Theo một nhà nghiên cứu văn hóa, giới trẻ hiện vẫn đọc nhiều nhưng phần lớn đọc báo mạng, đọc truyện tranh, hờ hững với sách văn chương, vồ vập với tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc... Vậy giải pháp nào cho văn hóa đọc hiện nay? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý… về vấn đề này.
Khu vực tặng sách miễn phí của Thư viện Khoa học tổng hợp thu hút đông đảo bạn đọc ghé thăm trong Ngày Sách Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
* Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng: Thực hiện đồng bộ 4 phương diện
Để khơi dậy văn hóa đọc, có nhiều việc phải làm. Nhưng theo tôi, cần làm một cách đồng bộ để tạo chuyển biến rõ nét trên cả bốn phương diện: viết sách, in sách, bán sách và phê bình sách. Trước hết, phải có giải pháp hỗ trợ sáng tác để có nhiều hơn những người viết sách hay, khắc phục tình trạng người viết được sách hay mà sách lại không được in. Song song đó, quan tâm đào tạo người in sách để có nhiều biên tập viên chuyên nghiệp hơn, bởi chỉ có chuyên nghiệp thì mới hạn chế được tình trạng nhiều sách không hay vẫn được in.
Kế đến, bản thân các nhà sách cũng cần đào tạo để có những nhân viên biết yêu quý sách, biết theo dõi và phân tích thị hiếu của khách, thậm chí biết tư vấn cho khách tìm được sách phù hợp với thị hiếu nghệ thuật của họ.
Làm sao để có một số người phê bình sách phần lớn làm việc này bằng tay phải thay vì tay trái (thậm chí trái tay - tức là tay ngang) và chủ yếu mới tập trung điểm sách như trước đây. Bởi lẽ, chính họ là những người tạo những tác động cần thiết đến thị hiếu nghệ thuật của độc giả.
Đồng thời, phải làm sao vừa có những tủ sách gia đình, vừa có những thư viện công cộng và phát huy được mô hình này hiệu quả theo chiều sâu. Nghĩa là, ở nhà, ông bà, ba mẹ đọc sách làm gương; ở thư viện cần có những thủ thư chuyên nghiệp không chỉ là người giữ sách và cho mượn sách mà còn là người biết yêu quý sách, biết theo dõi và phân tích thị hiếu nghệ thuật của người đến đọc sách, thậm chí biết tư vấn cho họ mượn đọc những cuốn sách phù hợp với thị hiếu nghệ thuật của từng người.
Một điểm nữa cần lưu tâm là xây dựng văn hóa đọc ngay chính trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo, quản lý phải làm gương trong việc đọc sách cho nhân viên noi theo. Trong các trường học, các cô giáo, thầy giáo phải làm gương trong việc đọc sách cho học sinh, sinh viên.
* Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố: Thư viện có vai trò quan trọng
Thư viện có vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc. Nhưng lâu nay, Thư viện Khoa học tổng hợp được đầu tư cơ sở vật chất ở mức độ khiêm tốn, manh mún nên chỉ gói gọn trong hoạt động phục vụ bạn đọc (mượn sách, đọc sách) mà chưa có nhiều hoạt động mới mẻ kèm theo.
Năm 2014, với sự quyết liệt đầu tư cho văn hóa, thành phố đã đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng Thư viện Khoa học tổng hợp theo hướng không gian mở, đầu tư cho hoạt động sự nghiệp tăng gấp 2 lần trong năm 2015… Đây là cơ hội để chúng tôi đổi mới hoạt động cho xứng tầm; đề ra kế hoạch, lộ trình phát triển dài hơi; không để biểu tượng văn hóa đọc của thành phố thành kho chứa sách như nhiều người lo ngại.
