Trại sáng tác mỹ thuật đồ họa Đà Nẵng 2013 diễn ra từ ngày 13-3 đến 23-3 tại Hà Nội. Với những cảm xúc mới lạ, các họa sĩ Đà Nẵng mang về thủ đô không gian sáng tạo đầy ấm áp của màu nắng tháng 3.
Thôn nữ (tranh Từ Duy), Vũ nữ Chăm (tranh Trần Thị Cúc) và Tiếng chuông (thủ ấn họa Duy Ninh) |
Tham dự trại sáng tác, đoàn Đà Nẵng gồm 9 họa sĩ, do họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng - làm trưởng đoàn. Trong 10 ngày, các họa sĩ tập trung sáng tác theo lối tranh in đồ họa: độc bản, phá bản…
“Đà Nẵng đã sớm trở thành thương cảng lớn giao thương quốc tế và là mảnh đất đậm đặc những tinh hoa. Ngay trong nội thành là một công trình kiến trúc đầu thế kỷ XX, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và làng nghề mỹ thuật ứng dụng đá Non Nước…; bao quanh là những tinh hoa mỹ thuật truyền thống thuộc di sản văn hóa thế giới như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); mỹ thuật cung đình Huế, lăng tẩm của triều Nguyễn vốn được xem là những bảo tàng sống động nhất của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí, phong phú về thể loại, kỹ thuật, chất liệu… Tất cả những nét tinh hoa độc đáo, đặc sắc của mỹ thuật truyền thống đó là “miền đất hứa” của các họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng và ít hay nhiều, ẩn hay hiện đều hiện diện trong các tác phẩm của các thế hệ tác giả”, họa sĩ Lê Quốc Bảo - nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam nhận định như vậy khi nói về sự phát triển mỹ thuật Đà Nẵng.
Qua hàng loạt tác phẩm đoạt giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc, giải thưởng hằng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung- Tây Nguyên, giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Đà Nẵng, người thưởng ngoạn có thể cảm nhận các họa sĩ Đà Nẵng đã và đang hướng đến bản sắc độc đáo, riêng biệt, tạo được nét đặc trưng cho mỹ thuật thành phố, song vẫn đa dạng, phong phú để góp phần làm khởi sắc thêm diện mạo văn hóa - nghệ thuật của thành phố bên sông Hàn. Nơi đây, những cá tính trong tạo hình, tìm tòi thủ pháp, tìm tòi cái khát khao, cái mới... là giá trị tinh thần mang lại cho người xem từ một vùng mỹ thuật trẻ với nhiều tiềm năng và triển vọng.
Đặc biệt, ở mảng nghệ thuật đồ họa vốn đang bị trầm lắng theo xu hướng chung cả nước, do sự lấn át của dòng tranh thương mại, thì tại Đà Nẵng vẫn có rất nhiều họa sĩ theo đuổi miệt mài và để lại dấu ấn như: Duy Ninh, Từ Duy, Trần Nhơn, Trần Thị Cúc, Tường Vinh… Trong đó, điển hình như họa sĩ Từ Duy (1950-2008), người luôn nhận mình là họa sĩ “chân quê” và khẳng định quan niệm nghệ thuật phương Đông: “Chủ yếu tạo hình theo lối xoắn ốc âm dương, hiện đại hóa lối tranh dân gian Đông Hồ và đề tài nông dân chỉ là một cái cớ để thể hiện với giới phê bình và thưởng ngoạn...”. Trong chuyến triển lãm tranh cá nhân lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1995 và những lần khác, Từ Duy đã tạo được nhiều ấn tượng tốt với dư luận trong và ngoài nước.
Họa sĩ Duy Ninh tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 là tác giả duy nhất của Đà Nẵng được trao Huy chương đồng với tác phẩm Lời rừng (in độc bản). Tác phẩm là lời ngợi ca bản chất cội nguồn qua hình tượng hoa lá và chim muông, ngọn lửa và tổ ấm mang khát vọng của rừng... Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy, những thủ ấn họa đầy chất siêu thực của Duy Ninh tươi sáng, nhưng cũng hàm chứa những ray rứt của một tâm hồn đầy chiều sâu, giữa một thế giới tịch mịch và trầm lắng...
Họa sĩ Trần Thị Cúc sáng tác nhiều thể loại, nhưng trên hết vẫn là tranh khắc gỗ. Mỗi bức tranh chị gửi cả hồn vào từng thớ gỗ qua từng nhát đục. Hoa súng mùa hạ, hương thời gian, hoa chuối, hoa sữa, hồn cát… đem đến người xem dạt dào cảm xúc, nao lòng qua mỗi bức tranh.
Họa sĩ Trần Nhơn, với tác phẩm Những thằng tham nhũng (đồ họa vi tính), là một trong 2 tác phẩm đạt giải B (không có giải A) tại triển lãm mỹ thuật các tỉnh Nam miền Trung- Tây Nguyên vào năm 2004 (khu vực 5) từng gây nhiều tranh cãi, bởi cách ứng dụng công nghệ tin học vào tác phẩm. Trong khi đó, một nhà chuyên môn đã nêu nhận định: “Tranh đồ họa bị sự cạnh tranh của các ấn phẩm in ấn hiện đại. Hầu hết các tranh đồ họa vẫn in ấn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Do đó, khả năng nhân bản bị hạn chế, màu sắc kém tươi sáng. Đồ họa là loại tranh thông qua một công cụ in ấn để nhân bản. Tại sao chúng ta chấp nhận các phương tiện in ấn truyền thống như in gỗ, in cao su, in kẽm mà chúng ta lại không chấp nhận các phương tiện in ấn hiện đại hơn?”.
Điều đáng mừng, qua các kỳ triển lãm trong những năm gần đây, tuy không nhiều nhưng hầu hết tranh đồ họa của một số tác giả trẻ Đà Nẵng đều chắt lọc công phu, mang đậm những cảm xúc tươi mới về một thành phố trẻ đầy sức sống, là những ghi chép sống động, nên thơ về những hình ảnh mới nhất của một miền đất đang thay đổi từng ngày…
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định: “Đà Nẵng là thành phố phát triển năng động, có nhiều bứt phá về kinh tế - xã hội, được cả nước quan tâm theo dõi. Đối với lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, Đà Nẵng cũng cần tạo được ấn tượng sâu sắc đối với công chúng đông đảo của cả nước. Riêng đối với hoạt động mỹ thuật, lãnh đạo thành phố đã quan tâm, nay nhân sự kiện này chắc chắn sẽ được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất cho khu vực triển lãm khu vực với quy mô lớn sắp tới và đầu tư cho các họa sĩ, nhà điêu khắc có được các tác phẩm đạt chất lượng cao lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng nghệ thuật. Tôi tin chắc rằng, Đà Nẵng sẽ tổ chức thành công triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XVIII năm 2013”.
PHƯƠNG MAI