.

Công nghệ sinh học: Tốn kém nhưng hấp dẫn nhà đầu tư

Công nghiệp công nghệ sinh học trước mắt chưa hẳn đã có lợi nhuận nhưng các nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục đổ hàng tỷ đô la nghiên cứu các loại thuốc công nghệ gen nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách việc sản xuất thuốc của các hãng dược phẩm lớn.

Theo báo cáo gần đây của tổ chức Ernst & Young, tính đến hết năm 2007, tổng đầu tư cho các hãng công nghệ sinh học trên toàn thế giới đã lên đến 30 tỷ đô la, trong đó có 5,5 tỷ đô la đầu tư rủi ro vào thị trường kinh doanh công nghệ sinh học tại Mỹ.

Hoạt động tài chính toàn cầu đã nâng giá trị ngành công nghiệp này lên một mức cao mới, tăng 2 tỷ đô la so với năm 2006. Tất nhiên là không thể so với năm 2000 - năm được gọi là năm bong bóng gen và nó đã nổ tựa như bong bóng dot - com.

Thay vì đà suy giảm gần đây, Công nghệ sinh học hiện vẫn hút các nhà đầu tư. Lý do chính là các hãng dược phẩm đang ở thời kỳ hết hạn bản quyền hàng loạt loại thuốc và họ phải tìm đến các loại thuốc công nghệ sinh học để có bản quyền mới. Các nhà đầu tư đã nhìn thấy mối lợi to lớn nếu thuốc công nghệ sinh học được sản xuất thành công.

Các nhà đầu tư biết được khẩu vị của những khách mua tiềm năng là những hãng dược khổng lồ, họ sẵn sàng trả giá rất hậu hĩnh cho những công nghệ này.

Glen Giovannetti - người đứng đầu phòng thí nghiệm công nghệ sinh học toàn cầu của Ernst & Young cho rằng: Mối quan tâm to lớn của các hãng dược phẩm trong việc sở hữu ngay những phát minh gen học mới nhất chính là lý do giải thích tại sao các hãng công nghệ sinh học dường như không bị chấn thương bởi sự xuống dốc của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Và trong khi thị trường chứng khoán ảm đạm thì các nhà đầu tư tư nhân có tầm nhìn xa thường thích mở hầu bao cho những công nghệ đột phá sắp tới.

Các nhà phân tích khác cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân bảo đảm cho thị trường chăm sóc sức khỏe không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế suy giảm hiện tại, trong đó phải kể đến tình trạng dân số đang già đi, thuốc men không đủ đáp ứng và ngày càng nhiều những căn bệnh mạn tính. Thời kinh tế khó khăn người ta có thể không mua xe hơi, không sắm màn hình lớn, nhưng người ta vẫn phải mua thuốc chữa trị ung thư cho người thân đang lâm trọng bệnh. Việc gia tăng số loại thuốc được nhượng quyền sản xuất cũng đem lại lợi ích cho ngành công nghệ sinh học nhờ gia tăng số ca chữa trị bằng kỹ thuật gen vốn rất đắt tiền trước đây.

Thế nhưng cho đến lúc này- lúc có hàng ngàn dự án đang vào cuộc đua tranh tìm ra các phát minh đột phá thế hệ mới, ngành công nghệ sinh học vẫn trong tình trạng chi nhiều hơn thu. Năm 2007, các hãng của ngành này đã chi mất 2,7 tỷ đô la, ít hơn so với mức chi trung bình 7,4 tỷ đô la/năm của giai đoạn hơn 20 năm vừa qua, trong khi tổng thu nhập chỉ được 80 tỷ đô la.

Kể từ khi nổi lên như là ngành công nghiệp vượt trội ở Silicon Valley 30 năm trước, tính chung các hãng công nghệ sinh học đã lỗ hàng chục tỷ đô la cho dù cũng có vài hãng công nghệ sinh học dẫn đầu có lợi nhuận lớn như South San Francisco-based Genentech Inc. và Amgen Inc. of Thousand Oaks.

Ngay cả đối với hai hãng lớn này, với vốn tổng cộng gần 120 tỷ đô la, năm 2007 cũng là năm xấu do lợi nhuận đã rơi xuống ngưỡng giới hạn. Với South San Francisco-based Genentech Inc., tốc độ bán thuốc chống ung thư, được điều chế theo công nghệ gen hiện đại nhất, hiện đang rất chậm vì thị trường dường như đang bị bão hòa. Còn Amgen Inc thì đang báo động về ngưỡng an toàn thu nhập khi thuốc chống thiếu máu rất nổi tiếng của họ hiện bán không chạy.

Trong khi đó, ở một chi khác của ngành công nghệ sinh học, tiền đầu tư vào phát triển nhiên liệu sinh học cũng giảm đáng kể so với trước đây. Thay cho những đồn thổi ồn ào về việc đưa ethanol, diesel sinh học và các loại năng lượng chuyển đổi từ thực vật thành nguồn năng lượng chính, thì số vốn đầu tư mạo hiểm vào công nghệ này đã xuống dưới ba trăm triệu đô la trong năm 2007 (năm 2006 là trên năm trăm triệu đô la).

Chưa hết, người ta còn dự báo rằng ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học mới nổi này sẽ không có nổi vài chục triệu đô la đầu tư hàng năm trong thời gian tới trừ khi cơn bão giá dầu thực sự xảy ra, hay chiến tranh Trung đông xảy ra, hay các lời kêu gọi chống biến đổi khí hậu có tác dụng.

Thế mới biết làm công nghệ cao tốn kém biết nhường nào.Tuy vậy, các biến động đầu tư hai năm 2006, 2007 vừa rồi chưa thể cho phép suy đoán khuynh hướng của thị trường. Công nghệ sinh học nói chung và công nghệ nhiên liệu sinh học nói riêng vẫn còn nhiều điều hấp dẫn các nhà đầu tư.

HOÀNG QUANG TUYẾN (nguồn AP)

;
.
.
.
.
.