.

Trò chuyện với Hoàng Trọng Dũng

.
Sách Trò chuyện với mưa
Sách Trò chuyện với mưa

1- Hoàng Trọng Dũng vừa ra mắt tập truyện ngắn "Trò chuyện với mưa". 17 truyện ngắn viết trong nhiều thời điểm khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là từ khi anh nghỉ hưu. Nhiều truyện đã đăng trên Thanh Niên, Văn nghệ và các tạp chí từ Nam chí Bắc.

Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng không rườm rà, có cấu tứ chặt chẽ như thơ anh vậy. Giọng văn anh bình dị nhưng lại đi sâu vào những ngóc ngách tâm lý vốn phức tạp của các nhân vật. 

Có vẻ như khi có một vấn đề thời sự nào đó, Hoàng Trọng Dũng lại nghĩ

ra một câu chuyện từ vốn sống ngồn ngộn của một kỹ sư cơ khí, lại đi làm văn nghệ rồi chuyển qua…du lịch. Phần khác, có lẽ là di truyền của một danh gia trong làng văn: từ cha anh là cố giáo sư “thầy tuồng” Hoàng Châu Ký đến chị gái là nhà thơ Ý Nhi…

“Trò chuyện với mưa” có hai truyện là "Tiếng biển""Đ. mẹ chú Hai" mà tôi rất thích vì tứ truyện lạ. Một ông già vừa câm vừa không biết chữ yêu biển theo cách mà người khác không bao giờ hiểu. “Sóng đấy, nhưng chỉ những người một lòng một dạ với biển mới hiểu căn nguyên cội nguồn của sóng…”. Dũng viết truyện này ngay sau câu chuyện thời sự về Hoàng Sa, Trường Sa…

“Đ. mẹ chú Hai” và chuyện khác về một anh cán bộ người Nam tập kết ra Bắc. Nhớ vợ, nhớ quê, hàng ngày anh cứ bảo mấy đứa nhỏ chửi "Đ. mẹ chú Hai" cho đỡ nhớ nhà. Đứa nào chửi to hơn thì được chú Hai cho nhiều kẹo hơn. “Chú Hai nhớ quê và thèm một tiếng chửi của quê hương”, giản dị vậy mà sâu xa cũng vậy…

Nhiều truyện khác như Mưa bóng mây, Con chó có chữ cũng là những truyện hay mà Hoàng Trọng Dũng thường viết một cách khá dễ, theo thủ pháp bắt chộp ngay vào một “khoảnh khắc” bất ngờ của nhân vật hay sự kiện…
Các truyện khác, tôi nghĩ nếu anh có dịp viết lại, như Hòn Kẽm đá dừng, Hậu và những chú cá hoa La Hán, Nép nhà…sẽ tách thành hai, thành ba truyện thì rất hay, vì dung lượng, vì ý tứ dồn dập.

Với bút danh Hoàng và Hoàng Trọng Dũng, anh không chỉ viết truyện, làm thơ mà còn giữa các mục thường xuyên về ẩm thực, văn hóa ẩm thực trên một số tờ báo như Thanh Niên tuần san và Đà Nẵng Cuối tuần. Nhưng có lẽ, cái “máu” văn xuôi đã lấy đi nhiều thời gian và tâm huyết hơn cả trong anh.

2- Tôi viết một bài ngắn như trên để giới thiệu tập truyện mới của Hoàng Trọng Dũng. Khi bài chưa kịp đăng thì nghe tin anh ngã bệnh.

Khám hết các bệnh viện ở Đà Nẵng, đủ kiểu xét nghiệm, siêu âm, CT cắt lớp, nhưng vẫn không rõ bệnh gì. Chỉ thấy anh gầy đi, biếng ăn, mệt mỏi. Con trai đang làm việc ở Sài Gòn về đưa bố đi Chợ Rẫy. Vẫn siêu âm, CT cắt lớp, xét nghiệm…Chỉ biết Dũng bị K, nhưng K gì thì chưa xác định. Nghe nói phải mổ vì đường ruột bị nghẽn. Thế là lòi ra “thằng”đại tràng! Đã ở giai đoạn khó khăn. Anh được đưa về Đà Nẵng. Ngoài chị Viên, vợ anh và con trai đầu Việt Anh còn có người bạn thân từng làm việc với nhau từ thời hàn vi là anh Mỹ. Mỹ bảo sẽ về ở với anh, chăm anh đến ra Tết, chia ca trực với Việt Anh và chị Viên. Chúng tôi vào thăm, anh đã có hiện tượng đuối, đi lại không được nữa…

Một buổi sáng cuối năm, anh bảo đi mua hai cốc cà phê rồi gọi Việt Anh và Mỹ vào ngồi cạnh giường anh uống và nói chuyện. Rồi anh bảo Việt Anh ngồi gần anh chút nữa “cho nó ấm cúng”. Đêm trước, nhờ hai viên thuốc, anh đã ngủ được hơn 2 tiếng. Anh Mỹ nhìn tôi, như thầm nói: “Trẻ cậy cha, già cậy con” là vậy đấy!

Anh nằm nghiêng người lại phía chúng tôi, bàn tay anh nắm chặt mép chiếu, giọng nói yếu, nhưng quãng, nhưng gãy gọn: Cái hương cà phê ông ạ! Cái hương cà phê ấy, cái không khí của người ta khi uống cà phê vẫn quyến rũ, vẫn hấp dẫn mình mãi. Trong hương cà phê ấy, tôi hiểu anh muốn nói đó là mối quan hệ của con người thông qua những câu chuyện mà bình thường anh vẫn trân trọng và thậm chí còn tổ chức những buổi cà phê để chuyện trò cùng nhau.

Tôi ở gần nhà anh, nên không chỉ cà phê, mà mỗi lần có ai cho gói chè ngon, chai rượu ngon anh đều gọi tôi, san sẻ và ngồi kể thao thao những tứ thơ, tứ truyện anh vừa viết hay vừa nghĩ ra. Có lẽ, sau ngày nghỉ hưu, tâm trí Hoàng Trọng Dũng dồn hết cho văn chương. Hầu hết các truyện ngắn, bài báo của anh đều được đăng. Anh vốn ít nói, nhưng hễ chạm đến văn chương, anh như bị thôi miên và bất tuyệt…Có lẽ vì vậy, năm 1990, lúc đang làm giám đốc xí nghiệp đầu máy xe lửa, anh đã có thời gian nhảy phắt sang Hội Văn nghệ QN-ĐN để theo đuổi việc sáng tác!

Anh yếu lắm rồi! Hôm qua con trai anh và em rể là nhà thơ Đoàn Huy Giao, đã phải đi Hội An lo…đất cát. Tôi ghé thăm anh, chị đã đưa anh vào viện để khám và tiêm vài mũi móc- phin giảm đau…Anh Mỹ nói với tôi: Ai cũng biết  điều gì sẽ xảy ra, chuyện “tử vô kỳ” mà. Thôi thì lo được cái gì trước cứ lo, để lúc cần thì đỡ bận bịu…

Dù vậy, khi viết những dòng này, tôi vẫn còn hy vọng và cầu mong mọi chuyện kỳ diệu sẽ đến, để anh còn tiếp tục viết những truyện ngắn đang thai nghén lâu nay...

Trưa 2.1.2013

Trương Điện Thắng

;
.
.
.
.
.