.
Ông Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:

"Làm sách, tôi thấy gần gũi với cha mình"

.

Thông qua việc biên soạn bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng cùng nhiều cuốn sách khảo cứu khác, Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đã góp phần làm sáng rõ và phong phú hơn chân dung văn học của cha mình.

Theo ông Nguyễn Huy Thắng, sách là những người bạn đáng quý nhất của mỗi gia đình.  Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Theo ông Nguyễn Huy Thắng, sách là những người bạn đáng quý nhất của mỗi gia đình. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông ra đi vì căn bệnh ung thư năm 1960, khi mới 48 tuổi, để lại một sự nghiệp văn học khá đồ sộ như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Sống mãi với Thủ đô, Lũy hoa… Nhưng có một “tác phẩm” lớn nhất, đó là người con trai Nguyễn Huy Thắng. Không đi theo con đường sáng tác văn chương như cha, Nguyễn Huy Thắng cần mẫn, chăm chút cho từng tác phẩm của cha mình.

Giống cha ở sự yêu thích sách

* Thưa ông, ông thấy mình giống nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ở những điểm nào?

- Hình như không giống lắm ở ngoại hình. Cha tôi mất khi tôi mới 5 tuổi, nên hầu như không nhớ được gì về vóc dáng của ông. Điểm giống nhau nhiều giữa tôi và cha tôi có lẽ là sự yêu thích sách. Thích đọc sách, thích lần giở những trang sách, thích có được những cuốn sách yêu thích - ấy là tôi suy từ nhật ký của cha tôi, chứ nào tôi có nhớ ông ngồi đọc sách như thế nào.

* Vậy nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có phải là người đầu tiên thắp lên ngọn lửa của tình yêu với sách trong ông?

- Cha tôi ra đi quá sớm, nên tôi ít nhận được gì trực tiếp từ cha mình. Người dẫn dắt tôi đến với sách chính là mẹ tôi. Mẹ tôi đọc cho tôi nghe truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng trong những đêm đi sơ tán, dưới ánh đèn dầu. Tôi nhớ, một hôm tôi đã khóc, không rõ do giọng đọc đều đều ít ngữ điệu nhưng truyền cảm của mẹ tôi, hay do thương cảm chàng Hoài Văn cha mất sớm, “phải đứng rìa nhục nhã”, không được cùng bàn việc nước với triều đình. Thương Hoài Văn mà cũng tủi cho mình cùng chịu nỗi cha mất sớm nên mới khóc, mà cũng khóc thầm thôi. Sau đó là sự thôi thúc nội tâm tự tìm đọc các sách khác của cha…

* Chắc hẳn hồi đó, tủ sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khá đồ sộ. Ông được bố mẹ khuyến khích đọc sách như thế nào?

- Sách của cha tôi để lại gồm sách tiếng Việt và sách nước ngoài, chủ yếu là Pháp văn. Sinh thời, cha tôi thường nhờ cậu tôi ở Pháp mua sách. Sau này, do túng thiếu nên gia đình tôi phải bán những cuốn sách ấy đi, chỉ giữ lại một vài cuốn làm kỷ niệm. Giờ nghĩ lại tiếc đứt ruột!

Sách tiếng Việt cũng khá nhiều. Bạn bè các chị tôi, rồi hàng xóm đến chơi cứ tha hồ lấy sách ra đọc, có khi lúc về lại mượn luôn. Mẹ tôi không ngăn cấm, cũng không ai nhớ để đòi lại, mà số người nhớ trả lại sách thì ít lắm. Kết quả là tủ sách cứ vơi dần. Nhưng biết đâu chính điều đó đã tạo nên môi trường đọc sách quen thuộc đối với tôi. Nhà tôi khá rộng, tôi nhớ mấy chị em và bạn bè cứ mỗi người một góc miệt mài đọc, có khi quên cả bữa ăn.

* Vậy ông đã đọc được gì từ tủ sách của cha mình?

- Tôi thích đọc các tác phẩm cổ điển, các nền văn học Pháp, Nga. Sách của cha tôi thì tôi tìm đọc hết, từ truyện thiếu nhi cho đến những cuốn cho “người lớn”, như Truyện anh Lục, Sống mãi với thủ đô… Tôi đặc biệt thích đọc kịch của cha mình. Thích đọc thế thôi, chứ cũng chẳng hiểu lắm. Về sau đọc các bài viết về Vũ Như Tô, tôi mới “ngớ” ra trước biết bao điều lớn lao, thú vị mà các nhà nghiên cứu đã dày công khám phá và chỉ ra cho một người ngoại đạo như tôi. Có điều chắc chắn, tôi rất thích đọc kịch, mê nhất trong các thể loại văn học. Tôi nhớ hồi học cấp 2, tôi từng say sưa đọc Hamlet, Vua Lia của Shakespeare, Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang của Molière… Có lẽ là do ảnh hưởng (gián tiếp thôi) từ cha mình.

* Ông vừa nói, tủ sách của cha để lại cứ bị “vơi dần”. Thế còn các sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, liệu có bị thất tán?

