.

"Mùi đu đủ xanh" lọt top 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại

.

Trong hai danh sách 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại và 100 đạo diễn châu Á nổi bật nhất đều có những cái tên Việt Nam được xướng lên.

Một danh sách những phim châu Á hay nhất mọi thời đại đã vừa được công bố vào tuần này trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Busan đang diễn ra tại Hàn Quốc. Sắc màu điện ảnh ngày càng rực rỡ của điện ảnh châu Á đã được tôn vinh tại kỳ liên hoan thứ 20 này, đánh dấu một chặng đường dài của sự kiện điện ảnh lớn nhất châu Á.

Danh sách “Điện ảnh châu Á 100” gồm hai bình chọn - 100 phim châu Á hay nhất và 100 đạo diễn châu Á nổi bật nhất. Các danh sách này đều được đưa ra dựa trên bình chọn của những nhà làm phim, nhà phê bình có uy tín tại châu Á. Trong cả hai danh sách này đều có những cái tên Việt Nam được tôn vinh.

Đạo diễn nổi tiếng hàng đầu châu Á - Hầu Hiếu Hiền - tin rằng việc ra mắt danh sách “Điện ảnh châu Á 100” sẽ là một sự nhắc nhở đối với các nhà làm phim phương Đông về nghĩa vụ, bổn phận của họ trong việc “đi tìm vẻ đẹp đích thực của điện ảnh”: “Là một nhà làm phim, đôi khi bạn phải dám thực hiện những phim không chạy theo thị hiếu của số đông”.

Vị trí quán quân trong danh sách top 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại thuộc về phim của đạo diễn người Nhật Yasujiro Ozu - “Chuyện Tokyo” (1953). Bộ phim “Bi tình thành thị” (1989) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đứng thứ 5.

Ngoài ra, xuất hiện trong top 3 phim châu Á hay nhất còn có “Rashomon” (1950, phim Nhật, đạo diễn Kurosawa Akira, đứng thứ 2) và “Tâm trạng khi yêu” (2000, phim Hồng Kông, đạo diễn Vương Gia Vệ, đứng thứ 3). Bộ phim “Mùi đu đủ xanh” (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng đứng thứ 66.

Đạo diễn Trần Anh Hùng
Đạo diễn Trần Anh Hùng

Trong danh sách 100 đạo diễn châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại, xuất hiện trong top 3 lần lượt có đạo diễn người Nhật - Yasujiro Ozu, đạo diễn người Đài Loan - Hầu Hiếu Hiền, đạo diễn người Iran - Abbas Kiarostami. Cũng xuất hiện trong danh sách này có đạo diễn Trần Anh Hùng ở vị trí 40 và đạo diễn Đặng Nhật Minh ở vị trí 62.

Ban tổ chức liên hoan phim cho biết họ quyết định thực hiện danh sách bình chọn này để giúp người yêu điện ảnh trên khắp thế giới hiểu nhiều hơn về lịch sử điện ảnh châu Á. Có một số phim xuất hiện trong danh sách này sẽ được lựa chọn chiếu tại liên hoan. Danh sách sẽ được cập nhật, thay đổi định kỳ 5 năm một lần.

Bộ phim châu Á thành công nhất về mặt doanh thu phòng vé trên quy mô thế giới phải kể tới tác phẩm điện ảnh từng giành giải Oscar của đạo diễn Lý An - phim sử thi võ thuật “Ngọa hổ tàng long” (2000). Trong danh sách bình chọn top 100 phim, “Ngọa hổ tàng long” đứng ở vị trí 18, đạo diễn Lý An đứng ở vị trí 26 trong top 100 đạo diễn châu Á.

Trong danh sách 100 phim Châu Á, Nhật Bản có số lượng phim xuất hiện nhiều hơn cả với 26 phim, Iran có 19 phim, Hàn Quốc 15 phim. Bộ phim cổ nhất được lọt top 100 này là “Tôi được sinh ra, nhưng…” (1932) của đạo diễn người Nhật - Yasujiro Ozu, phim đứng ở vị trí 48.

Diễn viên Trần Nữ Yên Khê vào vai Mùi khi trưởng thành.
Diễn viên Trần Nữ Yên Khê vào vai Mùi khi trưởng thành.

Bộ phim hoạt hình được đánh giá cao nhất trong danh sách này là “Spirited Away” (Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn - 2001) của đạo diễn người Nhật - Hayao Miyasaki, phim từng đoạt giải Oscar dành cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất và đứng ở vị trí 18 trong danh sách.

Đại diện của LHP Busan đã trả lời phỏng vấn báo chí trước sự kiện LHP lần đầu tiên cho ra mắt danh sách bình chọn thú vị này, rằng: “Chúng tôi muốn viết lại lịch sử điện ảnh Châu Á bằng góc nhìn thực sự châu Á, khác với cách nhìn nhận, đánh giá mà trước nay điện ảnh phương Tây dành cho chúng ta. Chúng tôi muốn phát hiện và đề cao những phim đậm chất Á, thậm chí là những phim ít được thế giới biết đến”.

Cái tên Trần Anh Hùng đã hai lần được nhắc đến ở hai danh sách bình chọn top 100 của LHP Busan, với tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của vị đạo diễn người Pháp gốc Việt - bộ phim “Mùi đu đủ xanh”.

Một cảnh trong “Mùi đu đủ xanh”.
Một cảnh trong “Mùi đu đủ xanh”.

“Mùi đu đủ xanh” từng được chiếu tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) hồi tháng 5/1993 và giành được giải Camera vàng cho phim đầu tay, giải César của điện ảnh Pháp (vốn được so sánh với giải Oscar của Mỹ) cho Phim đầu tay xuất sắc.

Năm 1994, phim được đề cử tại giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. “Mùi đu đủ xanh” mang đậm chất Á và đã có những thành công nhất định trên quy mô thế giới.

Phim kể về một cô bé đi ở từ lúc còn nhỏ cho tới khi trở thành một cô thiếu nữ và tìm được tình yêu đẹp của cuộc đời mình. Bối cảnh phim là Sài Gòn thập niên 1950, tuy vậy, phim trường hoàn toàn được dựng lên ở Paris, Pháp.

Nhân vật nữ chính của phim tên là Mùi. Hai nữ diễn viên vào vai này đều là những người Pháp gốc Á. Trong đó, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, vào vai Mùi lúc lớn, là một phụ nữ Pháp gốc Việt. Cô cũng chính là vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Trong “Mùi đu đủ xanh”, những nét đặc trưng trong tính cách con người Việt Nam được khắc hoạ rõ nét. Đó là sự nhẫn nại và đức hy sinh của người phụ nữ. Họ là những con người thầm lặng, sống đầy nhẫn nhịn như Mùi.

Bên cạnh cảm nhận về thân phận và tính cách con người, đạo diễn còn dẫn dắt người xem đến với những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên Việt Nam dù trường quay được đặt ở Pháp.

Qua những khuôn hình cận cảnh, vẻ đẹp của những cuộc sống đời thường ở một nước Á Đông được đặc tả sinh động, lãng mạn, nên thơ. Qua đó, người xem hình dung ra vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của tâm hồn con người Việt Nam.

Theo Bích Ngọc (Dân trí)

 

;
.
.
.
.
.