.

Ai là người ở lại

.

Một hôm, tại trụ sở của tòa soạn nhật báo Bắc Hải, có hai thực tập sinh cùng đến xin việc, một người tên là Thạch Thành, một người tên là Hứa Lượng, hai bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học Tân Văn. Qua lần vấn đáp, trắc lượng kiến thức, cả hai đều ngang sức ngang tài, nhưng chỉ tiêu trong năm nay của tòa soạn, chỉ được tuyển dụng một người, vậy ai sẽ là người ở lại?

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tổng biên tập Đặng Phong phân vân, Hứa Lượng phấn chấn, nhiệt tình; Thạch Thành thâm trầm, chắc chắn, cả hai đều ưu tú, khiến ông thật khó lựa chọn. Cũng thời điểm đó, một nạn lụt hy hữu tràn qua Bắc Hải, một vùng địa thế trũng thấp, quanh dãy núi Long Sơn, đa phần nhà cửa bị nhấn chìm trong nước. Tình thế thật là nguy cấp! Tổng biên tập liền phái hai chàng trai trẻ đi cùng đội ngũ các ký giả, đến vùng trọng điểm Long Sơn.

Nạn lụt ập đến đột ngột, rồi rút đi cũng rất nhanh, chỉ mấy ngày sau, vùng núi Long Sơn đã bình yên trở lại. Tòa soạn quyết định, lấy sự kiện phòng chống lũ lụt vừa qua làm chuyên đề, để phát hành một tập san báo ảnh. Tổng biên tập Đặng Phong cho gọi Hứa Lượng và Thạch Thành đến phòng của ông, hỏi xem, trong những ngày vừa qua hai người đã thu hoạch được những gì. Chỉ thấy Hứa Lượng cầm trên tay một tập tài liệu dày, trao cho ông nói: “Đây là những bài viết có kèm theo ảnh mà cháu đã chụp, nhờ chú xem”. Thật rõ ràng, trong cặp mắt của cậu ta ánh lên niềm tự tin.

Tổng biên tập vừa xem vừa nói. “Những bức ảnh chụp ở những góc độ rất đẹp, những bài viết rất hay, những chỗ mà số lượng...”. Đột nhiên ông dừng lại, chăm chú vào bức ảnh đang cầm trên tay: Trong làn sóng cuộn trào, sục sôi của cơn lũ, nhô lên khỏi mặt nước là một bé gái, với bím tóc buộc trên đầu, miệng đang gào khóc, hai tay giơ ra, hướng về phía người đàn ông đang vin vào cành trúc để hướng tới, chắc đó là cha cô bé.

Nhìn kỹ ông hiểu ra: Nâng cô bé lên khỏi mặt nước là đôi bàn tay ở ngang lưng, còn gương mặt của đôi bàn tay ấy thì chìm sâu trong làn sóng lũ. Hồi lâu, Tổng biên tập Đặng Phong xúc động nói: “Thật cảm động!”. Rồi ông đưa tấm ảnh cho chủ biên nói: “Đây là tác phẩm của Hứa Lượng, nó có sức rung động mạnh, cậu đưa lên trang đầu của số báo ngày mai, đề mục là : “Một thoáng huy hoàng”. Rồi ông đưa tay về phía Thạch Thành hỏi: “Còn cậu, thu hoạch được những gì?”, Thạch Thành vẻ mặt lúng túng nói: “Xin lỗi chú, cháu… Cháu bị mất máy ảnh!”.

Đặng Phong lắc lắc đầu nói: “Thạch Thành à, đối với phóng viên tin, cái máy ảnh cũng như khẩu súng trong tay người chiến sĩ, cũng nên coi trọng nó như mạng sống của mình. Cậu nói mất là mất. Như vậy tôi chỉ có thể nói với cậu là: Xin lỗi! Vì cậu đến đây xin việc cùng với Hứa Lượng. Giờ thì cậu có thể đi được rồi”. Thấy Thạch Thành còn muốn giải thích điều gì, nên ông xua xua tay, sợ bị làm phiền nói: “Đừng nói nhiều, đã quyết định như vậy rồi”.

