.

Thế giới sách: Nguyễn Bích Lan “không gục ngã”

.

Khác với vẻ bên ngoài gầy gò và mang trong người bệnh tật, có thể bị tử thần gọi đi bất cứ lúc nào, Nguyễn Bích Lan có thừa nghị lực để vượt qua những khiếm khuyết định mệnh của đời mình.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan (phải) và ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News, đơn vị đặt hàng và ấn hành Không gục ngã.				 Ảnh: thethaovanhoa.vn
Dịch giả Nguyễn Bích Lan (phải) và ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News, đơn vị đặt hàng và ấn hành Không gục ngã. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Tự truyện Không gục ngã (Công ty Văn hóa & Sáng tạo Trí Việt, NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Bích Lan vừa ra mắt với niềm hy vọng như chính cô chia sẻ: “Tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”.

Báo chí nhiều năm nay nhắc đến Nguyễn Bích Lan là tấm gương vượt qua số phận. Hơn thế, việc cô gái sinh năm 1976 phải bỏ học, rồi tự mày mò học tiếng Anh để trở thành dịch giả đã khiến nhiều người kinh ngạc. Với cuốn tự truyện này, người đọc còn bị chinh phục bởi khát khao sống, khát khao làm những việc có ích của một cô gái chỉ khoảng 30kg.

Nhưng đối lập với cơ thể gầy gò ấy là khối lượng công việc cô làm được: dịch 20 cuốn sách, phần lớn là tiểu thuyết, rồi viết truyện, làm thơ. Nhà báo Tạ Bích Loan từng mời Nguyễn Bích Lan làm “Người đương thời” tâm sự: “Người ta vẫn nói giấc mơ chỉ là giấc mơ, chuyện cổ tích chỉ là chuyện cổ tích… nhưng trong câu chuyện của Bích Lan, chuyện cổ tích đã trở thành hiện thực. Các bạn và chúng tôi học được một điều từ câu chuyện của Bích Lan. Đó là cho dù bạn gặp hoàn cảnh khó khăn đến mức nào, nhưng nếu bạn cố gắng và nhích từng bước một thì số phận sẽ mỉm cười với bạn”.  

Không gục ngã được viết trong 2 năm, xen kẽ với quá trình dịch cuốn Truyện ngắn Tagore và Cuộc sống không giới hạn của Nick Vujcic. Nguyễn Bích Lan tâm sự: “Tôi vốn không muốn viết tự truyện bởi tôi cũng giống như bất cứ ai, không dễ gì lao vào một cuộc giải phẫu tinh thần. Nhưng rồi một ngày, anh Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Trí Việt - First News, gọi điện cho tôi nói rằng: “Nếu em tự trả lời một cách chi tiết và đầy đủ các câu hỏi, chẳng hạn như em đã tự học tiếng Anh như thế nào, làm thế nào em trụ vững được khi tai ương chỉ chực đẩy em xuống hố sâu tuyệt vọng..., thì hành trình sống của em sẽ có ý nghĩa hơn. Từ gợi ý đó, tôi biết rằng cuộc giải phẫu của mình có thể sẽ giúp ích cho ai đó, đặc biệt là những người đang phải lần đi trong đường hầm tối của định mệnh. Và thế là tôi bắt tay vào viết cuốn sách này”.

Nguyễn Bích Lan là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là tác giả, dịch giả của các cuốn sách: Chờ đợi, Bị bán, Người đàn ông hoàn hảo, Những con người lạ thường, Thần đồng thế kỷ 20, Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới… Bản dịch cuốn tiểu thuyết Triệu phú khu ô chuột của cô đoạt giải thưởng văn học dịch năm 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nếu năm 13 tuổi Bích Lan không bất ngờ bị ngã, phải rất lâu sau mới đứng dậy được thì có lẽ cuộc đời của cô đã rẽ một hướng hoàn toàn khác. Nhưng định mệnh đã gọi tên Bích Lan. Kể từ đó, bàn tay không tự cầm bát ăn cơm, cơ thể ngày càng suy kiệt. Những lần chạy vạy khắp các bệnh viện khám chữa bệnh, việc học hành dở dang không khiến cô gục ngã mà càng làm cô tự nhủ mình phải có nhiều nghị lực hơn. Với cuốn sách tiếng Anh mượn của cậu em trai, với chiếc máy vi tính, Bích Lan đã mở cho mình một cánh cửa mới, cánh cửa giao lưu thế giới bên ngoài. Đặc biệt cô đã gặp lý tưởng cho cuộc sống mới của mình, đó là văn chương và dịch thuật. Và kể từ đó, dù sức khỏe ngày càng đi xuống nhưng những cuốn sách ra đời gắn với tên Nguyễn Bích Lan ngày càng nhiều lên. Sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhiệt tình cùng sự quan tâm, chia sẻ của người đọc tiếp thêm sức mạnh cho cô.

Có người bảo Bích Lan là tài năng lớn, một “hiện tượng kiểu như Nguyễn Ngọc Tư vậy”. Nhưng cuộc sống ấy, đường đi ấy, sự nghiệp ấy là của riêng Nguyễn Ngọc Tư. Còn đường đi này, cuộc sống này, sự nghiệp này là riêng của Nguyễn Bích Lan, và cô đủ tự hào về điều đó. Bích Lan tâm sự: “Những người theo dõi hành trình tôi đấu tranh với số phận nghiệt ngã đều nói rằng tôi đã chiến thắng. Có thể còn quá sớm để khẳng định đó là kết quả chung cuộc của trận đấu dai dẳng với đối thủ nặng ký mang tên số phận. Khi cuốn sách này đến tay bạn, tôi có thể khẳng định rằng chí ít tôi đã chiến thắng từng chặng và chiến thắng nhiều chặng quan trọng trong hành trình đấu tranh ấy. Chí ít tôi đã sống đến ngày hôm nay để có thể khẳng định với các bạn về sự cần thiết của thái độ đấu tranh, sự gian nan của hành trình vượt lên số phận, cũng như những phần thưởng vô giá dành cho sự kiên trì, bền bỉ, mãnh liệt giành quyền sống”.

N.T

;
.
.
.
.
.