.

Tiết kiệm xăng khi đi xe máy

.

(ĐNĐT) - Giá xăng 19.000 đồng/lít hiện nay đang làm không ít người tiêu dùng lo lắng, nhất là người làm công ăn lương, khi mức chi tiêu hàng tháng cho nhu cầu đi lại tăng lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kỹ thuật, người đi xe máy có thể tiết kiệm được xăng khi họ biết cách chấp nhận thay đổi vài thói quen của mình.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, người đã giành nhiều năm nghiên cứu mô hình cháy trong môi trường xăng, cho biết thông qua việc điều tiết cân đối lượng xăng và khí đốt phun vào buồng đốt động cơ xe máy, người ta điều chỉnh được lượng hao hụt nhiên liệu tương ứng tốc độ di chuyển mong muốn. Nguyên lý này có ở mọi động cơ xe máy hiện nay, và bất kỳ người thợ sửa xe chuyên nghiệp nào cũng can thiệp được. Do đó, nếu đồng ý cân chỉnh lại đúng tỷ lệ khí xăng ấy, những người đi xe máy hiện nay sẽ giảm thiểu được một lượng đáng kể mức hao hụt xăng hàng ngày.

Nhân viên kỹ thuật các trạm bảo hành, sửa chữa xe máy đều có thể dễ dàng điều chỉnh lại chế độ tiết kiệm xăng cho xe máy.

Giáo sư Ga nhấn mạnh: “Trên thực tế, đa số người đi xe máy ở Việt Nam ta chưa ý thức tốt về hành vi điều khiển xe máy của mình, có lúc đi với tốc độ quá cao, có lúc lại rất thấp. Do đó, phần lớn cơ sở sửa chữa, bảo hành kỹ thuật xe máy đều chỉnh lượng tay ga và khí xăng ở mức cao, đảm bảo cho sự biến đổi bất thường ấy. Hậu quả là ở nhiều người, khi lái xe ở mức độ trung bình (30 – 40 km/h), lượng khí xăng phun vào buồng đốt vẫn ở mức cao (đáp ứng tốc độ 60 – 70 km/h). Lượng xăng dư thừa suốt quá trình ấy nếu tính theo hàng tháng, hàng năm, thật sự không phải nhỏ”.

Do đó, trả lời câu hỏi “làm sao chạy xe tiết kiệm xăng hơn”, Giáo sư Ga đề nghị người tiêu dùng nên mang xe máy của mình đến các trạm bảo hành, sửa xe để nhờ chỉnh lại mức hao hụt nhiên liệu. Đơn cử, với những người là giáo viên, công chức, người cao tuổi…, tốc độ di chuyển lái xe bình quân dưới 40 km/h, hãy đề nghị thợ sửa xe chỉnh lại mức tay ga phù hợp. Dĩ nhiên, khi đã ở mức điều tiết này, khi cần tăng tốc độ cao hơn 50 km/h, người tiêu dùng sẽ phải nhờ thợ can thiệp lại. Nếu có thể nắm bắt kỹ thuật chỉnh tay ga, dây ga, người tiêu dùng có thể tự làm. Quan trọng ở chỗ người tiêu dùng cần xác định thật đúng nhu cầu tốc độ của mình để điều chỉnh cho chính xác, và phải tập thói quen thao tác, đi lại trong tốc độ đó.

Chia sẻ ý kiến này, anh Trọng Tự, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Bảo hành ủy thác Honda Công ty TNHH Tiến Thu, khẳng định, việc điều tiết mức hao xăng qua chế độ chỉnh tay ga ở các xe máy không khó khăn. Việc này các nhân viên kỹ thuật thường chỉ làm khi có khách yêu cầu, vì sau khi điều chỉnh, việc chạy xe quá tốc độ đã đặt và việc điều khiển xe không ổn định sẽ làm trục trặc máy móc. Nhưng có thể nói, với đa số người tiêu dùng tại Đà Nẵng hiện nay, thói quen di chuyển với tốc độ trung bình là phổ biến, và khi thực hiện điều chỉnh lại hành vi đi xe máy đủ tốc độ ổn định, hàng tháng mỗi người sẽ tiết kiệm được một lượng xăng đáng kể .

Anh Tự còn lưu ý thêm, với các xe máy điều chỉnh tiết kiệm xăng, vào đầu mỗi buổi sáng sẽ có hiện tượng hụt xăng khi khởi động. Điều này xuất phát từ thói quen xấu ở nhiều người, khi ngồi lên xe là đề máy chạy ngay, không để động cơ có khoảng thời gian làm nóng buồng đốt và điều chỉnh lượng khí xăng. Để khắc phục hiện tương này, trước khi chạy xe, người điều khiển hãy kéo cần hỗ trợ điều tiết thường ở bên tay lái trái, cho xe nổ êm khoảng 1 phút mới vào số. Thời gian khởi động như thế lâu hơn, nhưng động cơ sẽ hoạt động tốt hơn và quan trọng là mức hao xăng khi khởi động sẽ giảm.

Cũng theo Trung tâm Bảo hành Xe máy Tiến Thu, việc điều chỉnh xăng này có thể thực hiện ở cả các xe máy chạy số và hầu hết xe tay ga. Chỉ có một số xe tay ga có bộ phận chỉnh xăng tự động lập trình là không thể áp dụng. Cho nên, người tiêu dùng nên xem lại hiện trạng kỹ thuật của xe mình để quyết định điều chỉnh tiết kiệm xăng cho xe. Còn lại, người tiêu dùng không nên tin vào bất kỳ loại quảng cáo, thông tin nào cho rằng có các loại phụ gia, thiết bị hỗ trợ tiết kiệm xăng.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.