.

Nhà văn Phạm Cao Củng: Chàng thám tử Kỳ Phát một thời vang bóng

.

Trong bộ Nhà văn hiện đại, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã nêu nhận xét về Phạm Cao Củng: “Trong các tiểu thuyết trinh thám, như của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng có phần đặc sắc hơn…”. Ông đã viết hơn 200 cuốn sách, trong đó có hơn 20 tiểu thuyết trinh thám. Tuy nhiên, những tài liệu sưu tập liên quan đến sáng tác của ông hiện rời rạc và ít ỏi.

Nhà văn Phạm Cao Củng, tác giả nổi tiếng từ trước năm 1945 ở thể loại truyện trinh thám vừa qua đời vào ngày 17-12-2012 tại Florida (Mỹ), sau khi trải qua lần sinh nhật thứ 100 trước đó hai tháng.

Chân dung Phạm Cao Củng in trên báo Loa số 61-1935 với lời ghi chú: “Phạm Cao Củng hay là mụ Cả Mốc Thành Nam, người có biệt tài về môn viết truyện trinh thám”.
Chân dung Phạm Cao Củng in trên báo Loa số 61-1935 với lời ghi chú: “Phạm Cao Củng hay là mụ Cả Mốc Thành Nam, người có biệt tài về môn viết truyện trinh thám”.

In tập truyện ngắn năm 17 tuổi

Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định. Cha của ông là Cụ Kép Phạm Cao Bạt, em của bà Phạm Thị Mẫn, vợ nhà thơ trào lộng nổi tiếng Thành Nam Trần Tế Xương (Tú Xương). Năm 17 tuổi, Phạm Cao Củng cùng người bạn đồng môn Trường Thành chung Nam Định Lê Tràng Kiều phối hợp “sản xuất” tập truyện ngắn đầu tay Hang gió, in chịu và mang sách lên chợ phiên Hà Nội bán. Sách ế, cả hai thiếu nếm mùi vị thất bại đầu tiên. Lúc đó là năm 1931.

Năm 1936, khi học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Phạm Cao Củng nối lại giấc mộng văn chương bằng việc bắt đầu viết truyện trinh thám. Cuốn Vết tay trên trần xuất bản năm 1936, in khoảng 100 trang có thể coi là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học hiện đại. Ông cũng là nhà văn viết sách series đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi vào làm việc cho tờ Hải Phòng tuần báo của NXB Mai Lĩnh, ông thật sự bước vào cuộc đời của một nhà văn chuyên nghiệp, viết cho Tiểu thuyết nhật báo, Phong hóa, Ngày nay...

Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn. Năm 1975, ông đến Mỹ và định cư ở bang Florida. Vậy mà nhìn lại sự nghiệp của mình, ông tự nhận “chỉ là một anh thợ viết không hơn không kém”. Có lẽ do quan niệm như vậy, ông không hề lưu trữ tác phẩm và cũng không còn nhớ rõ mình đã viết những gì, nên càng khó khăn cho những ai muốn tìm hiểu đầy đủ về ông.

Dáng dấp Sherlock Holmes

Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia hai series mang đặc điểm khác nhau: series Kỳ Phát gồm có Vết tay trên trần, Kỳ Phát giết người, Đám cưới Kỳ Phát, Bóng người áo tím...; series Tám Huỳnh Kỳ bao gồm Máu đỏ lòng son, Chiếc gối đẫm máu, Bàn tay sáu ngón... Trong đó, nổi tiếng nhất là chuỗi series có tiêu đề Trinh thám Kỳ Phát, thường có những khung cảnh bí hiểm, những câu chuyện lắt léo rùng rợn, với các nhân vật thám tử tài ba, trọng nghĩa khinh tài, song hành cùng có số phận éo le... Nhân vật Kỳ Phát mang đậm dáng dấp Sherlock Holmes.

Cũng giống như gã thám tử lừng danh người Anh Sherlock Holmes, chàng Kỳ Phát tôn thờ phép suy luận. Trong cả cuộc đời, chàng Kỳ Phát lấy suy luận làm phương cách phá án. Dùng trí óc để suy xét, đề cao lý trí và logic các sự kiện, tên tuổi trinh thám của ông gắn với phép suy luận. Trong các cốt truyện trinh thám, ít khi có xác chết ngay từ đầu, xác chết sẽ xuất hiện tình cờ để thách thức tài năng thám tử. Các án mạng kép, những liên can ngày càng mở rộng và bí hiểm, những câu chuyện dẫn dắt, những nghị luận về công việc trinh thám đan xen trong tiến trình kể chuyện, đó là kết cấu phổ biến của tiểu thuyết trinh thám phương Tây thời kỳ đầu mà tiêu biểu là Conan Doyle.

