.
Tản văn

Đợi nắng

.

Buổi sáng đã bình yên sau những ngày mưa dầm dai dẳng. Đường phố sạch và những hàng cây ven đường đã được chằng chống lại thẳng hàng. Những đợt lá vàng không phải rụng trong thời khắc giao mùa mà rụng vì gió quất. Lâu rồi không được nhìn những dòng nước mưa nhỏ đều trên mái hiên trước nhà. Mái nhà tranh, những lá tranh xấp thành mái lợp đã qua nhiều năm, chịu nhiều mưa, nhiều nắng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mưa, mái tranh nhà tôi nằm thiếp lại. Mẹ thường lấy vỏ cây chuối làm cái máng xối, luồn cho nước mưa chảy về cuối hàng hiên. Ở phố toàn nhà cao cửa rộng, làm chi có mái hiên mà tưởng tượng ra cái cảnh quê xa lắc xa lơ đó. Lúc nghĩ tới đó, tôi lại nghĩ về những miền quê tôi đã đi qua. Không thể trú ngụ bình yên ở phố xá ồn ào nhưng tôi đã tập quen dần với nhịp sống hối hả của những tháng ngày lao vào công việc như con thoi. Tôi đã không kịp ghi vào cuốn sổ nhỏ của mình những tháng ngày mệt nhoài đó. Trong góc nhỏ của bàn làm việc tôi vẫn sắp đều những con hạc giấy đủ màu và gửi gắm bao ước mơ. Ở những góc rất sâu của tâm hồn, đôi khi lòng chùng xuống đến lạ. Cuộc sống lại tiếp nối nhiều vất vả hơn khi tôi không còn nói câu giá như, giá mà, nếu, như, thay vào đó là những từ hy vọng như sắp tới, rồi đây, thời gian tới… Tự chấm cho bản thân những mức điểm về sự trải nghiệm, rồi trở lại ngồi chấm cho chính những việc mình làm vài ba hạt đậu đỏ. Chẳng có kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào khi một ngày thức dậy, trời xỉn màu. Nắng tắt. Những trận mưa tới tấp, hối hả, ồ ạt. Khi đó, tôi lại thèm lội bì bõm trong mưa.

Buổi trưa của một ngày trời mưa chỉ cảm nhận được khi nhìn đồng hồ. 12 giờ, tôi phóng xe về miền ngoại ô thành phố. Nhìn từ trên cao những cánh đồng lúa đang ngập nặng trong nước mưa. Không nhìn rõ mặt người, tôi chỉ thấy những chiếc áo mưa tiện lợi đủ màu sắc đang cố quẫy vùng trong mưa. Mùa gặt đến trong nỗi lo vô bờ của những người nông dân. Dựng vội xe bên lề đường, tôi đã thử làm nông dân, xắn quần, vứt dép ở mép ruộng rồi bì bõm lội. Nước mưa xiết vào người, nước mưa chảy phăng phăng trên ruộng. “Cẩn thận kẻo ngã chúi xuống mương cô ơi”, tiếng nói gần bên tai. Ngẩng lên, bác nông dân vừa cầm tay tôi vừa dắt qua cái đường mương. Nước ngập ngang người. Chiếc máy ảnh nhỏ đã vận động hết công năng, ghi lại được những công việc thường nhật của người nông dân mùa gặt chạy lũ. “Lúa ngập nặng mấy ngày nay, chỉ vớt vát hết mang về nhà, được chừng nào hay chừng đó”. Đó là câu nói mà tôi nghe được rất nhiều trong buổi xế trưa. Theo luôn chân bác nông dân già, tôi về tận ngôi nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ. Lúa gặt về chất đầy nhà. Nhiều lúa bị mọc rễ, ẩm mốc. Tiếng thở dài hòa vào dòng mưa. Im lặng.

Mưa kéo dài, ngập úng, mất điện. Đó là những ám ảnh đối với nông dân ngoại ô Đà Nẵng. Đô thị hóa đã về tới những vùng ven, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Nhưng vẫn còn rất nhiều vùng nông thôn người dân sống bằng ruộng. Năng suất lúa cũng giảm vì mấy năm nay không có lũ, không có phù sa. Nghịch cảnh ấy của nông dân đôi khi lại là điều vô lý, vì lũ về thì mùa đó mất nhưng mùa sau lại được, lũ không về thì lúc tới mùa đất không có phù sa, nhiều loài vật hại lúa màu xuất hiện. Trăm nỗi khổ lại đổ lên đầu dân. “Trời thương thì cho vài ngày nắng ráo, cho lúa khô, đỡ lên mầm…”. Lời chia sẻ đó như một ám ảnh khiến tôi cay cay sống mũi. Nước mưa hay nước mắt. Lại ngẩng nhìn trời. Vẫn xám đen và mưa nặng hạt kéo về.

Dọc dải đất miền Trung mùa này đều đợi nắng. Khi bão đi qua, khi lũ đi qua, người người đợi nắng. Trên đường về, dọc quốc lộ 1A, những đống lúa còn ướt đang được bọc kín bằng bạt. Nhưng lòng nhói đau khi nghĩ về những giọt mồ hôi hòa lẫn nước mưa chảy trên gò má sạm đen của bác nông dân già. Người đi trên đường vẫn đi, trời vẫn mưa. Người ướt sũng. Lạnh quắt.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

;
.
.
.
.
.