Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, đạo diễn Phan Đăng Di - người đã ghi tên tuổi mình tại nhiều Liên hoan phim (LHP) quốc tế uy tín như Cannes, Berlin với các tác phẩm điện ảnh Bi đừng sợ, Cha và con và…, đồng thời sáng lập sự kiện Gặp gỡ mùa thu (GGMT) gần 3 năm nay, cho rằng Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một điểm tổ chức LHP, nơi quy tụ các hoạt động điện ảnh tầm quốc tế như Cannes (Pháp) hay Busan (Hàn Quốc)…
Đạo diễn Trần Anh Hùng (đứng giữa) sẽ tiếp tục đồng hành cùng Gặp gỡ mùa thu mùa thứ 3 này. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Bắt đầu với “Văn hóa xem phim”
* Đà Nẵng có thể trở thành Busan của Việt Nam, trong điều kiện hiện nay?
- Đà Nẵng có vị trí địa lý và cảnh quan rất thuận tiện để tổ chức một LHP quốc tế với bờ biển đẹp, trải dài và hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao đầy đủ tiêu chuẩn đón các đoàn khách quốc tế. Thành phố cũng nằm ở tâm điểm của các di sản thiên nhiên và văn hóa nổi tiếng nhất của Việt Nam được toàn thế giới biết đến như: phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng; kết nối với thế giới bằng một cảng hàng không hiện đại.
Quy hoạch thành phố khá mạch lạc, thoáng đãng để có thể phát triển thành một đô thị hiện đại. Ngoài ra, khu vực ven biển của Đà Nẵng có thể xây dựng một quần thể kiến trúc quy mô phục vụ LHP như: cung liên hoan, hệ thống các rạp chiếu, khu vực tổ chức chợ phim, vui chơi công cộng...
Xét về điều kiện tự nhiên, Đà Nẵng còn đẹp và phong phú hơn Busan. Tuy nhiên, phải nhìn vào một thực tế là dù không được thiên nhiên ưu đãi cho những điều kiện vàng như Đà Nẵng để tổ chức LHP, Busan nói riêng và Hàn Quốc nói chung đã là một đất nước phát triển hàng đầu ở châu Á với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất. Ngoài ra, LHP Busan đã có lịch sử 20 năm phát triển và trong thời gian đó, điều quan trọng nhất họ tạo ra được cho người dân thành phố “một văn hóa xem phim”.
Một kỳ LHP quốc tế là nơi giới thiệu các tác phẩm điện ảnh đặc sắc nhất của thế giới trong năm, cũng là nơi khách quốc tế và nghệ sĩ của nhiều nước đến giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, thưởng thức các tác phẩm điện ảnh cũng như trải nghiệm đời sống văn hóa với người dân địa phương. Sẽ là thất bại nếu bản thân người dân địa phương không tham gia các hoạt động đó, đặc biệt là không trở thành các khán giả văn minh đồng hành các bộ phim được trình chiếu. Điều mà thành phố Busan làm được là số lượng người dân tham gia LHP tăng dần qua từng năm và đến năm thứ 20 này, số lượng vé bán ra đã lên đến gần 600.000 vé.
Suốt kỳ LHP, Busan thực sự trở thành một thành phố điện ảnh, nơi người dân không chỉ xếp hàng để được nhìn thấy các ngôi sao trong nước cũng như quốc tế mà còn xếp hàng mua vé vào xem các bộ phim đến từ khắp nơi trên thế giới. Tạo dựng được không khí điện ảnh có sức tác động mạnh mẽ đến không chỉ giới làm phim mà còn đông đảo công chúng như vậy là điều mà Busan đã thực sự làm được - cũng là thách thức lớn nhất đối với các nhà tổ chức cũng như chính quyền thành phố Đà Nẵng nếu một LHP quốc tế được tổ chức ở đây.
* Đâu là điều kiện cần và đủ để thành phố bên sông Hàn có thể trở thành nơi diễn ra các LHP quốc tế?
- Như đã đề cập ở trên, thiên nhiên hết sức ưu đãi để Đà Nẵng có thể trở thành một thành phố của LHP, nhưng câu hỏi lớn nhất của mọi câu hỏi khi ta tổ chức những sự kiện văn hóa lớn kiểu như một LHP quốc tế bao giờ cũng là vấn đề con người. Việc xây dựng những công trình hiện đại phục vụ LHP là điều tôi tin thành phố có đủ tiềm lực để làm được.
