.

Từ những chuyến đi...

.

Các chuyến đi tìm “địa chỉ đỏ” là một trong những cách thức giáo dục truyền thống hiệu quả nhất đối với đoàn viên, thanh niên.

Đoàn viên, thanh niên phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) tham gia lễ truy điệu, cải táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ phường sau chuyến đi tìm “địa chỉ đỏ”.
Đoàn viên, thanh niên phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) tham gia lễ truy điệu, cải táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ phường sau chuyến đi tìm “địa chỉ đỏ”.

Những ngày giữa tháng 7 này, trong không khí trang trọng của các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, gần 10 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) tham gia tìm “địa chỉ đỏ”, quy tập mộ liệt sĩ tại đèo Hải Vân và núi Hòn Quắp (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sau 3 ngày, 2 đêm trèo đèo, lội suối, ăn, ngủ trong rừng, với tinh thần tìm kiếm không mệt mỏi, đoàn đã cất bốc được 2 bộ hài cốt liệt sĩ, rồi long trọng tổ chức lễ truy điệu và đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Hiệp Nam.

Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động về nguồn của tuổi trẻ Hòa Hiệp Nam. Từ năm 2007 đến nay, Đoàn phường Hòa Hiệp Nam đã phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh phường tổ chức 4 chuyến đi tìm, quy tập được 7 mộ liệt sĩ tại đèo Hải Vân và núi Hòn Quắp, trong đó có 3 ngôi mộ vô danh. Từng tham gia 3 chuyến đi quy tập mộ liệt sĩ, đoàn viên Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Chuyến đi nào may mắn thì chỉ từ 2-3 ngày là tìm được địa điểm chính xác của ngôi mộ. Nhưng cũng có những chuyến đi phải mất 6-7 ngày mới trở về. Xót xa nhất là những ngôi mộ quy tập về nhưng không có người thân đến nhận. Sau mỗi lần như vậy, mình cứ thấy ray rứt”. Lần đầu tiên tham gia chuyến đi, bạn Nguyễn Ngọc Anh không giấu được xúc động và bộc bạch: “Chuyến đi để lại cho mình nhiều điều trăn trở! Lần đầu tiên nhìn thấy hài cốt của liệt sĩ lạnh lẽo giữa rừng, mình hiểu sâu sắc về sự hy sinh của lớp người đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập ngày nay”.

Anh Bùi Đình Vũ, Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam, chia sẻ: Công tác đền ơn đáp nghĩa là hoạt động xuyên suốt của công tác Đoàn và phong trào thanh-thiếu nhi ở phường Hòa Hiệp Nam bởi đây là hình thức giáo dục đạo đức, tư tưởng hiệu quả cho ĐVTN. Cũng theo anh Vũ, từ thực tế nắm bắt tâm lý của ĐVTN cho thấy, phải tạo điều kiện để các bạn trẻ tham gia trực tiếp những chuyến đi đền ơn đáp nghĩa, gặp gỡ những người từng chiến đấu, chịu nhiều gian khổ và lập nhiều chiến công trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mới là hình thức giáo dục sinh động và hiệu quả nhất.

Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa cũng là hoạt động trọng tâm của Đoàn Thanh niên thành phố. Hằng năm, cứ gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Thành Đoàn Đà Nẵng lại phát động “Tuần lễ đền ơn đáp nghĩa”, thu hút sự quan tâm của ĐVTN. Nhiều năm qua, hàng trăm phần việc ý nghĩa như: thăm, tặng quà, hỗ trợ tiền xây nhà cho các gia đình, cá nhân có công với cách mạng; ra quân dọn vệ sinh, tu sửa tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố… đã được các quận, huyện Đoàn, Đoàn trực thuộc Thành Đoàn Đà Nẵng triển khai thực hiện nhằm góp phần sẻ chia những khó khăn, vất vả trong đời sống của những thương binh, người có công với cách mạng, gia đình chính sách trên địa bàn thành phố. Đặc biệt năm nay, công trình thanh niên lắp đặt 782 đèn chiếu sáng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) của Đoàn khối Doanh nghiệp thành phố đã tạo được dấu ấn riêng đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa của tuổi trẻ Đà Nẵng.

Anh Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngoài những hoạt động thường niên, Thành Đoàn Đà Nẵng đã phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh, Sở LĐ-TB&XH tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Còn mãi với thời gian” vào tối 25-7. Trước đó, các đơn vị Đoàn trực thuộc đồng loạt thắp nến tri ân 11.300 ngôi mộ tại 22 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Theo anh Mẫn, những người tổ chức kỳ vọng các hoạt động mang lại hiệu quả, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.