Còn series về nhân vật Tám Huỳnh Kỳ thì thường những cốt truyện nhuốm màu rùng rợn, hành động của nhân vật mang tính cách mạo hiểm. Nhân vật chính Tám Huỳnh Kỳ là thủ lĩnh một băng nhóm trộm cướp, đối tượng điều tra của cảnh sát. Đây là mẫu nhân vật lưỡng diện, sẵn sàng làm những việc tàn bạo nhưng trong tính cách vẫn chứa đựng nét thông minh, hào hiệp, nghĩa khí của một trang nam tử, sẵn sàng giúp đỡ người yếu thế, trong nhiều tình huống thật sự trở thành một thám tử, điều tra làm sáng tỏ các vụ việc để rửa tiếng oan cho băng nhóm. Tám Huỳnh Kỳ mang dáng dấp của tên trộm hào hoa Arsène Lupin trong văn học Pháp.

Truyện của Phạm Cao Củng thường được in nhiều kỳ trên các báo và tạp chí với các bút danh Văn Tuyền, Trần Lang, Phương Trì; và cho các báo Loa, Phong Hóa, Ngày nay ký tên là Phạm Cao Củng, Phạm Thị Cả Mốc, Án Cao... Có những truyện in xong kỳ này rồi, tác giả mới bắt tay vào viết tiếp kỳ sau. Tính chất công việc tạo cho ông tác phong viết gần như công nghiệp, viết không lúc nào ngơi nghỉ. Có giai đoạn ông một tuần phải viết truyện cho 5 số báo, tức là mỗi ngày phải viết đủ 16 trang truyện...

Ngoài truyện trinh thám, Phạm Cao Củng còn viết tiểu thuyết kiếm hiệp và mạo hiểm kỳ tình. Ông cũng từng dịch truyện kiếm hiệp Trung Quốc, lại còn dịch văn, làm thơ, cả thơ vui lẫn những truyện thơ bình dân... Năm 1940, nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong từng sáng tác ca khúc Gắng bước lên chùa với phần lời thơ của Phạm Cao Củng.

Tuy nhiên, thời ấy, bên cạnh văn chương Tự lực văn đoàn với các tiểu thuyết tình cảm cũng như các sáng tác mang tính xã hội của các nhà văn hiện thực phê phán, thể loại trinh thám duy lý và trinh thám mạo hiểm không được đánh giá cao. Mặc dù trong tập Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (xuất bản năm 1943), nhà phê bình này nhắc đến Phạm Cao Củng khá trân trọng: “Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp... Nếu xét truyện trinh thám của Phạm Cao Củng trong phạm vi tương đối, người ta thấy đến nay ở nước ta, trong loại này, tiểu thuyết của Phạm Cao Củng vẫn là những tiểu thuyết khá hơn cả”.

Giờ đây, Phạm Cao Củng đã vĩnh viễn ra đi. Nhìn lại sự hình thành và phát triển nền văn học hiện đại Việt Nam, chúng ta mới nhận ra, sự đóng góp của ông ở thể loại trinh thám ly kỳ, hấp dẫn này là hết sức quan trọng, nhưng tiếc thay hầu như tác phẩm của ông khá bị lãng quên.

Trong tập Hồi ký Phạm Cao Củng (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành vào giữa năm 2012), tác giả viết kể lại cuộc sống trải dài và kết thúc hồi ký lúc ông 85 tuổi. Ông ghi rõ: “Khi tôi tạm ngưng không ghi chép thêm vào tập hồi ký này là ngày 31-2-1999. Thân già lọm khọm tự mình đánh máy lấy, trên máy vi tính thường bị lẫn lộn, lại vì quên khuấy không nhớ trước đã kể rồi, kể thêm lần nữa, rất mong những ai đọc hồi ký đừng cười…”. Vì vậy, ở tập sách này, người đọc chỉ một phần nào đó hình dung được cuộc sống viết văn, làm báo; cuộc sống của người công an phản gián, tình báo; cuộc sống tâm linh và cuộc đời tình ái của Phạm Cao Củng, chứ cũng chưa hiểu rõ toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, đặc biệt là ở thể loại trinh thám mà ông là một trong những người tiên phong mở đường vào giai đoạn đầu văn học hiện đại Việt Nam.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.