- Các sách của cha tôi được mẹ tôi để riêng một góc tủ khá kín đáo, nên hầu như chỉ người nhà biết, đọc xong lại để vào chỗ cũ, như bản năng gìn giữ những gì quý nhất. Vì thế, giờ đây phần lớn sách của cha đều còn lại cả. Nhưng cũng có cuốn thiếu, như tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, không biết mất do đâu và khi nào, sau này gia đình tôi đã nhờ nhà nghiên cứu văn học Hà Minh Đức mượn hộ ở thư viện để chép lại. Tôi cũng tham gia vào việc này.

Làm sách phổ biến kiến thức

* Bây giờ ở tuổi ngoài 50, lại đang giữ chức Tổng Biên tập NXB Kim Đồng - nơi mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có công sáng lập và đảm nhiệm chức Giám đốc đầu tiên, ông hãy chia sẻ một vài kỷ niệm khó quên với cha mình?

- Khó có thể nói tôi từng nhớ được kỷ niệm cụ thể nào với cha. Mọi thứ có chăng chỉ do tôi tưởng tượng… Nhưng có một “khám phá” đã làm thay đổi đời tôi. Đấy là khi tôi đọc nhật ký của cha tôi những ngày ông nhập viện trước lúc đi xa. Khi biết mình bị trọng bệnh (ung thư), ông chỉ nghĩ đến vợ con, nghĩ đến tôi, đứa con trai duy nhất của ông. Nhưng liền sau đó là cảm giác ấm áp lạ kỳ. Ông lo chúng tôi bơ vơ, nhưng tôi thấy thật ấm lòng khi có được tình cảm ấy của ông. Quả thật, từ đấy, tôi không còn cảm thấy bơ vơ nữa vì luôn nghĩ có cha bên mình.

* Vì sao ông quyết định không viết những tác phẩm theo con đường cha đã chọn, mà quyết định làm những bộ sách mang tính khoa học, lịch sử cung cấp tri thức cho thiếu nhi?

- Đến nay, tôi đã thực hiện nhiều cuốn sách, bộ sách. Có cuốn làm một mình, có cuốn cùng làm, có cuốn biên soạn... Nhưng tôi chưa hề viết một truyện ngắn, một bài thơ nào (cũng có thử, nhưng thử thế thôi, không có ý định công bố). Tôi biết sáng tác văn học là một lĩnh vực sáng tạo, bên cạnh lao động còn đòi hỏi tài năng mà tôi e mình không có điều này. Vậy nên tôi chọn cách làm sách phổ biến kiến thức - kiến thức lịch sử và tri thức văn học. Như các cuốn Từ kinh đô đến thủ đô, Những nhân vật tên còn trẻ mãi, Những con vật bầu bạn tuổi thơ, Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Sử ta - chuyện xưa kể lại, Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa, Trường Sa, bộ Nhà văn của em… Khi làm những cuốn sách đó, tôi thấy gần gũi thêm với cha mình. Trong phần thư mục “Tài liệu tham khảo” nhiều cuốn sách của tôi, có ghi các tác phẩm của cha tôi mà tôi đã tham khảo. Rồi còn những cuốn sách sử của ông để lại nữa, cũng giúp cho tôi rất nhiều.

iPad và ebook không thay được “tủ sách gia đình”

* Là người gắn bó cả cuộc đời với sách, theo anh, cuộc sống hiện đại, mỗi gia đình bây giờ có cần một tủ sách không? Vì sao?

- Rất cần. Vì đó là những người bạn đáng quý nhất của mỗi gia đình. Đáng tiếc là hiện nay, nhiều gia đình Việt Nam đang mất đi những người bạn như thế.

* Vậy mỗi gia đình nên xây dựng tủ sách gia đình như thế nào?

- Tủ sách gia đình đương nhiên phải là sự chia sẻ chung của cả nhà. Vậy nên bắt đầu bằng những cuốn mà cả nhà cùng đọc, cùng quan tâm, cùng sử dụng… Có thể là sách văn học, lịch sử, truyện dân gian, sách tra cứu, từ điển, kiến thức bách khoa… nhưng nên là những cuốn phổ thông, chung cho mọi người. Dần dần, mỗi thành viên sẽ bổ sung thêm những cuốn sách mà cá nhân mình quan tâm. Như thế, tri thức sẽ ngày một phổ biến, lan rộng, với những trang sách là nhịp cầu kết nối gia đình hết sức hữu hiệu.

* Nhưng xã hội hiện đại, nhà cửa chật chội, bây giờ nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng mua iPad cho con.

- iPad là thiết bị điện tử - tin học rất hữu dụng cho công việc và nhất là giải trí. Việc phụ huynh mua iPad cho con là hoàn toàn bình thường, tôi biết có nhiều em sử dụng iPad rất tốt, giúp các em trau dồi kỹ năng IT. Nhưng nếu sắm iPad cho con với mong muốn để con đọc sách điện tử thì tôi e rằng trẻ sẽ không đọc đâu, mà chỉ sử dụng iPad để truy cập Internet hoặc... chơi game thôi. Với trẻ, việc đọc sách nên bắt đầu bằng sách truyền thống, với các trang giấy trắng mực đen, hoặc các trang in màu mà các em rất thích.

* Xin cảm ơn ông!

HOÀNG THU PHỐ thực hiện

;
.
.
.
.
.