.
Cafe Sáng

Những cánh chim câu trong thành phố

.

Hà Nội đã, đang và sẽ là thành phố vì hòa bình. Khắp nơi nơi người ta có thể bắt gặp biểu tượng chim bồ câu trắng. Nhưng có mỏi công đi tìm thì khắp Hà Nội cũng khó thấy bóng dáng một con chim bồ câu thật - con vật hiền lành, xinh đẹp, biểu tượng cho hòa bình trên thế giới, mà chỉ thấy những con chim câu trên tấm pano, hay kết từ những chùm đèn lửng lơ trên thân cột điện.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đến nhiều nơi trên thế giới, thấy công viên, quảng trường hay địa điểm sinh hoạt công cộng nào cũng đều chấp chới những cánh chim bồ câu. Người ta cho ăn, chơi đùa, chụp ảnh thân thiện với chúng. Thậm chí, ngay cả khi dịch cúm gia cầm bùng phát trên toàn thế giới, loài chim này không vì thế mà bị xa lánh, tuyệt diệt. Trước Nhà thờ Đức Bà ở thành phố Hồ Chí Minh, trong vườn hoa trung tâm Đà Lạt hay vài điểm khu du lịch khác, người ta cũng đã quen với hình ảnh đàn chim bồ câu chao liệng. Vậy mà, Hà Nội…

Nói vậy mà làm không dễ vậy. Bởi lẽ, dạo trước mới chỉ có 1.000 con chim hòa bình được nuôi dưỡng, huấn luyện trong không gian giới hạn là vườn Bách Thảo mà còn bị thủ tiêu, ăn trộm dần mòn đến nửa đàn tan tác. Từ sứ giả hòa bình đến món ăn trên bàn nhậu chỉ trong chớp mắt. Tất cả do bàn tay độc ác, lòng tham, sự tư lợi và cả thói mông muội, bần tiện của một số người. Cứ nghĩ và tin việc làm đó đã biến mất từ lâu hay chí ít chỉ còn lại ở chốn ruộng đồng hoang dã, vậy mà thành tâm điểm gây sự chú ý ngay giữa thủ đô - nơi được mệnh danh là thành phố vì hòa bình. Hơn 400 con chim đã chết, số còn lại hoang mang, không còn cảm thấy nơi đây là “đất lành”. Mấy trăm con chim, số tiền bán đi không biết được bao nhiêu, vậy mà người ta đang tâm. Mấy trăm con chim, tội danh của những kẻ trộm cắp kể ra nghe cũng đầy nực cười và xa xót. Chắc chắn, khung hình phạt cũng chả thấm vào đâu cho cái tội trộm vặt. Nhưng để lại một vết chàm chắc chắn không phải là nhỏ.

Không chỉ là chim, mà bất cứ những thứ gì sinh lợi thì người ta đều có thể thực hiện. Những gốc sưa bị “sưa tặc” nhòm ngó, hễ vắng người là cưa đốn. Ngay cả cây bồ đề linh thiêng đã trăm tuổi, mỗi phiến lá mang một linh hồn của những người nằm xuống tại chợ Âm Phủ cũng không cánh mà bay sau một đêm. Nếu không có sự nghiêm minh của chính quyền thì số phận cái cây này cũng như những con chim kia. Như vậy, vẫn có những người Hà Nội (hoặc ở nơi khác đến Hà Nội) không những tham lam mà còn thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thiếu cả sự văn minh lẫn lòng trắc ẩn tối thiểu của một con người.

Cách đây chưa lâu, tôi ngồi uống cà-phê với điêu khắc gia Phạm Văn Hạng bên Thủy Tạ khi tiết trời Hà Nội se se lạnh. Nhà điêu khắc này có tình yêu đặc biệt với đất Thăng Long văn hiến. Ông ước mơ tha thiết là được tạc tặng Hà Nội bức tượng Mẹ Hòa Bình. Bức tượng ấy có thể được đặt trước Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, kế bên Nhà hát lớn. Bức tượng ấy sẽ là một điểm nhấn mới của Hà Nội và cũng mang đầy ý nghĩa cho thành phố nghìn năm, thành phố vì hòa bình.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tỏ ra tiếc nuối về thành phố hòa bình nhưng không thấy tiếng chim, không thấy cánh chim bay. Ông còn mơ bên Hồ Gươm có những bầy chim câu chao cánh. Ông bảo bây giờ mạnh dạn bỏ ra một vài tỷ đồng đầu tư cho việc này, đừng sợ quá việc chim sẽ làm bẩn, hoặc bị mất mát. Có thể sẽ mất, nhưng rồi phải tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, dần dần nó sẽ trở thành bình thường. Chỉ khi người ta thấy lạ, người ta mới tò mò. Khi đã bình thường rồi thì không ai để ý nữa.

Còn tôi đã thầm nghĩ, nếu một ngày nào đó bức tượng Mẹ Hòa Bình được đặt vào vị trí mà tác giả của nó mơ ước, nhất định dưới chân tác phẩm ấy phải có đàn bồ câu thong thả dạo chơi hoặc bay lượn. Khi ấy Hà Nội sẽ đẹp biết bao, nên thơ biết bao. Tôi chỉ là một công chức bình thường, tuổi đã về già, biết mình chẳng có thể làm gì được nhiều cho thành phố này hơn là một niềm mong mỏi. Và hy vọng niềm mong mỏi ấy một ngày không xa sẽ trở thành hiện thực, với sự đồng thuận và bảo vệ của người dân toàn thành phố.

Khi bóng chim sâm cầm trên Hồ Tây dường như chỉ còn là huyền thoại, khi những đàn cò trên dãy sao đen phố Lò Đúc đã biến mất từ lâu, khi sự ồn ã phố phường đẩy những con chim, con chuồn chuồn, những cánh bướm bạt lên tầng không, thì mỗi sớm mai được ngắm một vài cánh bồ câu bay đậu hoặc gù gù bên nhau sẽ thấy thành phố đáng yêu hơn, thanh bình hơn và mang dáng vẻ của sự an nhàn, thanh thản. Tôi tin là thế.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.