Truyện ngắn Trầm của tác giả Phạm Phát đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần vào tháng 8-2010 gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả. Năm 2011, Trầm được đăng lại trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và được đăng đầu tiên trong Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại (NXB Văn nghệ Trung Quốc 2012, Điền Tiểu Hoa dịch và giới thiệu)
Bìa Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại. (NXB Văn nghệ Trung Quốc) |
Cùng góp mặt trong Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại của NXB Văn nghệ Trung Quốc có các nhà văn tên tuổi: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ…
Phạm Phát sinh năm 1933, nguyên quán phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), nay sinh sống tại thành phố Đà Nẵng. Ông vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà báo. Trước lúc nghỉ hưu, ông là cán bộ làm công tác Đảng, là hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1989 đến nay, ông liên tục có truyện ngắn và thơ đăng trên tuần báo Văn nghệ và các báo khác.
Truyện ngắn Trầm đăng trên tuần báo Văn nghệ năm 2011. Tác phẩm mô tả người phụ nữ nông thôn Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1954-1975), khắc họa hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, kiên trung, bất khuất.
Phạm Phát đã vào lớp bát tuần, tuổi tuy cao nhưng vẫn chưa rời cây bút. Càng cao tuổi, ngòi bút của ông càng thâm thúy. Điều đó đã thể hiện trong truyện ngắn Trầm. Tác giả đã vận dụng hiện thực đa tầng với thư pháp “họa long điểm tình”, nghĩa là chỉ cần một câu “điểm trúng” là toàn bộ sự việc bỗng hiện lên sinh động, có thần, dựng nên hình tượng vĩ đại của người phụ nữ Việt Nam. Họ sống trong một thời kỳ vô cùng gian khổ, song lại đầy trí tuệ và hết sức thông minh. Người đọc cảm nhận được những hoài bão vĩ đại trong con người đó.
Trong kinh Phật nói rằng, khi đọc sách mà xuất hiện được lòng từ bi là giác ngộ. Phật học đã giảng hai chữ từ bi: từ là vui, cùng vui với nhau, thấy người ta vui mình cũng vui; bi là khổ, cùng khổ với nhau, thấy người ta thống khổ mình cùng chia sẻ nỗi thống khổ của họ. Trong đời người có lúc vui, lúc khổ. Trong giáo lý đạo Phật có vinh danh một dạng bồ tát, đó là các đấng tự mình chịu khổ hạnh để cứu vớt chúng sanh khỏi khổ hạnh, như thể cứu vớt chính người thân trong gia đình mình. Trầm là một phụ nữ như thế. Bất chấp bản thân rước phải nhiều tai họa, Trầm đã tự nguyện gánh chịu tất cả. Khi mẹ chị vừa sinh em bé thì đột ngột qua đời, Trầm đã bồng em đi bú chực ở những bà mẹ có con đang bú trong xóm. Trầm đem thiện tâm của mình đối xử với chồng con, hy sinh hạnh phúc của mình nhằm đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó là hành động mang giá trị văn hóa hết sức lớn lao. Truyện ngắn Trầm đã để lại trong lòng người đọc hình ảnh một con người hoàn mỹ.
Trong nền kinh tế thị trường, Trầm có vẻ đã là việc của ngày xưa xa vời, nhưng giá trị nhân văn vĩ đại của nó đã vượt quá hiện thực trong đời sống xã hội hiện nay.
HUỲNH PHƯƠNG BÁ
(dịch từ lời giới thiệu của Điền Tiểu Hoa)