(Đọc “Kiếp Ba Khía”, Tập truyện ngắn của Trần Bảo Định, NXB Văn hóa Văn nghệ, 1/2015)
“Kiếp Ba Khía” (KBK) là truyện cuối tập truyện ngắn đầu tay cùng tên của “nhà văn trẻ” Trần Bảo Định. Trước hết xin có đôi dòng về tác giả và tên truyện có lẽ còn mới lạ - nhất là với bạn đọc trẻ ít có dịp về miền biển cực Nam Tổ Quốc. Ba khía là con vật thuộc họ “nhà cua”, trên lưng có 3 gạch như ai đó lấy dao khía vào. Dân gian cho rằng đó là biểu tượng của 3 lớp rừng cây (mắm, đước, tràm) chắn sóng, giữ đất vùng ven biển Cà Mau. Tôi gọi ông là “nhà văn trẻ” vì đây là tập truyện đầu tay, nhưng ông vừa qua tuổi 70! Trước tác phẩm này, ông đã xuất bản 4 tập thơ, nhưng phần nhiều là thơ “làm cho vui” và để đáp ơn nghĩa của làng quê, thầy và vợ. Trần Bảo Định quê Long An, cựu sinh viên văn khoa Đại học Đà Lạt trước 1975, có nhiều năm hoạt động, lăn lộn gần gũi với nhiều lớp người, nên tác phẩm đầu tay đã tạo được một phong cách riêng, đúng như nhà văn Bích Ngân đã nhận xét:
“…Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ Nam Bộ một cách dân dã, hài hước, thú vị qua những sự đời, sự người, sự vật… với tính cách riêng, bằng vốn sống tích lũy và sự am hiểu sâu rộng của mình…”
Công bằng mà nói, không phải 17 truyện trong KBK đều hay. Ngay truyện tác giả lấy làm tên cho cả tập sách cũng không xuất sắc. Có lẽ vì Trần Bảo Định thương cho kiếp con ba khía bao đời sống quần tụ trong rừng mắm đước - nó cũng có “những ngày hội, những đêm sáng trăng rủ bạn tình bám chang đước nhỏ to, chăn gối…” - hết bị B.52 rải thảm đến thuốc khai quang, nay hòa bình lại bị con người phá rừng, phải sống cầm tù trong các trại nuôi nhân tạo chỉ để làm mồi nhậu, nên ông đã “mượn” con ba khía làm “biểu tượng” cho bao phận người đã bị quăng quật trên vùng đất mở phía Nam của
Tổ quốc.
Mặc dù tác giả, hình như chưa (hoặc không muốn) đề cập sâu những vấn đề xã hội nóng bỏng, nhưng nhiều trang viết của Trần Bảo Định đã chạm đến những số phận trải qua bước ngoặt lớn của dân tộc như sự kiện hai miền chia đôi sau năm 1954, đến cải tạo tư sản, đổi tiền, vượt biên, mượn phép thu hồi đất của dân để bán cho các “nhóm lợi ích”… Chỉ một cuộc đời của vợ chồng thầy giáo Huy (truyện “Chuyện người”), đã khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ nhiều về bài học “đối nhân xử thế”. Từ 1976, vì lòng tự trọng, không chịu mang tiếng “lưu dung”, thầy đi vùng kinh tế mới, khi quân Pôn-Pốt tràn qua Hà Tiên, vợ chồng thầy không bỏ về Sài Gòn cầu an mà gia nhập Đội dân công hỏa tuyến và đã hy sinh lúc cõng một thương binh ra khỏi vùng lửa đạn…
Cái độc đáo của Trần Bảo Định là trong một truyện bi thương như thế, vẫn “gài” được chi tiết hài hước, như chuyện bác Sáu kể chị sui (thông gia) trong đêm ngoắt tay ba lần, tưởng chị rủ sang… ngủ chung; ai dè chị kêu lên: “Mèn đéc ơi, tui phát tay là để tắt cái đèn bóng…dầu dạo này khan hiếm lắm…” đến nỗi vợ chồng Huy nhiều bữa cơm phải “ăn thầm”! Một cái cười ra nước mắt trước hậu quả của cách quản lý sai lầm khiến cả một miền đất trù phú trở nên thiếu thốn mọi thứ! Và không chỉ hài hước, bác Sáu - người chí cốt với cách mạng, ba đứa con tham gia kháng chiến, ngày về chỉ còn một - cũng là người đã nói thẳng vào mặt cán bộ: “Hồi còn chiến tranh, tui đào hầm nuôi mấy cha nội nầy, họ nói hay lắm, khi có quyền lực thì làm dở ẹc, tính toán thua mấy đứa con buôn… sách nhiễu dân, làm lòng người oán thán. Thượng bất chánh, hạ tắc loạn…”
Có lẽ KBK vừa xuất bản đã bán hết và đang tái bản là nhờ song hành cả hai yếu tố - sự hài hước và nỗi đau đời - qua nhiều trang sách. Từ truyện “Chữ nghĩa” đầu tập sách, đến chuyện “cạ rốn” chữa đau bụng (“Chuyện đời”), rồi truyện “Thằng Mẫm Đực” giải câu đố kiểu “đố tục giảng thanh”, chuyện Cả Khịa “bứt dây lưng quần chị nghe cái “bực” rồi làm “động tác sàng gạo lia lịa trên mình chị” (truyện “Chơi mà chối”) … đều được thể hiện với giọng điệu hồn nhiên “zui zẻ”, thậm chí có cả “sex” nữa, đậm chất dân gian và luôn gắn với những phận người đã chịu bao nỗi đắng cay, thua thiệt.
Có lẽ nhờ thế mà KBK không thiếu bi kịch nhưng đồng thời lại toát lên sức sống bất diệt của một vùng đất giàu tiềm năng của Tổ quốc…
“…Bảy Củ mần “hết sẩy” cá lóc nướng trui, thì Sáu - con gái ông Tám chủ đìa, cũng vừa mần xong trải đệm, sắp xếp và dọn đồ mồi còn tươi rói: lá sen non, đọt xoài, đọt vừng, đọt mọt, lá điều non, húng lủi, quế vị, chuối chát, khế chua… đặt lên mặt những tàu lá chuối xanh mượt. Bánh tráng, mắm nêm, muối ớt… quyện vào hương vị cá lóc nướng trui, tạo thành chất men đồng quê háo hức làm nước miếng ứa ra trong miệng…”
Chỉ một đoạn văn ngắn (truyện “Mùa tát đìa cuối cùng”) đã đầy ắp hương vị một miền đất hào phóng, nồng nàn tình người, mời gọi bạn đọc đến với KBK…
NGUYỄN KHẮC PHÊ