Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái (Đà Nẵng) cho rằng, thành công của một ca khúc do sự cảm nhận, đánh giá của công chúng và thử thách của thời gian.
Tác phẩm Bên dòng Đăk Bla của ông vừa đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về Kon Tum do UBND tỉnh Kon Tum tổ chức (không có giải nhất).
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái. |
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái cho biết:
- Cuộc thi nhằm tuyển chọn những sáng tác mới về âm nhạc viết về tỉnh Kon Tum để phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9-2-1913 – 9-2-2013). Qua gần 2 năm, có 121 tác phẩm của 91 tác giả tham gia vòng sơ khảo, và sau đó 12 tác phẩm vào vòng chung khảo. Ở vòng này, 12 tác phẩm được tiến hành thu âm dựng đĩa, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiến hành trưng cầu ý kiến của cán bộ, nhân dân, thính giả trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức. Kết quả, có 2 tác phẩm đoạt giải nhì: ngoài Bên dòng Đăk Bla có Kon Tum - chào ngày mới của nhạc sĩ Vũ Trung (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Đó là niềm vui của tôi dịp Xuân Quý Tỵ 2013.
* Cảm xúc nào để ông viết Bên dòng Đăk Bla? Không gian Đăk Bla có ý nghĩa như thế nào với Kon Tum?
- Đất chật người đông, ngày tháng rộng/ Đôi khi thèm bỏ phố lên rừng/ Trên lá cỏ vít cần say mộng/ Mơ mắt nai lúng liếng vai trần… Bài thơ này tôi viết đã lâu, về một thành phố trên cao, cứ mang đến cho tôi sự bồi hồi, nôn nao được đặt chân đến một vùng trời cao rộng, có núi rừng, có sông suối, có những tâm hồn khoáng đạt như đại ngàn… Và rồi một ngày tôi đã đến núi rừng Kon Tum để được dừng chân trên cầu Kon Klor, hướng về phương mặt trời lặn, nhìn dòng Đăk Bla đang chảy ngược dưới ánh chiều tà.
Tương tự nhiều miền quê khác, Kon Tum cũng có một dòng sông để soi mình, tắm mát, gội rửa và nuôi lớn những người con bằng dòng nước mát lành chảy từ nguồn sữa mẹ linh thiêng. Dòng Đăk Bla chảy ngược là tặng vật linh thiêng mà Giàng dành riêng cho dân Làng Hồ. Các cô gái ở trong vùng tắm gội trên dòng sông này sẽ luôn thanh sạch, tinh khiết, đẹp đẽ như những đứa con của nữ thần. Những chàng trai ngụp lặn vẫy vùng trên sóng nước Đăk Bla trở nên kiêu hùng, dũng mãnh như chúa sơn lâm. Kể về Kon Tum hôm nay là kể về những con người hiền hòa, anh dũng, những tháng ngày đau thương mà bất khuất đã trôi qua trên dòng sông này. Và khi đã một lần tắm gội, vẫy vùng trên dòng sông Đăk Bla, tôi muốn kể lại lần nữa mảnh đất và con người dưới ánh mặt trời Kon Tum.
* Ông cũng có một số ca khúc gắn liền với những địa danh như Hội An (Đêm hội phố Hoài), Huế (Tương tư Huế), Trà My (Hương rừng Trà My)… Ca khúc Bên dòng Đăk Bla có vượt qua được những ca khúc trước đó?
- Đi qua một miền đất nào trên quê hương, tôi cũng muốn hát lên, tự lòng mình hát ngợi ca đất và người. Về mức độ phổ biến và tình cảm của người yêu nhạc đối với từng tác phẩm tuy có khác nhau, nhưng đó là tình cảm của mình gửi lại, bao giờ cũng chân thật, cũng nồng nàn. Vì vậy, nếu đánh giá thành công của mỗi ca khúc, xin gửi tất cả vào sự cảm nhận, đánh giá của công chúng và thử thách của thời gian...
* Theo ông, khi sáng tác ca khúc về các địa phương, khó nhất là điều gì? Làm thế nào để không bị hạn chế ở khuôn khổ “địa phương ca”?
- Theo tôi, cái khó nhất khi sáng tác về địa phương là trước hết phải hiểu rõ những di sản, những đặc tính riêng của miền đất đó, những tính cách đặc trưng trong tâm hồn người dân. Thứ hai và quan trọng hơn, là phải biết nắm bắt tài tình những cảm xúc, biết tìm đến những xúc cảm có thể cho mình những phút giây thăng hoa. Thứ ba, là khi chúng ta vượt qua cái khó thứ nhất để kể lể dài dòng những địa danh, những thắng tích, những chiến công, những thành tựu, nhưng không tìm thấy, hoặc tìm thấy mà không làm chủ được cảm xúc của mình, thì bài hát khó có sự hòa quyện giữa lời và nhạc, giữa ý và tình, giữa hình và tiếng...
Thành công của một ca khúc được quyết định từ tài năng, vốn liếng về kiến thức, và không thể không kể đến sự tinh tế của người nhạc sĩ khi để cảm xúc của mình thăng hoa cùng âm nhạc… Để không bị hạn chế trong khuôn khổ một bài hát “địa phương ca” và vượt ra ranh giới một phường, một phố, một tỉnh, không gì khác ngoài việc phải dành hết trí lực, tâm lực, tự mình tìm nguồn cảm hứng để viết nên một tác phẩm hay. Những bài hát Hà Tĩnh quê ta ơi, Hà Tây quê lụa, Huế thương, Hà Nội mùa vắng cơn mưa... là những bài ca tự thân đã vươn ra ngoài ranh giới một địa phương...
* Nhiều người vẫn cho rằng, đến nay Đà Nẵng chưa có bài hát nào thật sự đi vào lòng người. Ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi không tin là Đà Nẵng chưa có bài hát hay, chỉ có việc Đà Nẵng chưa có bài hát được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc như một số bài hát của các địa phương khác. Trong số rất nhiều bài hát về Đà Nẵng đã có của các nhạc sĩ trong Nam, ngoài Bắc và kể cả các nhạc sĩ địa phương sáng tác trong nhiều năm qua, nếu được “để mắt” đến, được đầu tư dàn dựng, được chú trọng quảng bá bằng nhiều hình thức như các địa phương khác, tôi tin rằng sẽ có nhiều bài để chúng ta tự hào. Nói thế nhưng viết về thành phố quê hương mình, sáng tác những bài hát cho thật xứng tầm vẫn luôn là trách nhiệm nặng nề và vinh quang của người nhạc sĩ Đà Nẵng hôm nay.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
TRẦN TRUNG SÁNG thực hiện