.

Nhìn lại tác phẩm của Phan Du

.

Phan Du (còn có các bút danh Phong Kiều, Lan Chi, Hữu Phương) là một trong những nhà văn nổi tiếng tiêu biểu của miền Trung từ trước năm 1975.

Nhà văn Phan Du (Ảnh tư liệu)
Nhà văn Phan Du (Ảnh tư liệu)

Phan Du sinh ngày 1-5-1915 tại làng Phước Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con của TS Phan Quang, em ruột GS Phan Khoang. Các tác phẩm của ông đã ấn hành tại miền Nam như: Cô gái xóm nghèo (truyện, 1959), Hai chậu lan Tố Tâm (truyện, 1965), Uất hận lên men (truyện, 1964), Truyện con người (biên khảo, 1968), Dinh Thầy (truyện 1969), Mộng kinh sư (biên khảo, 1971), Những quả cà chua (1971), Của báu nhà họ Vương (1970), Quảng Nam trong lịch sử (1973, biên khảo), Hang động mới (truyện, 1970)…

Ông cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân sáng lập Hội Khuyến học Đà Nẵng thời kỳ trước năm 1975. Ông mất vào ngày 11-3-1983.

Trong tập sách Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng (NXB KHXH Hà Nội 2010), trang 1.066, nhắc về Phan Du đã nêu rõ: “Trong các thể loại, Phan Du thành công hơn cả ở truyện ngắn. Ông từng đoạt giải thưởng về truyện ngắn của Trung tâm văn bút Philippines với tập truyện Hai chậu lan Tố Tâm. Năm 1966-1967, Phan Du đóng góp tích cực vào Tạp chí Tin văn - cơ quan ngôn luận của lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ở Sài Gòn. Truyện Hang động mớiTrăng vỡ ra đời trong giai đoạn này đã góp tiếng nói tố cáo tội ác của văn hóa thực dân mới, lối sống Mỹ đang làm băng hoại đạo đức và xã hội các đô thị miền Nam”. Dù vậy, hiện nay, muốn tìm hiểu về những tác phẩm Phan Du không phải là điều dễ dàng, bởi hầu như các tuyển tập văn học Trung ương và địa phương đã vô tình bỏ sót tên ông.

Ông Tôn Thất Liêm, con rể của nhà văn Phan Du, hiện sống tại Đà Nẵng cho biết: “Nhiều năm về trước, thỉnh thoảng vài cơ quan báo chí, xuất bản cũng đến gia đình chúng tôi thăm hỏi và xin phép in một vài truyện ngắn của ông. Riêng NXB Đà Nẵng hồi ấy nhà văn Đà Linh đề nghị chọn lọc và tái bản tác phẩm của ông, nhưng cuối cùng chẳng thấy đâu cả. Để có kế hoạch bảo quản, gìn giữ tác phẩm của Phan Du cho những thế hệ về sau, gia đình chúng tôi đã giao hết toàn bộ bản thảo và tư liệu của ông cho một người cháu ruột đang định cư tại Anh…”.

Trong khi đó, tại Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng, tác phẩm của Phan Du được xếp về loại địa chí (mặc dù phần lớn là truyện ngắn), do bộ phận lưu trữ quản lý, chủ yếu là những bản sách gốc hoặc photo lại từ thời kỳ trước 1975.

Sinh thời, nhà văn Phan Du bộc bạch: “... Trước năm 1941, tôi đã có mấy truyện ngắn đăng trên Báo Thời Vụ xuất bản ở Hà Nội. Rồi đến năm 1942, truyện ngắn Bữa cơm chay đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy, khi ấy tôi mới được giới văn nghệ chú ý. Đến năm 1944, NXB Tân Dân của ông Vũ Đình Long dự định in một tập truyện của tôi, nhưng rồi gặp biến cố đất nước, cuộc Cách mạng tháng Tám bùng lên, thế là mãi đến năm 1954 tôi mới có điều kiện viết trở lại”.

Phan Du cũng cho biết, ông có thói quen nằm khi viết: “Tôi nằm viết như vậy quen rồi, có chi mà mỏi... Nằm thế ấy tôi lại hứng viết hơn là ngồi vào bàn đàng hoàng. Chỗ ngồi viết đối với tôi không quan trọng, miễn là được viết trong không khí yên tĩnh. Tôi có thể nằm như vậy viết một mạch từ bây giờ cho đến 4-5 giờ sáng... Tôi ít viết theo thứ tự của bố cục, mà chỉ nghĩ xong câu chuyện là xây dựng khái quát một bố cục, rồi đoạn nào thích thì tôi viết trước. Khi viết xong, tôi mới cắt xén và sắp xếp lại toàn thể. Thường lúc khởi viết cho đến khi hoàn thành một tác phẩm, lối bố cục khác hẳn đi... Tôi có thói quen khi viết được một trang phải xem lại, sửa chữa xong. Dù chỉ bỏ vài chữ, tôi cũng chép lại cho sạch, sau đó mới viết tiếp trang khác. Cho nên tôi viết hơi chậm”.

