.
Tản văn

Nắng ngoại ô

.

Sắp qua tháng Chạp rồi mà nắng vẫn trải dài tít tắp. Ngoại ô vàng vọt trong nắng cuối Đông. Nhiều lần bà khoanh tay ngồi nhìn ra cánh đồng trước nhà. Những đống đất đỏ quoạch, lởm chởm sỏi đá vừa đổ xuống. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau chạy như bạt mạng chở đất san nền, nghe đâu được lấy từ đồi núi xa xa thành phố. Những chiếc xe ủi, xe lu ì nặng nhọc, nhả khói đen sì. Bọn trẻ con gọi nhau í ới, người lớn theo sau đào bới tìm phế liệu, ngày kiếm vài trăm ngàn đồng nếu nhanh tay và “trúng mánh”, bất chấp thời tiết buổi sáng mùa Đông se se lạnh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bà bảo, bà nhớ đất như nhớ người thân, nhớ một món ăn ngon quê kiểng. Bà cần đất để cấy cải, gieo trồng rau đậu. Mấy năm nay rồi, qua độ tháng 10 âm lịch, khi đỡ mưa to gió lớn, bà lại ra những ô đất này để gieo trồng rau cải chuẩn bị bán Tết. Những luống cải, rau húng, ngò, xà lách non xanh mướt trong nắng sớm mùa Đông như thách thức ký ức bà - người nông dân một đời gắn bó với cánh đồng rau này.

Giữa nắng gió ngoại ô, đâu đó bên những công trình đang ngày đêm hối hả, trên những đống đất được đổ từ lâu chưa xây dựng nhà cửa, cỏ đã mọc um tùm, xen lẫn những luống cải, rau, hành, húng đang lên xanh trong những khuôn đất được san ủi bằng phẳng thành những khuôn viên có cơ sở hạ tầng, đường sá thảm nhựa phẳng lì, láng bóng, điện đường giăng như lưới nhạc. Bà bảo màu xanh của rau cải ngai ngái không giống những đám rau xanh mượt trong ký ức.

Nắng miên man, gió từ sông Cái rào rạt lùa về, nồng nàn hương của  đất, mùi bùn non hăng hăng bay xa. Bên kia là trung tâm đô thị, những đường phố ngờm ngợp, nhà hàng, siêu thị người mua kẻ bán, xe cộ chạy như chong chóng. Đèn đỏ đèn xanh lập lòe, tiếng nói tiếng cười đông vui như trẩy hội. Đâu đó những gánh hàng rau của bà cụ hom hem từ ngoại ô qua phố thơm ngát mùi hương.

Cuộc sống đang diễn ra. Cuộc sống có bao giờ dừng lại, có chờ đợi ai đâu. Bà vẫn biết vậy.

Bà vẫn tiếc nuối. Bà bảo, nhiều lúc ngồi nhìn thẩn thờ như người mất của. Hơn ai hết, bà biết sự quý giá của đất đai, đồng bãi. Cả đời ông bà, cha mẹ, vợ chồng bà, bao nhiêu năm tháng sống bám vào những thửa ruộng, mảnh vườn này, bây giờ còn đâu! Vẫn biết sự đánh đổi này để bà từ người nông dân quanh năm tay lấm chân bùn, đầu tắt mặt tối thành thị dân giữa phồn hoa đô hội của thành phố loại 1 đầu biển cuối sông thơ mộng này. Đó là sự thay đổi của cuộc sống. Cuộc sống luôn lao về phía trước. Cuộc sống bao giờ cũng phải có sự đổi thay. Sự đổi thay mà người ta hay gọi là dời non lấp biển. Cái cũ mất đi, dĩ nhiên cái mới sẽ hình thành, sinh sôi nảy nở. Nhiều khi nó làm ta bịn rịn, nhớ nhung, tiếc nuối. Nỗi nhớ nhung, tiếc nuối hằn sâu thăm thẳm trong ký ức của tháng ngày chưa xa.

Buổi sáng tôi đi làm, dọc con đường vừa mở rộng thênh thang ngan ngát cỏ hoa, những chiếc xe máy đời cũ cọc cạch bất chấp luật giao thông chở đầy rau, củ quả, gà, vịt từ quê vội vã trong nắng buổi sáng cuối Đông ngoại ô vàng vọt. Mùi hương nồng nàn của cải, của rau phảng phất trong nắng sớm, tự dưng thấy nhớ thương những cánh đồng rau quê kiểng, thương mẹ, thương chị, thương em ở quê một đời tảo tần gánh gồng ra phố, góp hương vị cho bữa cơm mỗi nhà thêm tươi, giữ hồn quê giữa đô thị ồn ào náo nhiệt. Thầm nghĩ biết bao giờ hành trình nhọc nhằn của cuộc sống ấy sẽ phôi pha?

Chợt nghe bên tai thì thầm: Biết làm sao được, đô thị hóa là tất yếu. Vâng, đó là yêu cầu đổi thay mà ta đang đi về phía trước.

Chợt đâu đây, mùa Xuân đang về xôn xao…

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.