Nhưng LHP quốc tế là một sự kiện đòi hỏi những chuẩn mực nhất định về tiếp nhận và thưởng lãm văn hóa, về giao tế và quan hệ quốc tế. Nó đòi hỏi một cách ứng xử, một tầm nhìn văn hóa cởi mở và hiện đại, trước hết là từ phía chính quyền thành phố, từ phía các nhà tổ chức đến từng người dân. Nó cũng là công việc đòi hỏi sự đầu tư chăm chút dài hơi, có kế hoạch và chiến lược rõ ràng.
Một trong những việc cần làm trước mắt là đưa các hoạt động điện ảnh đến với người dân, thu hút các nghệ sĩ, các nhà hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước đến Đà Nẵng để giao lưu, làm việc, dần biến thành phố thành một điểm hẹn điện ảnh đúng nghĩa.
Đó cũng chính là điều mà chương trình GGMT của chúng tôi đã thực hiện tại Đà Nẵng 2 năm vừa qua khi mời được các nhà làm phim nổi tiếng như đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng, các nhà quay phim tên tuổi từ Hàn Quốc, các nghệ sĩ và đại diện của các LHP quốc tế nổi tiếng như Venice và Cannes đến để giảng dạy, giao lưu và làm việc với các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, ngay tại Đà Nẵng.
Quan sát những sự kiện văn hóa được tổ chức gần đây ở Đà Nẵng cũng như lời cam kết của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong buổi bế mạc GGMT (2014) biến Đà Nẵng thành một điểm đến của điện ảnh Việt Nam và thế giới, chúng tôi tin rằng những điều kiện cần và đủ đầu tiên cho việc ra đời một LHP quốc tế Đà Nẵng đã có. Cái chính bây giờ là những nỗ lực tiếp theo để chúng ta cùng biến nó sớm thành hiện thực.
Điểm hẹn của điện ảnh Việt Nam và thế giới
* Anh nghĩ gì về các bạn trẻ đam mê điện ảnh ở Đà Nẵng?
- Mấy năm qua, chương trình GGMT đã đón các học viên từ Đà Nẵng, chúng tôi cũng đã đỡ đầu để các bạn trẻ ở đây thực hiện được những bộ phim đầu tiên. Phim ngắn Không có gì quý của Nguyễn Trọng Khôi - một bạn trẻ Đà Nẵng, được quay tại chính đất Quảng với một ekip rặt Quảng Nam đã là một phim ngắn rất tốt, được nhiều người yêu thích trong hai năm trở lại đây.
Tuy nhiên, từ những bước đi đầu tiên đó đến khi có thể trở thành một nhà làm phim chuyên nghiệp là một chặng đường dài đầy thử thách mà không riêng gì các bạn trẻ ở Đà Nẵng, ai ở đâu trên thế giới này cũng đều phải vượt qua. Với các bạn trẻ Đà Nẵng, nơi chưa có nền công nghiệp điện ảnh, chưa có các trường dạy làm phim thì chặng đường đó còn chông gai hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định xây dựng chương trình GGMT ở đây chính là để giúp các em có thể rút ngắn chặng đường đó.
* Theo anh, điều gì khiến người ta bắt đầu kỳ vọng nhiều ở GGMT?
- Tuy năm nay mới là năm thứ 3 nhưng GGMT đã là một sự kiện được các nhà làm phim trong nước, đặc biệt các bạn trẻ chú ý. Lượng hồ sơ đăng ký học mỗi năm một tăng, nhưng số học viên mà GGMT có thể tiếp nhận rất hạn chế, vì vậy tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là sau khi chúng tôi chào đón những học viên nước ngoài.