Sau khi “Một thoáng huy hoàng” được in trên báo Bắc Hải, tòa soạn nhận được rất nhiều sự phản hồi của nhân dân thành phố, họ tới tấp gọi điện đến tòa soạn, hỏi xem tình huống của người anh hùng dưới mặt nước ra sao, khiến cho tổng biên tập thật khó trả lời, bởi vì Hứa Lượng là tác giả, là người duy nhất có thể biết được người anh hùng đáng yêu ấy, nhưng cậu ta nói: Vừa bấm máy xong, con thuyền nhỏ mà cậu ta ngồi, đã bị dòng lũ cuốn đi, nên không còn nhìn thấy người ấy nữa.

Chính lúc Đặng Phong đang đắn đo, nghĩ cách để giải thích với độc giả, thì có người đàn ông, dắt theo một bé gái bước vào phòng, vừa nhìn thấy bím tóc của cô bé, mắt ông sáng lên. Chẳng phải là cháu bé gặp nạn trong bức ảnh “Một thoáng huy hoàng” đó sao? “May quá! Chúng tôi đang muốn đi tìm cha con ông đây!”. Tổng biên tập sung sướng nắm chặt tay hai cha con, nôn nóng hỏi: “Mau nói cho tôi biết, người cứu cháu hôm ấy là ai? Hiện tại thế nào?”. Vừa nghe câu hỏi, mặt người cha bỗng ỉu xìu, thất vọng, vì ông không biết người ân nhân ở đâu, đoán chừng tòa soạn là nơi thu thập, có thể biết được thông tin, nên mới tìm đến. Song có điều, ông còn nhớ, người cứu con ông hôm ấy là một chàng trai trẻ, khi ông đón được con gái lên, thì một cơn sóng lớn tràn tới, không còn nhìn thấy người ấy đâu nữa. Đặng Phong hỏi: “Hình dáng của anh ta thế nào?”.

Người cha trả lời:“Lúc bấy giờ tôi chưa kịp nhìn kỹ, chỉ nhớ là người ấy cao to, tuấn tú”. Lúc bái tạ ra về, người cha còn dặn đi dặn lại Đặng Phong: Tòa soạn nhất định phải giúp ông tìm được người ân nhân ấy.

Tiễn hai cha con người khách về, Đặng Phong bắt tay ngay vào việc, một mặt ông phái Hứa Lượng về vùng lũ Long Sơn dò hỏi. Mặt khác, trên trang báo số ra hằng ngày, ông cho mở một chuyên mục, với tựa đề “Anh hùng! Bạn ở đâu?”.

Sau khi chuyên mục được phát hành trên báo, mỗi ngày đều có rất nhiều điện thoại gọi đến tòa soạn, nhưng chẳng có một tin tức nào đề cập đến những điều mà ông đang tìm kiếm. Về phía Hứa Lượng thì đã chẳng còn hy vọng nữa, cậu ta nói: Đã đi khắp cả vùng núi Long Sơn, đã hỏi tất cả những người dân nơi ấy, nhưng không có kết quả.

Một tháng qua đi, sự việc vẫn không hề tiến triển, thậm chí Đặng Phong đã dự cảm đến việc chẳng lành: Có thể người anh hùng ấy đã bị dòng thác lũ dìm chết! Đang lúc đau đầu, thì một người bạn của ông tên là Lý Minh bước vào phòng, vừa trông thấy Đặng Phong, Lý Minh đã giơ ngón tay cái lên nói: “Anh em không thể không bội phục ông, thủ đoạn của ông thật là cao siêu!”.

