Người tình Sài Gòn là tựa đề cuốn sách mới nhất của Linh Lê, sau 2 cuốn sách được nhiều người biết là Không khóc ở Kuala Lumpur và Mùa mưa ở Singapore.
1.
Nhà văn trẻ Linh Lê. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Linh Lê tên thật là Nguyễn Huyền Linh, con gái của nhà văn Đà Linh. Linh sinh năm 1986, từng du học ở Singapore. Năm 1999, cô từng đoạt các giải thưởng dành cho thơ ca và truyện ngắn trong những cuộc thi sáng tác được tổ chức tại Đà Nẵng.
Buổi ra mắt Người tình Sài Gòn của Linh Lê vào đầu tháng 3 tại Hà Nội khá xôm tụ khi có sự góp mặt của không chỉ các nhà văn trẻ như Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, Đào Bá Đoàn,… mà còn cả những nhà văn đi trước như Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Văn Chinh, Thuận… và cả nhà sử học Dương Trung Quốc, hay những gương mặt “ngoài văn chương” như biên tập viên Quang Minh (Đài Truyền hình Việt Nam), nhiếp ảnh gia Na Sơn, họa sĩ Trần Trọng Vũ (Pháp)…, đặc biệt có ca sĩ Đồng Lan - một người bạn thân của Linh Lê - mà người ta đoán rằng, nhân vật trong Người tình Sài Gòn có nguyên mẫu từ Đồng Lan và ca sĩ Mai Khôi. Đồng Lan đến và hát hết mình, bằng giọng thật khó lẫn. Còn Mai Khôi đang ở nước ngoài, chứ nếu không, cô cũng sẽ có mặt trong buổi ra mắt sách này. Nhưng trước đó, Mai Khôi cũng đã đọc bản thảo cuốn sách này và đã viết những dòng thật ấm áp về Linh Lê cũng như Người tình Sài Gòn, đại ý rằng Linh Lê nghĩ ra một công việc thật phù phiếm: nói chuyện với người có nhu cầu. Đây là cách đơn giản, thông minh và cực kỳ hấp dẫn để dẫn dụ người đọc bước vào những câu chuyện thú vị khác với những cảm xúc khác mà vẫn nằm trong tầm kiểm soát của tác giả.
2.
Người tình Sài Gòn (Phương Đông & NXB Hội Nhà văn, 2013) khá mỏng, lại được viết với giọng văn trẻ trung, nhiều đối thoại nên có thể đọc xong trong một buổi trưa. Nhưng đọc xong thì dễ khiến người ta day dứt, thậm chí “ám ảnh” như cách nói của biên tập viên Quang Minh.
Du - nhân vật chính trong truyện - là cô gái có cá tính mạnh mẽ, khao khát tự do, nhưng cũng rất say tình. Tuy nhiên, dường như tất cả đàn ông đều không thể lấp đầy cô, hay cảm giác sa mạc ngự trị trong cô lớn đến mức luôn cháy khát. Một cô gái có mối tình đầu rất lạ lùng. Người đàn ông của cô luôn thấy cô… ngoại tình trong mơ, luôn thấy cô ái ân lần lượt với từng người đàn ông khác. Cuối cùng, không chịu đựng được, anh ta đã tự kết liễu đời mình. Cô gái từ đó sống với những cảm trạng không mấy dễ chịu. Du chọn Sài Gòn làm chỗ trú chân trong cuộc tình hoang hoải với Tú. Giữa Sài Gòn phồn hoa, tự do nhưng đầy xa lạ và nhung nhớ, những Ní, Hạ Liêu, Đông hay Yama…; giữa những mối quan hệ chồng chéo, đan xen là tâm hồn Du chơ vơ, đứng cô đơn bên dòng chảy vội vã của cuộc đời.
Linh Lê bắt đầu cuốn sách của mình với câu: “Sài Gòn là một bức tranh của nhiều mảng ghép xa lạ”, thế rồi đến dòng cuối cùng vẫn là một bâng khuâng: “Ở Sài Gòn, ta cũng tìm kiếm một điều gì đó, và mãi mãi chưa thấy… Có lẽ, chẳng bao giờ tìm thấy được…”.
Du, Tú, Ní, Hạ Liêu… hay là ai khác trong câu chuyện này, tất cả đều chỉ là những “cái tôi” dị biệt - bằng cách này hay cách khác, góc nhìn này hay góc nhìn khác đều trở thành những mảnh ghép rời rạc cho một Sài Gòn hào nhoáng, nhưng cũng nhiều góc khuất... Trong dòng chảy lúc hối hả, lúc cô đặc ở cái Sài Gòn mà họ đang nương níu, họ vướng lấy nhau, hấp dẫn nhau, rồi lại đẩy nhau ra như hai cục nam châm cùng cực. Để rồi lại quay trở về với cái tôi cô đơn lạnh lẽo trong bản thể mỗi người.
Tại buổi gặp gỡ giữa nhà văn Linh Lê với độc giả và ký tặng sách Người tình Sài Gòn vào chiều 23-3 ở Đà Nẵng, tác giả chia sẻ cô luôn muốn viết về những trải nghiệm, những được - mất của mình. Biên tập viên Quang Minh (Đài Truyền hình Việt Nam) cho rằng, đọc tác phẩm này là sự trải nghiệm thú vị với cách Linh Lê kể chuyện. Qua đó, người đọc có thể tự nhìn nhận về chính mình, xem mình đã thật sự hy sinh vì tình yêu hay chưa. Trong khi đó, nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn nói về sự cô đơn trong văn chương. Theo anh, sự cô đơn hiện rất thiếu trong văn chương, hay nếu có cũng thường là sự cô đơn giả vờ. Và với cách kể chuyện Người tình Sài Gòn, anh nhìn thấy trước sa mạc cô gái Linh Lê mang sự khắc khoải khi viết: “Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”. T.PHƯƠNG |
MAI HOÀNG