.

Google, bậc thầy trong kỷ nguyên Internet

.

Bill Gates - người vừa nói lời từ giã công việc toàn thời gian tại Microsoft tháng trước – có thể được xem là nhà kinh tế ứng dụng hàng đầu trong nửa cuối thế kỷ 20.

Gates và Microsoft đã có công lớn trong việc định hình cách suy nghĩ của mọi người về hành vi của các thị trường hiện đại mà tại đó, công nghệ đóng vai trò trung tâm. Dưới sự lãnh đạo của Gates, Microsoft đã thách thức và thay đổi những suy nghĩ mang tính quy ước về cạnh tranh, chiến lược kinh doanh và luật chống độc quyền.

Nhưng trong những năm đầu thế kỷ 21, Google lại là công ty đang xoay chuyển suy nghĩ của mọi người về những khái niệm trên.

Hal Varian, giám đốc kinh tế của Google.
Với những thành công đã đạt được, Microsoft là bậc thầy về “hiệu ứng mạng”, tạo ra những ứng dụng với những nguồn lợi khổng lồ mà không một công ty nào trước đó đạt được. Microsoft thu hút khách hàng và những người phát triển phần mềm sử dụng công nghệ của mình thông qua những tính năng gần gũi, thiết yếu tại các máy tính cá nhân. Các hệ thống điều hành của Microsoft như DOS và Windows trở nên thông dụng với hàng triệu người trên thế giới.

Nhưng Internet đã thay đổi những quy luật của sự cạnh tranh trên mạng hệ thống, một phần cũng bởi các tiêu chuẩn phần mềm của Internet mở hơn những ứng dụng của công nghiệp máy tính cá nhân. Điều đó giải thích tại sao Microsoft luôn đấu tranh để bắt kịp Google trong thị trường mới giàu tiềm năng với mảng lợi nhuận khổng lồ thu từ quảng cáo và tìm kiếm thông tin. Theo một số nhà kinh tế học, chính sự lớn mạnh và phát triển “hoành tráng” của Google đã làm thay đổi một số “vũ khí” cạnh tranh dù động lực của thị trường này vẫn nguyên vẹn.

Hiện tại Google đang là ông chủ mới trỗi dậy trong kỷ nguyên Internet như Microsoft đã từng làm được trong kỷ nguyên máy tính cá nhân. Nghiên cứu về kinh doanh mạng, cạnh tranh thị trường và luật chống độc quyền được xem xét trong một bối cảnh mới do Google định hình. Những giải thích của Google về việc chiếm được thị phần lớn (hơn 60%) trên thị trường Internet rất đơn giản, chỉ là chăm chỉ cải thiện để cho ra những kết quả tìm kiếm tương thích cao nhất cho người dùng và tạo được những hiệu quả cho hệ thống quảng cáo.

Theo Hal R. Varian - giám đốc kinh tế của Google, “nguồn lợi thế cạnh tranh của Google chính là học thông qua việc làm”. Trong thị trường Internet, người sử dụng có thể dễ dàng tìm đến một công cụ tìm kiếm mới chỉ đơn giản bằng một cú click chuột hoặc gõ vào địa chỉ mới. Hoàn toàn không có một công nghệ nào có thể kiểm soát được. Đối với những nhà quảng cáo và xuất bản cũng vậy, họ dễ dàng tìm đến những đối thủ khác như Yahoo, Microsoft... Chính vì vậy, các nhà kinh tế và phân tích của Google xác định cần tạo ra những lợi thế mạng vượt qua được những trở ngại mà các đối thủ cũng đang gặp phải. “Những hiệu ứng mạng” mà Google cung cấp cho khách hàng khiến họ khó có thể từ bỏ dịch vụ của công ty.

Google đang có những bước đi vững chãi và phù hợp với xu thế hiện tại.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý Google có những lợi thế nổi trội và thân thiện với người sử dụng. Sức mạnh thị trường của Google thường được ví von “sức mạnh ảnh hưởng” mà các nhà ngoại giao hay dùng trong việc tạo lập các mối quan hệ. Theo nhà khoa học chính trị Joseph S. Nye Jr, Google có sức mạnh đến từ sự tự nguyện hơn là sự ép buộc của người sử dụng, khách hàng.

Sức mạnh của Google đã tạo nên những ảnh hưởng mới trong việc xem xét lại luật chống độc quyền. Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét lại kế hoạch hợp tác của Google với công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm lớn thứ 2 - Yahoo - trong ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến. Đối với Google, đây đơn giản chỉ là việc hợp tác để tạo ra những tiện ích mới cho người sử dụng Internet trong khi các đối thủ của họ lại lo lắng rằng điều này sẽ làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường tiềm năng này.

Mỹ đưa ra quy định một công ty chiếm giữ 70% thị phần hoặc hơn được coi là độc quyền trong khi đó tại châu Mỹ, Google nắm giữ 60% thị trường tìm kiếm. Nhiều người cho rằng, Google là nguy cơ tạo nên độc quyền trên thị trường Internet nhưng đến lúc này đây, công ty này vẫn chưa có những biểu hiện xấu nào liên quan đến điều này như chưa có chính sách tăng giá, cản trở các cải tiến công nghệ và loại trừ đối thủ cạnh tranh. Điều này khiến các nhà làm luật phải cân nhắc lại những quy định đã đưa ra.

Google tiếp tục phát triển nhưng Google dường như đã học được nhiều bài học từ Microsoft, đặc biệt là về sự độc quyền nên họ có những bước đi vững chãi và phù hợp với xu thế hiện tại.

Lê Phương (Theo The New York Times)

;
.
.
.
.
.