.

Cao ơi...

Những hàng cau xanh ngắt như chết lặng trước nhà đón ngày về của Cao. Xót xa, đột ngột và đau lòng quá Cao ơi!

Cao đã về nhà. Chuyến trở về lần này là mãi mãi. Thôi là hết những chuyến vào Nam, ra Bắc bất tận của Cao. Về cái nơi mà cách đây 58 năm Cao cất tiếng khóc chào đời. Sinh ra tại Phú Vang, Thừa Thiên - Huế nhưng gần như cả cuộc đời Cao sống tại Đà Nẵng. Học tiểu học tại phường Thanh Bình, vào trung học “đệ nhất cấp” của ngôi trường  lừng lẫy Phan Châu Trinh, sau đó vào lớp 10 của Ban C văn chương với những người cùng lứa: Hoàng Chương, Đặng Ngọc Khoa, Mai Đức Lộc, Nguyễn Khoa Chiến, Trần Phước Hùng, Lê Thanh Quang... cái thuở bắt đầu đọc Jean Paul Sartre, Saint Exupery... những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... với rất nhiều mơ mộng và trăn trở. Nhưng giữa những ngày đen tối ấy, Cao và anh em “hoa đã hướng dương” (Đông Trình). Từ phong trào thành phố, Cao thoát ly lên núi. Sau ngày hòa bình, từ một người lính tại phường đội Thanh Bình, Cao lao vào công tác. Hết Phường đội trưởng qua Bí thư Đoàn phường. Những Phú Ninh, Khe Răm, Sông Nam, Sông Bắc... mà mỗi ngày lao động đều thấp thoáng những Paven Coosaghin, rồi những đêm văn nghệ giữa công trường ngổn ngang bụi đất, mà khi ngồi viết những dòng này, Cao ơi như đâu đây vẫn da diết “khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa...” của Cao dạo nào. Rồi như một thôi thúc tự nhiên, ban ngày đi làm, ban đêm đi học. Học “bổ túc” nhưng Cao là một trong những người đỗ cao vào khoa Văn (khóa 2) Trường Đại học Tổng hợp Huế (1977). Ngồi tại giảng đường Morin nơi “lớp học nhìn ra dòng sông” chưa tròn năm, Cao được chọn đi học Trường Nguyễn Ái Quốc IX (Thủ Đức, thành phố Hồ Chi Minh). Sau 4 năm tại ngôi trường vốn là một quân trường nổi tiếng, Cao được kết nạp Đảng, tốt nghiệp đại học, được chọn về Khoa Triết Trường Tuyên huấn TW 2 và sau đó là cán bộ quản lý khoa học Trường Nguyễn Ái Quốc III (Đà Nẵng). Chuyển công tác từ môi trường sư phạm về công tác tại Văn phòng Thành ủy (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), sau đó về Văn phòng Bộ VH-TT&DL (đại diện tại miền Trung và từ năm 2009 là TP. Hồ Chí Minh).

Có lẽ quyết định chuyển hẳn vào công tác tại TP. Hồ Chí Minh là quyết định nhiều trăn trở nhất. Nhưng Cao vẫn chọn. Chắc không hẳn là để gần cu Bốp thôi đâu. Ngứt mình rời khỏi quê Đà Nẵng mà chỉ còn dăm năm nữa là “quy khứ lai từ” nó nặng lòng nhiều lắm. Có lẽ chỉ có những đêm dài không chợp mắt về hai chữ “công việc” mới hiểu hết tấm lòng Cao.

Cao là người tài tử. Làm thơ và viết truyện, viết phê bình, viết ký, cũng như chuyện công danh... ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, Cao đã viết và tham gia thi văn đoàn “Thằng Bờm”. Viết không nhiều nhưng nhiều người vẫn nhớ những bút danh: DĐC, Dương Đăng, Dương Thái Nguyên, Dương Đăng Hoàng Vũ, Giao Đăng, Giao Đăng Cương, Cao Phương Lan... Cao là người đa tình nhưng rất mực thủy chung, lãng mạn nhưng rất nghiêm túc với đời. Không giả dối, không xu nịnh, đa mang nhưng rất chân thành. Dù có thể nhiều điều làm Cao không vừa ý, nhưng Cao hình như không biết giận ai bao giờ. Cả cuộc đời bồng bềnh, hơn 30 năm đi làm, trải qua gần hai mươi cửa ải của công việc, của cơ quan nơi đi, nơi đến, nơi về, cũng là sự khám phá của sự chịu đựng, âm thầm, dằn vặt, trăn trở. Cao sống như giúp chúng ta thấu hiểu cặn kẽ thân phận con người.

