, đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói. Cũng giống cách làm “tiên phong” của nhà báo Hồ Trung Tú (khi anh công tác ở VTV Đà Nẵng) với phim tài liệu đầy ám ảnh Bức chân dung vùng cát, đạo diễn đã dám đưa máy quay cho người hàng xóm của nhân vật chính trong phim, chấp nhận những rủi ro về góc quay, chất lượng hình ảnh, chỉ để bắt được cảnh quay chân thực, lay động, có thần nhất của bộ phim. Vì vậy, có thể nói, việc nắm bắt những khoảnh khắc, cái thần sắc chân thực nhất của cuộc sống, của con người là điều tối quan trọng đối với những người làm phim chọn lối đi nhọc nhằn này.
Ở loại phim này, nhân vật với lời nói, hành vi hé lộ những trạng thái cảm xúc, kể cả những suy tư, trăn trở sâu kín. Đó là nghệ thuật, mang vẻ đẹp khắc nghiệt của hiện thực, một hiện thực không lung linh như điện ảnh post card (bưu thiếp) - nơi cuộc sống đã được chắt lọc qua lăng kính của người làm phim. Người làm phim trực tiếp sẽ để hiện thực “ùa” vào màn ảnh chân thực, tự nhiên nhất. Đạo diễn điện ảnh trực tiếp không tham vọng mang đến cho người xem thông điệp gì, không có sự áp đặt nào mà để họ tự cảm nhận. Vì vậy, với điện ảnh trực tiếp, “người xem nên xem phim bằng cảm giác, hơn là cố hiểu đạo diễn đang kể chuyện gì, nhắn nhủ gì đây”, đạo diễn Đoàn Hồng Lê đúc rút.
Tuy nhiên, không có nghĩa phim tài liệu theo phong cách điện ảnh trực tiếp “phó mặc” mọi chuyện cho tự nhiên, cho hiện thực. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê nhìn nhận: Người làm phim cần có ý tưởng, cần biết mình làm gì, nên đưa hiện thực, lời nói, nhân vật nào lên phim. Song, từ khi có ý tưởng đến lúc bắt tay vào quay là một quá trình vừa khảo sát, vừa suy nghĩ, viết lách, trao đổi... và đặc biệt là phải “lặn ngụp trong hiện thực” để tìm ra những gì liên quan đến câu chuyện mình muốn kể, làm việc với các nhân vật để tạo mối quan hệ gần gũi, khảo sát cuộc sống của nhân vật, tất cả chỉ để đưa nhân vật tham gia cùng làm phim với mình.
Lên ý tưởng trước, nhưng người làm điện ảnh trực tiếp không nên gò mình vào một ý tưởng đã định sẵn trong đầu, dù ý tưởng đó có hay đến đâu, hãy giải phóng tư duy của mình đến mức tối đa để tự do tiếp cận với hiện thực, hãy “mở” hết cửa, sẽ nhận được những món quà bất ngờ từ hiện thực cuộc sống, nó luôn thú vị hơn những ý tưởng mà người làm phim ngồi nhà vẽ ra trên giấy.
Hiện thực cuộc sống luôn có hai mặt trắng - đen, tốt - xấu. Đằng sau sự khắc nghiệt có thể ẩn chứa vẻ đẹp trong trẻo, thánh thiện và ngược lại, ẩn sau sự thánh thiện có thể là sự khắc nghiệt, thậm chí tàn độc. Điện ảnh trực tiếp giúp người làm phim học được cách nhìn cuộc sống đa chiều, nhờ cách liên tục đào sâu và tìm cách lý giải, thấu hiểu nó để nhân văn hơn.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê |
Hiện thực là “mỏ vàng sống động” của phim tài liệu
Theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê, cuộc sống hiện tại là “mỏ vàng sống động” và cần được khai thác ở thì hiện tại, không cần nương tựa vào chiến tranh, lịch sử hay bất cứ giá trị nào khác. Ngay trong dự án phim Những lời cuối cùng của cha tôi vừa đoạt giải, đạo diễn Đoàn Hồng Lê cũng cho rằng, bộ phim nương theo cuộc đời của người cha, nhưng vẫn là cái nhìn thời đại về một giai đoạn lịch sử.
