.
Café sáng

Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười

.

1. Ba mươi tuổi, tôi có mười hai năm xa quê nhưng chưa bao giờ đón Tết ở thành phố dẫu biết rằng, Tết ở phố tuyệt đẹp với vườn hoa, công viên, khu vui chơi lúc nào cũng đông đúc, rực rỡ sắc màu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Với tôi, Tết là dịp trở về bên gia đình sau những chuyến đi, thong thả ra vườn ngắm thành quả lao động của ba má với những bầu, bí, khổ qua, xà lách, hành ngò và cả những vạt hoa vạn thọ, lay ơn, thược dược rộn ràng chào năm mới.

Tôi thường rời Đà Nẵng về Quảng Nam chiều 28 Tết sau cuộc điện thoại ngắn của ba “Về đi con, hoa trong vườn đã nở”. Ba không phải người trồng hoa giỏi, nhưng mỗi khi Tết về, trước sân nhà tôi bao giờ cũng có một vạt hoa vạn thọ bung nở vàng rực cả sân. Vạn thọ là loài cây dễ trồng, vào tháng 10 âm lịch, ba bắt đầu lấy những hạt giống cất lại từ năm ngoái trồng xuống luống đất trộn phân chuồng và chờ đợi cây nẩy mầm. Cùng thời gian này, ba cắt nhánh thược dược bỏ vào chậu, lựa những củ lay ơn to, khỏe dâm thành hàng chạy dọc lối đi. Suốt thời gian sau đó, sáng nào ba cũng ra sân ngắm mấy vồng hoa, tưới tắm, bắt sâu, tỉa lá chờ cây lớn.

Ngày thơ ấu, có lần tôi sà vào lòng má khóc rấm rức sợ cây chết khi nhìn thấy ba ra vườn bấm mấy đọt vạn thọ non, tỉa bỏ hết chồi nhỏ quanh nách lá. Nghe má kể lại, ba nắm tay tôi dẫn ra trước vồng vạn thọ, giải thích làm thế để cây ra bông nhiều và “canh” cho hoa nở đúng dịp Tết. Nhìn cái cách ba chăm bẵm, tôi hiểu ông yêu những chậu hoa mình trồng như thế nào. Ngày cận Tết, dù hoa vạn thọ lai được bày bán nhiều ở các chợ quê, màu sắc phong phú hơn nhưng ba vẫn trung thành với sắc vàng cam truyền thống cao ngang ngực ở nhà.

2. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2006, các nhà vườn ở Đà Nẵng hầu như không trồng các loài hoa truyền thống mà chuyển sang trồng ly, cúc, dạ yến thảo, tulip, đồng tiền, mãn đình hồng… Còn nhớ, cái Tết năm 2013, tới ngày họp chợ Tết cuối cùng, một chị bạn đồng nghiệp cho biết, hoa vạn thọ ở chợ khan hiếm tới mức, một cây hoa nhỏ có giá 20 ngàn đồng, mấy nhà trồng hoa quanh khu vực chị ở cũng không còn lấy một cây còi cọc để bán. Thì ra, rất nhiều gia đình vẫn dành cho vạn thọ một vị trí trang trọng trên gian thờ tổ tiên, bàn  thờ ông táo, hoặc chưng trước hiên nhà.  

Hình như còn Tết cổ truyền là còn hoa vạn thọ. Và vạn thọ đã không phải chịu cảnh hững hờ! Ông Ngô Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam cho biết, ngay từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch các nhà vườn đã rục rịch chuẩn bị mùa hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2015. Ngoài 60.000 chậu cúc, 20.000 chậu ly ly, 60.000 chậu gồm dạ yến thảo, mào gà, mãn đình hồng, đồng tiền, hải đường thì năm nay các nhà vườn trồng khoảng 2.500 chậu vạn thọ, thược dược, chiếm từ 5 đến 7% sản lượng. Dù tỉ lệ chưa cao, nhưng đây là tín hiệu vui cho thị trường hoa Tết truyền thống.

Khá thoải mái về quỹ đất nên mùa hoa Tết năm nay, bà con HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ hoa - cây cảnh Vân Dương tại xã Hòa Liên đã đầu tư trồng khoảng 20.000 chậu vạn thọ lớn bé, nhiều nhất từ trước đến nay. Nghe đâu Tết Nguyên đán năm nay sẽ có khoảng 3.000 chậu vạn thọ lùn góp mặt tại đường hoa Bạch Đằng, khoe vẻ đẹp bình dị mà bền bỉ, trong ngần.

3. Một lần trò chuyện cùng nhạc sĩ Trần Hồng - người có nhiều nghiên cứu văn hóa, vùng đất xứ Quảng - về những loài hoa Tết, ông nói rằng, trong sân vườn của mỗi người Quảng Nam, Đà Nẵng trước đây, người ta có thể không trồng được hoa mai nhưng không bao giờ thiếu 3 loài hoa vạn thọ, thược dược, lay ơn. Họ thường chờ đến dịp Tết để trồng, để chơi, để thưởng thức như một thú vui tao nhã trong thời gian chờ đợi Tết. Đó cũng là nguồn hoa để mỗi nhà tự phục vụ việc trang trí, thờ cúng mà không cần phải mua hoa ngoài thị trường.

Bây giờ phong trào nhà nhà tự trồng hoa đón Tết không còn nhưng thấp thoáng đâu đó ở những vùng quê, Tết đến người ta vẫn nhìn thấy hoa vạn thọ nở rộ trên khoảng sân trước nhà, những chậu thược dược mỏng manh cho những bông hoa to, đẹp nép sát vào nhau, bình hoa lay ơn được cắt ngoài vườn đặt trang trọng trên bàn khách.

Những câu chuyện với nhạc sĩ Trần Hồng giúp tôi gợi nhớ vạt hoa trước nhà của ba, nơi con gái nhỏ mỗi Tết về thăm ông bà ngoại đều ra đó đứng làm dáng cho mẹ chụp hình. Trước đây ở quê tôi, làng trên xóm dưới nhà nào cũng có hai hàng vạn thọ chạy dọc từ cổng vào đến sân nhà, thấy vạn thọ ra bông là biết Tết đang chạm ngõ. Có năm gặp tiết trời thuận lợi, đúng 70 ngày từ khi gieo hạt, vạn thọ ra hoa và nở từ những ngày cuối năm đến tận giêng hai.

Ba bảo hai chữ vạn thọ tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu nên Tết đến, trên bàn thờ gia tiên, bao giờ ba cũng đặt trang trọng một bình hoa vạn thọ cắt từ vườn nhà. Và tôi tin rằng, dù đi đâu, làm gì, mỗi dịp xuân về, trong lòng người dân xứ Quảng như tôi sẽ rưng rưng nhớ câu ca một thời “Ai ơi dẫu có đi xa/Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười”. Khoảng sân và mảnh vườn ấy, sẽ luôn là quê hương trong lòng người xa xứ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.