.
THẾ GIỚI SÁCH

Đất Quảng - Chân dung từ cuộc chiến

.

Có nơi đâu trên trái đất này
Như miền Nam đắng cay chung thủy
Như miền Nam gan góc dạn dày.

Những câu thơ của Tố Hữu viết cho miền Nam có lẽ trước hết đúng nhất là cho Quảng Nam-Đà Nẵng. Với hơn 110 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 14 Anh hùng Lao động và 190 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang, 211 tập thể Anh hùng Lao động được Nhà nước vinh danh (Theo Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng, 2010), Quảng Nam-Đà Nẵng đúng là mảnh đất “ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ”.

Nhưng những con số ấy cũng không nói được tất cả. Đúng như Bác Hồ đã dạy “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất chắc chắn mới đứng vững được nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc”.

Bác nhắc chúng ta “chớ bỏ qua những việc mà ta tưởng là tầm thường”. Một anh bộ đội đi đường thấy người đàn bà sắp đẻ, thật là khó xử, anh chưa học đỡ đẻ bao giờ, nhưng anh vẫn tìm mọi cách giúp đỡ, vẫn đưa được cả mẹ tròn con vuông về tới gia đình. Thế mới là bộ đội của nhân dân. Hai cô gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa trời mưa thấy những bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ đã cởi tấm nilon của mình ra đậy lại.

Bác chỉ rõ: “Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”.

Đọc tập sách Đất Quảng - Chân dung từ cuộc chiến, chúng ta càng thấm nhuần lời Bác, càng hiểu và yêu hơn về nhân dân ta. Qua 29 bài viết về những cá nhân, những tập thể, những sự kiện, Đinh Văn Dũng cố gắng phác họa gương mặt những con người là chủ thể và cũng là sản phẩm của cuộc chiến. Cuộc chiến mà nhân dân ta đã bền bỉ và kiên cường gánh vác suốt 30 năm là chiến tranh nhân dân. Bởi vậy, Đất Quảng - Chân dung từ cuộc chiến không chỉ là chân dung những người cầm súng đứng trong quân ngũ.

Đó là những chị giao liên không chỉ có những bước đi dài theo đất nước mà còn là những bước đi dũng cảm và mưu trí len lỏi qua bao tầng lớp kiểm soát của địch đưa thư từ, tài liệu và cả vũ khí vào sào huyệt giặc.

Đó là những chiến sĩ binh địch vận âm thầm và hơn thế nữa tạo vỏ bọc, chịu sự dị nghị, sự kinh bỉ của bao người để có thể thực hiện được việc mưu phạt tâm công.

Đó là những chiến sĩ quân y mà một loạt bom tọa độ đã cướp đi mạng sống của 23 người ngày 26-10-1966 ở thung lũng Suối Tiên, thôn Lộc Đại (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) khi họ đang quây quần trong một lớp học để nâng cao hơn năng lực cứu thương, cứu người dưới sự hướng dẫn của Mai Anh - một bác sĩ trẻ vừa đến từ miền Bắc.

Đọc xong tập sách, chúng ta có thể cùng chạnh lòng với tác giả, hay có thể ngạc nhiên về nhiều người trong cuộc chiến thành tích đầy mình sao giờ đây họ còn chịu nhiều thiệt thòi mà lại “chẳng đòi hỏi chi, hồn giản dị”.

Tập sách còn cho ta biết đạo lý uống nước nhớ nguồn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã và đang thực hiện với vô số công việc, công trình tình nghĩa, nhưng thật khó có thể bù đắp được những mất mát của những người mẹ, người vợ có chân dung trong  các trang viết mà ta vừa gặp đâu đó trong cuộc sống hằng ngày.

Đọc đến trang cuối, trong tôi có 2 ý nghĩ trái chiều nhau. Tôi có cảm tưởng Đinh Văn Dũng đã và sẽ bất lực khi anh ôm ấp nguyện vọng khắc họa những chân dung từ cuộc chiến, bởi cuộc chiến trên mảnh đất này vô cùng phong phú, kỳ vĩ đến mức không bút mực nào, không một thủ pháp nghệ thuật nào có thể miêu tả được.

Đồng thời, tôi lại thấy những trang viết của Đinh Văn Dũng thật đáng trân trọng. Anh sinh năm 1967 lúc cuộc chiến đi vào hồi ác liệt nhất. Khi những tên lính Lữ đoàn Rồng Xanh Đại Hàn gây ra vụ tàn sát man rợ giết hại 135 bà con ruột thịt ở Hà My quê anh, anh mới bước đi lẫm chẫm. Chiến tranh kết thúc, anh còn là một cậu bé 8, 9 tuổi. Và ký ức về cuộc chiến trong anh là đầy ắp những kỷ niệm của thời ấu thơ côi cút, nghèo cực.

Để có được những  hiểu biết, cảm xúc, có vốn sống viết về những chân dung cuộc chiến hẳn là anh đã có biết bao nhiêu cố gắng và tâm huyết.

Những người trong cuộc có lợi thế khi viết về mình, đồng đội, đồng bào mình trong những ngày tháng cùng chung lưng đấu cật vật lộn với kẻ thù. Nhưng những người trong cuộc không có độc quyền trong hoạt động này.

Những chân trời sáng tạo vẫn mở ra cho các cây bút trẻ. Khoa học hiện đại cho phép vẻ lại chân dung con người cách đây cả triệu năm. Chúng ta chỉ tái hiện những chân dung từ cuộc chiến cách đây chừng 40 - 50 năm, sao lại ngập ngừng, e dè.

Nói vậy nhưng ngay bây giờ các bạn trẻ hãy tự làm nóng mình, hãy đốt cháy lên ngọn lửa trong mình để rồi trò chuyện lắng nghe và học hỏi nghiên cứu  những người  trong cuộc những gì liên quan đến con người và sự kiện của chiến trường xưa. Đây là việc làm gấp, vì chừng 10 - 15 năm nữa, có thể là ngày mai sẽ không còn những nhân chứng quý báu ấy trong cuộc đời này.

Những điều tôi muốn gửi gắm, trao đổi với các bạn trẻ không phải chỉ dành cho những người có tâm nguyện viết lách, có duyên văn tự. Trở về cội nguồn luôn luôn là một cách để nâng cao bản lĩnh trí tuệ, làm mới và làm mạnh mình.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.