Thấy vẻ mặt của Đặng Phong thất vọng, chán nản, ông liền “điểm huyệt”: “Gần đây, số lượng báo của tòa soạn tăng lên gấp nhiều lần phải không?”. Đặng Phong gật đầu: “Đúng vậy, từ khi có chuyên mục “Anh hùng! Bạn ở đâu?”, quả thật báo tăng lên vài chục phần trăm, nhưng Đặng Phong không hiểu, sao Lý Minh nói “thủ đoạn” là nghĩa thế nào. “Đến lúc này rồi mà ông không thừa nhận, chắc là tôi sẽ phải vạch ra để ông thấy”.

Lý Minh ghé sát vào tai Đặng Phong, giọng cằn nhằn nói: “Tôi hỏi ông, vì cớ gì mà ông che đậy sự thật về người anh hùng, chẳng phải để ông mượn cái cớ ấy mà lặp đi lặp lại sao?”.  Đặng Phong ngớ người ra, thấy Lý Minh hé lộ những thông tin mà ông đang tìm kiếm, ông vội vàng hỏi: “Ông Lý! Ông đừng giấu tôi nữa, nhiệt tình của nhân dân thành phố rất cao, áp lực lên tôi rất lớn, khiến tôi mệt mỏi, rã rời, mau nói đi, đến nơi nào để mời người anh hùng trở lại, trình diện trước công chúng.

Nghe câu nói ấy, Lý Minh tỏ ra thất vọng nói: “Giả tiếp tục giả, đối với bạn bè mà không dám nói thật. Nói cho ông biết, sự kiện ấy chỉ có thể lừa dối được người khác, nhưng không lừa được tôi đâu”. Nói đoạn, ông rút từ trong túi áo ra một tấm ảnh. Nguyên do là, nhà ông mở một cửa hiệu chụp ảnh nhỏ ở trong phố, chỉ ít người biết. Gần đây, Hứa Lượng có đến cửa hàng để in rửa một tập hợp mã số ảnh, sau này, ông thấy bức ảnh “Một thoáng huy hoàng” in trên báo Bắc Hải, thấy quen quen, ông vội mở tập ảnh ra xem lại, nên đã phát hiện được bí mật này.

Tổng biên tập cầm bức ảnh lên xem, mặt ông ngây ra: Tấm ảnh ông đang cầm so với tấm “Một thoáng huy hoàng” có thể nói là chị em, vì nó được bấm máy chỉ sau trước vài giây, nội dung cơ bản là giống nhau, điều khác nhau ở chỗ là: Gương mặt người anh hùng hiện rõ trên mặt nước, mà người đó chính là Thạch Thành

Đến lúc này Đặng Phong mới hiểu, vì sao Thạch Thành mất máy ảnh, tay trắng trở về tòa soạn. Còn Hứa Lượng, cậu ta biết người đã dũng cảm quên mình để cứu người là Thạch Thành, nhưng vẫn cố che đậy, lý do thật đơn giản, vì họ là hai đối thủ, Hứa Lượng không muốn vòng hào quang anh hùng, được khoác lên Thạch Thành, vì nó sẽ tạo thành thế uy hiếp... Ý định vị kỷ ấy, khiến cậu ta đã đánh mất lương tri. Đặng Phong thấy chua xót trong lòng!

Sáng sớm ngày hôm sau, chân dung người anh hùng đã được công bố trên tờ nhật báo Bắc Hải. Chẳng đợi tòa soạn phải thông báo, Hứa Lượng lặng lẽ ra đi. Mấy ngày sau, trên tờ nhật báo Bắc Hải còn có thêm một dòng quảng cáo, nội dung là: Thạch Thành  mời bạn trở về ngay tòa soạn.

Truyện ngắn: Lưu Lệ Hoa

Nguyễn Hữu Lượng dịch

Theo bán nguyệt san “Cố sự hội” quyển hạ, số ra tháng 7-2013 của Hội Văn nghệ Thượng Hải

;
.
.
.
.
.