Ngoài những yêu cầu cao về chất lượng phim, ngoại ngữ cũng là một điều kiện bắt buộc để tham dự khóa học khi tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính thức được dùng trong các khóa học, kể từ năm nay. Những hoạt động khác của GGMT như pitching dự án được tổ chức lần đầu năm 2014, nay đã mang lại kết quả. Hai dự án giành giải dự án hay nhất của Art-house Film Corner (cho phim nghệ thuật) và Entertainment Film World (thế giới phim giải trí) năm 2014 là Cha Cha Cha của Đỗ Quốc Trung và Thằng Ròm của Trần Dũng Thanh Huy trở thành 2 trong số gần 30 dự án được mời đến APM (Asian Project Market - Hội chợ dự án phim châu Á) của LHP Busan 2015 để tìm các cơ hội hợp tác sản xuất trong thời gian tới.
Ngoài ra, từ 2 năm nay, tôi cùng nhà sản xuất Trần Bích Ngọc, biên kịch Nguyễn Mỹ Dung - là những người tham gia sáng lập và điều hành GGMT trong các lần tham dự các LHP hay các sự kiện điện ảnh ở nước ngoài đều không tiếc công tuyên truyền quảng bá cho chương trình và cho mảnh đất mà GGMT đã gắn bó suốt mấy năm qua - thành phố Đà Nẵng.
Rất nhiều nhà làm phim, các LHP, tổ chức điện ảnh trên thế giới đã nghe, đã biết và đều sẵn lòng đến với Đà Nẵng, đến với GGMT. Tuy nhiên cũng phải thú thực, GGMT chỉ là một tổ chức phi lợi nhuận, nguồn tài chính mà chúng tôi vận động được hằng năm chỉ đủ cho các chương trình đào tạo và mời một số lượng nhất định các khách mời trong nước và quốc tế.
Để có thể mời số lượng khách đông đảo hơn, tổ chức những hoạt động quy mô, xứng tầm một sự kiện điện ảnh quốc tế, một LHP quốc tế trong tương lai, chúng tôi rất cần sự chung tay của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Thật may là chúng tôi đã nhận được cam kết đồng hành từ chính Chủ tịch UBND thành phố - ông Huỳnh Đức Thơ cho mục tiêu này.
* GGMT năm nay có gì mới so với hai mùa trước?
- Điểm mới của GGMT năm nay là chúng tôi bắt đầu đón những học viên và các nhà hoạt động điện ảnh quốc tế uy tín đầu tiên sau hai năm tổ chức. Như vậy, Đà Nẵng đã thực sự trở thành điểm hẹn của các nhà làm phim trẻ không chỉ của Việt Nam. Ngoài ra, trong chương trình của khóa học đạo diễn năm nay (vẫn do đạo diễn Trần Anh Hùng dẫn dắt), các học viên sẽ thực hành quay hai phim ngắn ngay tại Đà Nẵng. Hình ảnh Đà Nẵng sẽ được ghi dấu trong các phim ngắn này như bối cảnh cho những tác phẩm đầu đời của những nhà làm phim trẻ. Chúng tôi hy vọng không xa nữa, mảnh đất và con người ở đây sẽ dần trở nên quen thuộc trong các bộ phim của Việt Nam và quốc tế. Đó cũng là một trong những mục đích quan trọng mà GGMT hay LHP Quốc tế Đà Nẵng trong tương lai hướng đến.
* Những năm qua, Đà Nẵng đã bắt đầu tạo dấu ấn với phim tài liệu, phim ngắn, nhưng với mảng phim truyện thì dường như vẫn là con số 0. Phải chăng Đà Nẵng không thể là mảnh đất của phim truyện?
- Có một sự thật ai cũng có thể nhận ra là: Đà Nẵng chưa có nền công nghiệp điện ảnh, làm sao có thể sản xuất cái gì lớn ở một nơi chưa có nhà máy? Busan cũng ở vào hoàn cảnh tương tự khi họ bắt đầu tổ chức LHP Quốc tế 20 năm trước. Khi đó, nền công nghiệp điện ảnh ở đây có thể nói là chưa có gì. Nay thì sao? Thành phố trở thành trung tâm sản xuất phim lớn thứ 2 ở Hàn Quốc, sau Seoul với hàng loạt các trường quay lớn, các hãng làm hậu kỳ và cũng là thị trường điện ảnh lớn của Hàn Quốc, được toàn thế giới biết đến. Sự phát triển kỳ diệu đó đều bắt nguồn chính từ LHP Quốc tế Busan.
Thanh Tân thực hiện