.
60 năm thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15-3-1953 – 15-3-2013)

Để phim Việt gần khán giả hơn

.

Những năm gần đây, việc các phim giải trí ra đời đặt ra quan ngại về sự trở lại của dòng phim thương mại vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước và tương lai của nền điện ảnh Việt Nam.

Diễn viên Minh Hương trong vai Đặng Thùy Trâm (phim Đừng đốt). 				Ảnh: Internet
Diễn viên Minh Hương trong vai Đặng Thùy Trâm (phim Đừng đốt). Ảnh: Internet

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng chính những bộ phim giải trí đôi khi bị gọi là “thảm họa” lại có doanh thu đáng kể, điển hình là Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được trình chiếu trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 công bố mức doanh thu 50 tỷ đồng - con số trong mơ của rất nhiều nhà làm phim khác. Rồi “hiện tượng” các phim như Nhà có 5 nàng tiên, Hello cô Ba, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Đẹp từng centimet, Hotboy nổi loạn từng “làm mưa làm gió” ở các rạp… cũng khẳng định rằng khán giả không quay lưng với phim Việt.

Chặng đường 60 năm của Điện ảnh cách mạng Việt Nam ngoài các hãng phim truyện Nhà nước còn có sự đóng góp đáng kể của các hãng phim tư nhân như Thiên Ngân Galaxy, Phước Sang… Đây là tín hiệu vui bởi các hãng phim này đã thổi luồng gió mới, mang khán giả đến rạp nhiều hơn. Nhưng xét cho cùng, dòng phim giải trí mà các hãng này theo đuổi chỉ để cười, thư giãn rồi quên ngay, chứ không thể tạo nên diện mạo một thời như những tác phẩm kinh điển: Chung một dòng sông, Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Bao giờ cho đến tháng Mười…

Theo đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, số lượng phim có sức hút với công chúng, đồng thời được giới chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật hiện chưa nhiều. Trong khi đó, lý giải về việc lựa chọn dòng phim thị trường, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, loại phim nào cũng có ưu điểm riêng và mỗi nhà làm phim cảm thấy mình phù hợp với loại nào thì làm loại đó. “Bản thân tôi thích những điều vui vẻ, nhẹ nhàng nên tôi thường thực hiện các dự án phim giải trí”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.

Tại các cuộc hội thảo bàn về phim Việt, các nhà nghiên cứu, các đạo diễn vẫn trăn trở rằng, nhà làm phim cần quan tâm sâu sắc tới thị hiếu của công chúng. Nhưng thực tế, các nhà làm phim nước ta vẫn loay hoay cân bằng giữa một bên là hướng đến tính nghệ thuật với một bên là thị hiếu của khán giả. TTXVN dẫn lời đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, điện ảnh Mỹ - nền điện ảnh hàng đầu thế giới- vừa khai thác cả theo chiều sâu lẫn phát triển theo chiều rộng, vừa thu hút khán giả, vừa bảo đảm doanh thu cho các sản phẩm cũng như đáp ứng yêu cầu về nghệ thuật. “Khi nhà làm phim quan tâm đến thị hiếu của công chúng thì phim sẽ có khán giả”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định.

Thật khó có thể so sánh giữa điện ảnh Việt với điện ảnh Mỹ, nhưng quan điểm của đạo diễn trẻ này cũng như của nhà sản xuất Lưu Phước Sang - người nổi tiếng trong việc giỏi nắm bắt thị hiếu khán giả - hoàn toàn có lý bởi một tác phẩm điện ảnh phải hướng đến công chúng, chứ không phải làm ra chỉ để dự thi hoặc tiêu tốn hàng tỷ đồng của Nhà nước rồi… để đó. Trường hợp Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), Mùa len trâu (đạo diễn Võ Nghiêm Minh) vừa thu hút khán giả, vừa mang tính nghệ thuật là sự hy hữu. Hay Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng vậy, bộ phim này ra đời cách đây hơn 30 năm nhưng vẫn được Hãng CNN đánh giá là một trong 18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Khi bài toán đưa khán giả đến với phim Việt mang tính nghệ thuật vẫn bỏ ngỏ thì mục tiêu xây dựng một nền điện ảnh hài hòa, cân đối giữa các dòng phim, như mong muốn của TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL bày tỏ trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam, vẫn xa vời.

Ngày 15-3, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2013) và 47 năm ra đời ngành Điện ảnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Gần 300 đại biểu từ các sở, ban, ngành, các văn nghệ sĩ và những người công tác trong lĩnh vực điện ảnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ những năm chống Mỹ đến nay đã về dự.

Theo đánh giá, 6 thập niên qua, Điện ảnh Việt Nam luôn là một trong những lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Điện ảnh Đà Nẵng - thành viên của Điện ảnh Việt Nam ra đời vào ngày 20-6-1966 tại chiến khu V. Từ những ngày đầu thành lập với một vài đội chiếu bóng và những trang thiết bị chiếu bóng thô sơ, các anh chị em đã không quản mưa bom bão đạn để đưa các tác phẩm điện ảnh đến từng thôn, xóm trong vùng giải phóng và vùng giáp ranh giữa ta và địch. Vì vậy, “buổi gặp mặt đầy xúc động này là dịp để chúng ta tự hào và tôn vinh những cống hiến lớn lao của những người làm công tác chiếu bóng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã hy sinh tuổi xuân, cống hiến cho ngành Điện ảnh nước nhà. Đó là động lực, niềm tin để những người làm điện ảnh Đà Nẵng hôm nay tiếp tục phấn đấu”, ông Nguyễn Ba, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng nói.

Dịp này, từ ngày 12 đến 17-3, tại rạp Lê Độ, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thành phố cũng tổ chức tuần phim kỷ niệm ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam với các bộ phim truyện và tài liệu Việt Nam như: Hình ảnh về đời hoạt động của Bác Hồ, Điện Biên Phủ, Nơi gió và cát, Bao giờ cho đến tháng Mười, Nước về Bắc Hưng Hải…

THANH TÂN

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.