.
THẾ GIỚI SÁCH

Thú vị với sách xuân

.

Sau thời gian “ngủ đông”, thị trường xuất bản khởi động trở lại với hàng loạt cuốn sách chào xuân mới. Đây thật sự là những món quà Tết ý nghĩa đối với người yêu sách.

Tết đến rồi, Em Béo ơi

Tập sách thứ hai nằm trong bộ truyện Nhật ký hội Cầu Vồng, viết riêng cho thiếu nhi của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Vẫn giọng văn hóm hỉnh được lấy chất liệu từ chính cuộc sống của cô con gái nhỏ và nhóm bạn, nhà văn Đỗ Bích Thúy tiếp tục cuốn hút độc giả qua những câu chuyện dễ thương, ngộ nghĩnh, đáng yêu và vô cùng hài hước của nhóm bạn nhỏ lớp ba.

Tết đến rồi, Em Béo ơi (NXB Kim Đồng) tiếp tục khai thác những câu chuyện dở khóc dở cười ở trường, ở nhà của nhóm bạn học sinh lớp ba với những nickname ngộ nghĩnh: Nhi Su Mô, Nhi Búp Bê, Nhi Khủng Long, Ngọc Phù Thủy… Độc giả khó có thể nhịn cười với màn “đeo găng tay mùa hè” vì sợ bay mất mùi chocolate của Nhi Còi…, đặc biệt là những câu chuyện của hội Cầu Vồng: cành đào mà bố Em Béo mất bao nhiêu công sức để mang về nhà trưng Tết bỗng dưng trụi húi vì… Em Béo muốn thể hiện tình yêu với mẹ, rồi thì chuyện tính toán xem ở nhà hay đi chơi sẽ được nhiều tiền mừng tuổi hơn.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy từng chia sẻ, một tác phẩm cuốn hút trẻ em là một tác phẩm mà trẻ em thấy mình ở trong đó.

Các bạn tôi ở trên ấy

Tập bút ký mới nhất của nhà văn Nguyên Ngọc, vừa được NXB Trẻ ấn hành đầu năm 2013. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyên Ngọc có thể tóm gọn trong một chữ “đi”. 80 năm qua, ông đã “đi” rất nhiều trên thực địa, “đi” rất rộng trong văn hóa, “đi” rất sát với cuộc sống, với nhân dân, và “đi” rất sâu trong tư duy”.

24 bút ký “rặt” Tây Nguyên được nhà văn Nguyên Ngọc viết trong nhiều năm như: Tượng gỗ rừng già, Hiền minh của rừng, Tháng Ninh Nông, Lửa nguyên thủy, Những chiều kích của rừng, Người nghệ sĩ vô danh đã sinh ra cây K’Nia, Núp - già làng của cả Tây Nguyên, Tây Nguyên - mùa lễ hội, Dạy tiếng cho chiêng… Dù viết trong nhiều thời điểm, ở nhiều không gian sống khác nhau, nhưng thiên nhiên và con người Tây Nguyên với nền văn hóa phong phú, độc đáo vẫn được tác giả khắc họa rõ nét. Với vốn sống dày và thời gian dài gắn bó với Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc chạm đến tầng sâu của tính cách con người Tây Nguyên và văn hóa Tây Nguyên: phóng khoáng, tự do, nồng hậu, giàu tình yêu thương.

Đọc tác phẩm của Nguyên Ngọc, còn là dịp thưởng thức một thứ văn chương, nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, “là thứ văn trong sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt, đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi. Đọc ông, dù ở bất kỳ thể loại nào, cũng có điều để ta ngẫm nghĩ. Văn Nguyên Ngọc là một dạng văn có ma lực. Giản dị, chắt lọc và trong veo”.

Ăn vặt Sài Gòn

Sách ảnh dày 320 trang với tựa đề Ăn vặt Sài Gòn của Chu Thị Hồng Anh - Giám đốc Công ty truyền thông Chu Thị - được thiết kế hiện đại, với rất nhiều hình ảnh sinh động của nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức. Độc giả sẽ có dịp tìm hiểu nguồn gốc của nhiều “món ăn đường phố” gắn liền với nhiều thế hệ người Sài Gòn, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Sách gồm 12 chương, chia theo từng nhóm món ăn. Cuốn sách cũng cung cấp cho bạn những địa chỉ ăn uống độc đáo mà khỏi phải lùng sục và cất công tìm kiếm.