Chia sẻ về phim Đất đai thuộc về ai (2009), từng giành được nhiều giải thưởng uy tín tại các LHP quốc tế, nữ đạo diễn cho biết, câu chuyện về những người anh hùng Điện Ngọc (Quảng Nam) đã trở thành “thần tượng” trong chị từ những ngày thơ bé. Nhưng rồi có lần đi trên đường ngang qua vùng đất của những người anh hùng trong chiến tranh, nơi người dân đổ máu xương để giữ đất, bỗng không còn thấy ruộng vườn mà chỉ thấy cái sân golf rộng mới, chợt nghĩ không biết những người anh hùng của một thời bây giờ sống ra sao với cảnh này. Phim bắt đầu từ ý tưởng đó, nghĩa là cũng bắt nguồn từ cái nhìn của hiện tại. Sức mạnh của phim tài liệu là không gì khác mà chính là hiện thực cuộc sống.
Đoàn Hồng Lê dẫn chứng thêm, tại LHP quốc tế DMZ vừa qua, phim tài liệu dù thuộc loại phim hiện thực, thể nghiệm, hoạt hình hay tài liệu - truyện thì vẫn là tấm gương phản chiếu trung thực nhất về tình hình chính trị - xã hội ở các quốc gia. Phim đến từ các nước đang phát triển đề cập những vấn đề của phát triển: đô thị hóa, nông dân mất đất, cuộc sống của tầng lớp lao động, các mâu thuẫn xã hội. Phim đến từ các nước giàu lại là những mối ưu tư của xã hội đã ổn định: già hóa dân số, chính sách, sự cô đơn của con người, truyền thống và hiện đại... Đối với nước ta cũng vậy, phim tài liệu dù lấy đề tài nào, ngay cả những đề tài tưởng cũ nhất nhưng nếu người làm phim biết gắn nó với hơi thở cuộc sống hiện tại một cách tinh tế, thì hẳn sẽ được đón nhận.
Nữ đạo diễn quan niệm: Làm phim độc lập và điện ảnh trực tiếp mang tính cá nhân cao, nhưng phải làm sao tính cá nhân đó tìm được sự đồng cảm của khán giả. “Vì nghệ thuật là sự chia sẻ, chia sẻ những cảm nhận, những ám ảnh, rằng tôi nghĩ như thế, mọi người có nghĩ như tôi không. Dù phim chỉ là những cảnh quay, chỉ có lời nói, hành động, cử chỉ của nhân vật, nhân vật tự xử…, tuyệt nhiên không có lời bình, nhưng người xem vẫn có thể nhìn thấy thái độ của người làm phim.
Ở đó, người ta có thể biết bạn nhìn câu chuyện trong phim bằng con mắt như thế nào, bằng tình yêu, bao dung, thấu hiểu hay sự hằn học, mỉa mai, cười cợt. Cách làm phim này, điện ảnh trực tiếp đặc biệt ở chỗ đó. Và đó cũng là một trong những điều để lại dấu ấn cá nhân của người làm phim. Và tôi rất tin một câu nói rất hay rằng: Đi đến cùng cá nhân, ta sẽ gặp nhân loại”, nữ đạo diễn nói.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (41 tuổi), hiện công tác tại VTV Đà Nẵng; điều hành dự án Varan workshop tại Đà Nẵng từ năm 2010. Tác phẩm: Đất đai thuộc về ai (2009) đoạt các giải thưởng: Giải thưởng tại LHP Cameras des Champs, Pháp; giải Trái tim Xanh YxineFF, Việt Nam. Ngoài ra, Đoàn Hồng Lê còn nhận được nhiều huy chương vàng, đạo diễn xuất sắc tại các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc. Dự án phim tài liệu Những lời cuối cùng của cha tôi đã được chọn lựa từ gần 150 dự án của các nhà làm phim độc lập khắp châu Á gửi đến. Phim là ký ức về mối tình đầu của người cha (80 tuổi) của nữ đạo diễn với cách mạng. Ông bị bệnh Alzheimer - chứng bệnh lấy đi trí nhớ trong hiện tại nhưng giữ được những ký ức từ rất xa trong quá khứ. Vì vậy, những kỷ niệm về mối tình đầu lãng mạn, thơ ngây của tuổi trẻ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, và cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, khi mọi thăng trầm của đời sống và thời cuộc qua đi hết trong lãng quên thì trong lòng ông chỉ còn lại một tình yêu đó. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê cho biết, số tiền thưởng 20.000 USD cho dự án phim này sẽ được sử dụng cho việc mời các chuyên gia dựng phim, hậu kỳ từ nước ngoài về làm việc để bộ phim có chất lượng kỹ thuật đúng chuẩn quốc tế. Từ đó, bản phim hoàn chỉnh chính thức sẽ được giới thiệu không chỉ với khán giả trong nước mà còn được giới thiệu tại các liên hoan phim quốc tế với tư cách phim độc lập. |
THANH TÂN