Ngày Đặng Ngọc Khoa mất, Cao viết: “Đừng khóc nữa, Khoa về xa...! đoạn cuối:

“Ai rồi cũng về với đất
Khoa cũng đã có đất lành, đất đẹp
Khoa đã sớm về với đất mẹ thân yêu
Ai rồi cũng về xa, như Khoa...
Nhưng nỗi đau, khoảng trống này quá lớn
Vì quá đa mang với đời, Khoa ơi”
(Đà Nẵng, 4-12-2009)

Giờ nghĩ lại, có lẽ Cao đã trải lòng viết như cho chính mình. Mới đây thôi, khi Cao viết bài “Dân phong trào” gửi cho kỷ yếu “Chúng tôi có một thời như thế” của Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng (1970-1975) (rất tiếc bài viết không được đưa vào kỷ yếu bởi người biên tập cho rằng dễ gây hiểu nhầm), Cao bảo: “Thắng lợi và thành công mang lại niềm vui hể hả, nhưng thất bại lại giúp cho con người trở nên tốt bụng, nhân hậu hơn. Những người thắng trận ngày xưa có thể kiêu ngạo, khó chịu chừng nào, có lúc bị châm biếm, gọi là “Dân phong trào” hãnh tiến, thì giờ đây ảm đạm, côi cút, đầy thương cảm! Cũng bình thường thôi, luật trời (...) Tết năm nay, được theo một người bạn cũng là “Dân phong trào”, nay cũng thuộc hàng chức sắc đi thăm chùa Từ Hiếu, ở Huế. Cảnh chùa thanh tịnh, yên lành, mua được sách hay, cảnh chùa đẹp, nhẹ nhàng... giờ đọc thấy cảnh dân tình, quan chức chen lối, giẫm đạp lên nhau cướp ấn, cầu danh, mua lộc… mà không khỏi giật mình, ghê sợ. Đến chốn thiêng liêng, cũng không còn bình an, thanh sạch, huống hồ cõi trần, ô trọc!”.

Cao ơi, làm sao hiểu hết tấm lòng Cao. Lúc nào cũng lạc quan, cũng vui vẻ, nhưng trong sâu thẳm đầy trăn trở. Chuyện đất nước, chuyện cuộc đời, chuyện phải không thế sự... Không biết dựa vào đâu mà Cao đã “sống hay” đến thế? Nếu ràng buộc bởi số phận nghiệt ngã hay định mệnh trớ trêu như mỗi người thường gặp, để lý giải thì quá đơn giản trong đời thường. Không chỉ bởi số phận, bởi định mệnh mà chính là con người phải vượt qua nghịch cảnh, biết chịu đựng, biết dấn thân, và nhất là phải biết chịu đựng. Cao ơi, không thể nào nguôi khi nghe anh em kể lại rằng, trước khi khép lại cuộc đời, Cao vẫn còn ngồi trên xe. Một mình. Im lặng và cơn đột quỵ kia đã chiến thắng cái tính bất cần y bạ của Cao. Ừ thôi, có lẽ với Cao, cuộc đời này cũng là một cuộc ra đi nữa mà thôi.

Giờ thì Cao đã đi xa thật rồi. Biết bao dự định chưa làm, biết bao lo toan dang dở. Bao trăn trở, thương ghét sẽ về theo cát bụi. Cao đã sống trọn vẹn nghĩa tình với gia đạo, vợ con, bằng hữu. Đau xót vô cùng khi Cao còn những ba năm nữa mới đến tuổi nghỉ. Nhớ mãi một con người, một cuộc đời lận đận nhưng rất đẹp của Cao. Cao sẽ mãi mãi trong lòng của Phương, người vợ thủy chung và hai con Phương Lan, cu Bốp cũng như tất cả bà con, anh em bằng hữu. Đốt nén nhang vĩnh biệt. Cầu mong Cao thanh thản.  

Ngày đưa tang 4-7-2012.

 MAI ĐỖ

;
.
.
.
.
.