Điểm khác biệt khá lớn làm nên sức hấp dẫn của cuốn Ăn vặt Sài Gòn còn bởi những hình ảnh minh họa sinh động, với những “thực khách” trực tiếp khám phá các món ăn vặt là nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC đang được độc giả quan tâm như: Xuân Lan, Thanh Bạch, Lam Trường, Hà Anh, Minh Béo…

Tủ sách “Thơ thơ”

Nhân ngày lễ tình nhân 14-2 và hướng tới Ngày thơ Việt Nam vào rằm tháng Giêng, NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book đã ấn hành tủ sách Thơ thơ với hình thức nhỏ gọn, bắt mắt. Ba tập đầu tiên đã ra mắt, với từng “chuyên đề” cụ thể.

Cuốn Tình yêu có ở muôn nơi là nơi hội tụ của những tinh hoa thế giới và Việt Nam. Độc giả sẽ lại có dịp mê mẩn với những Puskin, Goethe, Shakespeare, R. Desnos, H. Heine, Sadi, R. Gamzatov, Kim Sowol, Bạch Cư Dị, Rumi, Tolxtoi, Olga Berggrltz của thế giới qua ngòi bút tài hoa của những thi sĩ, dịch giả: Xuân Diệu, Tế Hanh, Bằng Việt, Tản Đà hay Thúy Toàn, Thái Bá Tân, Hồng Thanh Quang… Đến với tập thơ, người đọc sẽ được chìm đắm trong thế giới của tình yêu, mộng tưởng và cái đẹp đã trường tồn qua nhiều thập kỷ.

Còn với tập Ngày đó chúng mình thương, lần đầu tiên 16 tác giả Thơ Mới hội tụ trong một tập thơ với đầy đủ sắc thái của các thi nhân: Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Phan Khôi, Nam Trân, Phạm Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Bàng Bá Lân, T.T.Kh, Anh Thơ, Nguyễn Thị Manh Manh. Mỗi tác giả được chọn đăng 2 tác phẩm đặc sắc nhất viết về tình yêu. Đây chắc chắn là quà tặng quý giá cho những người yêu thơ và đang yêu.

Với các bạn trẻ, tập Bởi vì ta yêu nhau thật sự là cuộc “gặp gỡ” chào xuân của 21 nhà thơ trẻ: Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Bùi Thanh Tuấn, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Phan Quế Mai, Ngô Thị Hạnh, Lê Vĩnh Tài, Nguyệt Phạm, Lê Thùy Vân, Đinh Thu Hiền, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt... 21 bài thơ chủ đề tình yêu đôi lứa, mang đầy sức sống và hơi thở hiện đại, thể hiện cảm xúc và tài năng của người Việt trẻ làm thơ.

Luôn ở bên nhau

Cuốn sách chỉ dày gần 100 trang, nhưng đã chia sẻ được rất nhiều ký ức sâu đậm của các văn nghệ sĩ như nhà văn Trần Thanh Hà, nhà văn Nhã Ca, dịch giả Lâm Vũ Thao, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về cha mẹ, về cái Tết của sự đoàn tụ, về cách họ làm bạn với con.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ những kỷ niệm về người mẹ tần tảo của mình với niềm trân trọng, kính yêu vô bờ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh về mẹ là lần “người phụ nữ bé loắt choắt ấy” cầm dao ra dọa ông bán kẹo kéo vì nghĩ con mình đang bị “ăn hiếp”. Sự hy sinh hết lòng của mẹ để anh có được những điều tốt đẹp nhất, món ăn mẹ nấu là món ăn ngon nhất mà anh không bao giờ tìm được ở bất cứ nơi đâu… là những kỷ niệm khiến anh bồi hồi khi nhớ về “mẹ và những ngày không biết Tết”.

Đa số những câu chuyện trong Luôn ở bên nhau là chia sẻ của các ông bố bà mẹ trong quá trình làm bạn với con. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng qua những câu chuyện ấy, mỗi bậc phụ huynh sẽ tự rút ra được một bài học gì đó cho mình. Đó có thể là cách các bậc cha mẹ ngày nay dạy con cách cho và nhận.

NGUYỄN BẢO ANH

;
.
.
.
.
.