Theo định hướng đến năm 2020, chúng tôi đầu tư cho hoạt động tại chỗ và hoạt động ngoài thư viện. Cụ thể, mở rộng nhiều hình thức dịch vụ, xây dựng thư viện điện tử, tăng thời gian mở cửa đến 20 giờ, phục vụ cả ngày thứ bảy và chủ nhật, chú trọng không gian đọc dành cho thiếu nhi, xây dựng phòng chuyên đề về Đà Nẵng (sách, báo, dư địa chí…), tăng số lượng đầu sách, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cho thư viện, tổ chức giới thiệu sách, triển lãm sách tại thư viện…
Để rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa, chúng tôi sẽ mở rộng, đẩy mạnh hoạt động thư viện cấp cơ sở. Tôi cho rằng, cần đầu tư mạnh hơn cho thư viện từ cơ sở vật chất đến con người, xây dựng hệ thống thư viện cụm (phía Bắc thành phố, đặt tại quận Liên Chiểu, phía Nam đặt tại quận Ngũ Hành Sơn). Có như vậy mới góp phần cải thiện văn hóa đọc tại Đà Nẵng.
* Ông Nguyễn Hữu Chính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Công Uẩn: Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ
Ngay từ nhỏ, trẻ em Do Thái đã được người lớn tạo sự hứng khởi với sách bằng cách đơn giản, họ bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách, bỏ kẹo vào sách, bọn trẻ sẽ lân la chơi với sách rất say sưa. Vì thế, theo tôi, cần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ.
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc này, nếu gia đình có từ 1-2 người thích đọc sách thì sẽ tác động tích cực đến con cái. Bên cạnh đó, nhà trường là môi trường thuận lợi nhất để khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh; giáo dục thẩm mỹ cho học sinh yêu cái hay, cái đẹp, từ đó mới biết sách nào hay, sách nào nên đọc.
Từ năm 2008, thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường tiểu học Lý Công Uẩn đã đầu tư không gian đọc mở cho học sinh ngoài thư viện của nhà trường.
Mỗi buổi trước giờ vào lớp và giờ ra chơi, các em học sinh tập trung tại Vườn lịch sử, Vườn cổ tích đọc sách, đọc truyện. Sau một tháng, nhà trường tổ chức thi kể lại câu chuyện, nội dung cuốn sách mà các em đã đọc; hoặc cán bộ thư viện giới thiệu sách hay dưới cờ cho học sinh… Dù chỉ là bước đầu nhưng nhà trường mong muốn chung tay cùng toàn xã hội, khuyến khích các em đọc sách, làm bạn với sách.
Nhiều hoạt động nhân “Ngày Sách Đà Nẵng” Diễn ra trong hai ngày 18 và 19-4 tại Công viên 29-3, Ngày Sách Đà Nẵng đã thu hút đông đảo bạn đọc tham gia. 10 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành, văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thành phố mang đến Ngày Sách Đà Nẵng những gian hàng trang trí đẹp mắt, đặc biệt hàng trăm cuốn sách được xếp nghệ thuật theo chủ đề biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, tạo ấn tượng cho khách tham quan. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng giới thiệu các ấn phẩm có chất lượng về các chủ đề: văn hóa xứ Quảng; sách, truyện thiếu nhi; chủ quyền biển đảo Việt Nam; thực hành kỹ năng sống… Để tạo điều kiện cho bạn đọc đến với sách, các gian hàng đều có chương trình trợ giá sách từ 5-10%, một số được giảm 50%, sách đồng giá 5.000 đồng, tặng sách miễn phí… Bên cạnh đó, hội sách kèm theo các hoạt động bên lề như: tặng bạn đọc sách qua hình thức đố vui, tô màu cùng mèo Hello Kitty, trao đổi sách, tặng 300 suất học kỹ năng mềm cho sinh viên. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đến Ngày sách Đà Nẵng, thăm các gian hàng sách, chuyện trò với các sinh viên và tham dự buổi giao lưu với các tác giả. Sự có mặt của Chủ tịch UBND thành phố tạo cho những người làm sách và những người đọc sách niềm tin về sự khởi sắc của văn hóa đọc Đà Nẵng trong thời gian tới. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng mong muốn mọi đối tượng người dân sẽ đến gần hơn với văn hóa đọc, khuyến khích người dân tham gia đọc sách, đồng thời động viên các văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm hay hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân. |
NGỌC HÀ thực hiện