.
Tản văn

Gỏi khô bò

.

Có đến hàng năm trời tôi không đi ăn theo kiểu lang thang ở ngoài, có lẽ thấy mình đã qua cái tuổi thanh niên trẻ trung sôi nổi, để mà hồn nhiên tụ tập với bạn bè, ồn ào đến những con hẻm nhỏ, nếm những món lặt vặt vốn một thời khoái khẩu. Việc ăn uống bây giờ chỉ khép kín trong nhà hoặc ở căng-tin công sở, hay tại những nhà hàng máy lạnh những khi khách khứa, lúc mà ăn uống trở thành một thứ lễ nghi phiền toái, ăn chỉ để ăn chứ chẳng thấy ngon, vì còn mãi mời mọc đẩy đưa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng chiều nay, một buổi chiều đẹp hiếm thấy đối với tôi ở Sài Gòn, trời dìu dịu, hơi se se gió, và mưa chỉ lắc rắc, nhưng cái không khí gợi lên sự trẻ thơ, thấy nao lòng khi ùa về mùi âm ẩm của gió trời, như cái hồi thơ bé được ba mẹ dẫn đi dạo trời chiều, hoặc tan học cùng bạn bè tấp vào một quán cóc, nhấm nháp hàng chục thứ linh tinh đã trở thành món ruột của bao thế hệ Sài Gòn…

Trong niềm hứng khởi bất ngờ, tôi và cô bạn thân quyết định chọn món gỏi khô bò thay cho bữa cơm khuôn phép thường nhật. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã “liều” phá bỏ chuỗi thói quen đơn điệu mỗi ngày, khi hết giờ làm lại bươn bả chạy về nhà để lo bữa tối, tất bật với hàng chục công việc không tên, để thấy mình quay ra quay vào đã già thêm một chút, chán chường thêm một chút và khô cằn thêm một chút. Đồng nghĩa với việc hai đứa bỗng nhiên thấy mình trở lại thời trẻ con, rủ nhau đi ăn hàng, vừa ăn vừa lén lút nhìn, chỉ sợ ba mẹ đi đón sẽ vô tình bắt gặp.

Gỏi khô bò nổi tiếng nhất với giới thích ăn hàng bình dân nằm trên đường Hai Bà Trưng. Tất cả nguyên liệu làm thành những dĩa gỏi tuyệt ngon chỉ nằm vỏn vẹn khiêm nhường trong một chiếc tủ kính nhỏ đặt trên vỉa hè. Phần lớn chỉ một màu trắng xanh của sợi đu đủ, một lon đựng đậu phộng giã nhỏ, màu xanh ngời ngợi của rau quế, bịch bánh phồng và lúc lỉu treo bên cạnh là một chai nước mắm đã pha chế theo bí quyết riêng của người bán.

Nếu bạn ở Sài Gòn, tôi chắc bạn không thể không biết tới địa điểm bán gỏi khô bò này. Và bạn càng rõ hơn, khi muốn tới đây để nhâm nhi một dĩa gỏi, bạn không cần phải tới chỗ cái tủ kính đựng gỏi, nơi 3 - 4 người bán đang tíu tít luôn tay đó, mà kêu: “Cho dĩa gỏi!”. Động tác ấy rất thừa.

“Trên cái vỉa hè chút xíu đó, lấy đâu ra chỗ để ngồi ăn?”. “Trời, mày quê quá!”. Đó là câu hỏi của tôi và câu trả lời của nhỏ bạn hồi tôi còn chưa biết tới nơi nổi tiếng này (đúng là quê thiệt!). Giờ tôi đã hết quê, nên tôi ung dung chạy dẫn đường cho cô bạn, tấp xe vô lề đường, leo lên vỉa hè của công viên, đậu xe sát hàng rào, thành thạo tới một gốc cây lớn, mà ở đó người ta đã trải sẵn những miếng nhựa cho khách ngồi, kéo tay cô bạn, ngồi xuống với một dáng điệu thảnh thơi nhất đời, tỉnh bơ rù rì cười giỡn với nhau, cho tới khi người bưng bê tới hỏi: Ớt hay không ớt, hai chị? Gọn lỏn trả lời: 1 ớt, 1 không! Thế là xong một công đoạn mà trong nhà hàng người ta gọi cầu kỳ là gọi món; hay sang hơn, có nhiều nơi dùng tiếng Anh là order.

Chỉ khoảng chừng vài phút, 2 dĩa gỏi được bưng tới. Trong cái ánh chiều chập choạng, tôi chỉ nhìn thấy bật lên màu trắng xanh của sợi đu đủ và màu nâu sẫm của những miếng khô bò. Nhưng mùi thơm đầy hương vị của dĩa gỏi thì bất chấp ánh ngày đã tắt cứ dậy lên theo gió, mùi chua chua ngòn ngọt của nước mắm, cay cay của rau quế, thơm giòn của bánh phồng, đậu phộng giã, mùi hương đặc trưng của gia vị ướp trong khô bò, quấn quít quyện vào nhau, lưu luyến không rời, làm không gian của một ngày bận rộn và tất bật bỗng nhiên dịu lại…

Thật ra dĩa gỏi ở đây không được chăm chút nhiều về hình thức. Sợi gỏi hơi thô, lớn, khô bò cắt miếng vuông, lớn nhỏ không đều, rau quế cũng được xắt bằng những nhát dao kéo vụng, cẩu thả. Một người cẩn thận, ưa bày vẽ, có thể sẽ cau mày. Nhưng tôi chắc đôi mày ấy sẽ giãn ra khi nếm thử.

Giờ là lúc bạn duỗi đôi chân mệt mỏi vừa qua hết một ngày, cầm đũa trộn đều dĩa gỏi, và thưởng thức hương vị hòa quyện của nó. Nhấm nháp vị bùi, chua, cay, mặn, ngọt… thưởng thức cảm giác sần sật của sợi gỏi, cái dai của khô bò, cái giòn tan của đậu phộng cùng bánh phồng, và mùi thơm nồng của rau quế, ngạc nhiên sao chừng nấy hương vị có thể tựu về đây trên một cái dĩa nhỏ bé và trông có vẻ xoàng xĩnh thế này?

Vì nghĩ mà xem, trên cái dĩa nhựa con con tôi cầm, một cái dĩa nhẹ tênh tênh mà hội đủ “sơn hào hải vị”, nếu suy cho cùng thì đúng là như vậy: có đu đủ, thịt bò ướp, rau quế, đậu phộng, có tôm trong miếng bánh phồng, và mùi nước mắm chua ngọt dịu… làm cho nam thanh nữ tú Sài Gòn không ngại ngùng gì, mà dìu dặt đưa nhau về đây, trên đủ các loại xe thô sơ hay hiện đại, xe làng nhàng hay xe mắc tiền, thoải mái ngồi bệt xuống vỉa hè, ăn với nhau dĩa gỏi, nói với nhau những chuyện nhỏ như con thỏ, nhìn thiên hạ lăng quăng qua lại trước mắt mình, để thấy lá xào xạc đáp nhẹ xuống vai, thấy đời sao mà đẹp và bình yên đến thế?

Một món ăn rất đỗi bình thường mà xóa nhòa mọi ranh giới và khoảng cách, làm cho người ta gần nhau lại, dễ có mấy khi!

ĐÀO PHONG LAN

;
.
.
.
.
.