Quả thật, đọc lại những tác phẩm của Phan Du, kể cả nghiên cứu và sáng tác, ông đều viết khá chắt lọc, rất nghiêm túc. Điển hình về truyện ngắn, có thể dẫn chứng ở tập Hang động mới (Tân văn 1970), gồm 6 truyện phản ánh về đời sống xã hội thời bấy giờ. Trong đó, người đọc thường nhận ra nhân vật cứ mãi lẩn quẩn trong cái không gian “phố phường nằm trơ, bất động như một đám mô hình cứng nhắc”, rồi đến “gió réo, qua những ngọn cây cổ thụ vật mình vào dãy lan can, ồn ào mà não nùng như tiếng song trào có pha lẫn tiếng réo gọi của oan hồn. Từ xa vẳng lại những tiếng đại bác, những loạt súng liên thanh…”.  

Các tác phẩm của nhà văn Phan Du ấn hành trước năm 1975.
Các tác phẩm của nhà văn Phan Du ấn hành trước năm 1975.

Ở mảng nghiên cứu, nhà văn Phan Du nổi tiếng với các tập: Truyện con người (NXB Cảo Thơm, 1958), Mộng Kinh Sư (NXB Cảo Thơm, 1971), Quảng Nam qua các thời kỳ (Ban Tu thư của Đà Nẵng, 1973)…

Tác phẩm Mộng Kinh Sư vốn được lấy cảm hứng từ 2 câu thơ lạ ghi trên vách chùa Thiên Mụ mà sách “Tang thương ngẫu lục” nhắc tới. Nguyên văn hai câu thơ, lời dịch và thủ bút của học giả Giản Chi: “Hai trăm năm xót cơ đồ/ Không bằng giấc mộng thầy chùa trên non”. Phần đầu của sách với tiêu đề: “Linh Mụ tự và dòng họ chân chủ phương Nam”, tác giả đưa ra cái lý giải của mình về mối quan hệ giữa ngôi danh lam với sự hưng vong của dòng họ Nguyễn ở phương Nam. Qua gần 200 trang sách, người đọc thấy cùng với những bước hưng vong thăng trầm của sự nghiệp các chúa Nguyễn, ngôi cổ tự thỉnh thoảng xuất hiện không chỉ là chứng nhân mà có sự chia sẻ đậm đà: “Trong cái thế hưng thịnh của họ Nguyễn, dưới thời Dũng Quốc Công, Thiên Mụ tự lẽ tất nhiên không những chỉ được chứng kiến mà còn được chia sẻ cái vinh dự thăng hoa”.

Mộng Kinh Sư là loại văn học địa chí, được nhìn với con mắt Phật học, đem lại cho chúng ta những cảm nhận sâu sắc về lẽ vô thường của vạn hữu, về tính chất hư huyễn của kiếp người, về tính chất bọt bèo của vinh hoa phú quý; để từ đấy không phải là bi quan yếm thế, mà giúp chúng ta sống bình thản, hài hòa và lạc quan hơn.

Quảng Nam qua các thời đại là công trình nghiên cứu về đất Quảng Nam từ khi còn là lãnh thổ của Chiêm Thành đến khi trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt. Trong suốt nhiều thập niên qua, tập sách này luôn được đánh giá là công trình nghiên cứu cung cấp những tư liệu quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của Quảng Nam, nhất là trong giai đoạn lịch sử quan trọng khi vua Lê Thánh Tông lập ra đạo thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471); những chuyển biến, phát triển của vùng Thuận Hóa qua thời kỳ các chúa Nguyễn; những sự kiện, biến cố lịch sử đã xảy ra trên vùng đất này.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc, công trình trên nhà văn Phan Du chỉ kịp hoàn tất và phổ biến Quyển Thượng. Còn phần sau có thể ông đã biên soạn xong mà không đủ điều kiện phổ biến, hoặc do lý do nào khác, chúng ta chưa biết được, thì ông đã qua đời. Đã đến lúc những người có trách nhiệm về công tác văn học của nước nhà nói chung và địa phương nói riêng cần có cái nhìn đúng mức về sự cống hiến của Phan Du - một nhà văn đã khẳng định vị trí của mình rất rõ rệt bằng tác phẩm qua sự thử thách thời gian.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.