.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG, ĐẢNG ỦY ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

Khoa học - công nghệ đã góp phần tích cực và quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng

.

Chiều ngày 12-8, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học-công nghệ (KHCN) trên địa bàn thành phố.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy; Nông Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại buổi làm việc.


Theo báo cáo, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực như: Phát triển tiềm lực; tạo lập và phát triển thị trường; xây dựng các chế độ chính sách đối với cán bộ; đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý hoạt động; triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm…trên lĩnh vực KHCN.

Theo đó, thành phố hiện có nguồn nhân lực trình độ trên đại học khoảng 1.700 người với 222 tiến sĩ; xây dựng 180 phòng thí nghiệm; xây dựng một số tổ chức mới như: Trung tâm Công nghệ sinh học; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế thành phố; triển khai thực hiện 185 đề tài, dự án cấp thành phố và đã nghiệm thu 161 đề tài; đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ cao…Qua đó, KHCN đã góp phần tích cực và quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh việc quán triệt và nhận thức chưa đầy đủ những quan điểm về KHCN, thì hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên địa bàn thành phố thiếu tính toàn diện và hệ thống; việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống còn khó khăn. Đặc biệt, nguồn lực cho hoạt động KHCN và cho quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn hạn chế; số cán bộ tuy đông nhưng không có các nhà khoa học đầu ngành và sự thiếu hụt xảy ra ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Đầu tư tài chính cho KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới…

Cùng với việc đề ra những giải pháp phát triển KHCN, lãnh đạo thành phố đã có những đề xuất, kiến nghị mang tính đột phá để thúc đẩy KHCN phát triển mạnh hơn. Đó là: Trung ương cần cụ thể hóa các chủ trương phát triển KHCN thành những chính sách có tính bứt phá về đầu tư; đào tạo, thu hút và khuyến khích khởi nghiệp đối với người tài; chế độ ưu đãi cho cán bộ làm KHCN…Bộ KH&CN cần xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đầu tư trực tiếp kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các dự án phát triển tiềm lực KHCN ở các địa phương. Liên bộ KH&CN và Tài chính sớm ban hành thông tư liên tịch về phân bổ nguồn vốn ngân sách để đầu tư đúng cho KHCN, cho phép khoán sản phẩm trong nghiên cứu khoa học…

Đồng chí Nguyễn Bắc Son ghi nhận những bước phát triển về KHCN của Đà Nẵng trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) cũng như những vấn đề liên quan trên lĩnh vực này; đồng thời cho rằng, những bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất từ thực tiễn hoạt động KHCN ở Đà Nẵng sẽ góp phần tích cực đưa việc thực hiện Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ hơn.

Trước đó, trong buổi sáng 12-8, Đoàn công tác đã làm việc với Đảng ủy Đại học Đà Nẵng. Theo báo cáo của Đảng ủy Đại học Đà Nẵng, trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), Đại học Đà Nẵng đã thành lập 8 nhóm nghiên cứu làm hạt nhân triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng ở các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất tự động, động cơ và ô-tô, chuyển giao công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông, vật liệu mới-công nghệ nano plasma, điện-điện tử, khoa học xây dựng và kế toán tài chính, đầu tư xây dựng các Trung tâm nghiên cứu có trang thiết bị hiện đại như: Phòng thí nghiệm động cơ và ô-tô, Trung tâm nghiên cứu thiết bị áp lực và năng lượng mới, phòng thí nghiệm cơ-nhiệt điện lạnh, phòng thí nghiệm điện tử-viễn thông, phòng thí nghiệm điện kỹ thuật, và hiện nay đang triển khai 3 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho Trung tâm nghiên cứu điện-điện tử, phòng thí nghiệm hợp chất thiên nhiên và Trung tâm dân số và lao động.

Tính đến thời điểm hiện nay, Đại học Đà Nẵng đã thực hiện hơn 1.200 đề tài khoa học-công nghệ các cấp; trong đó, 15 đề tài cấp Nhà nước, 440 đề tài cấp Bộ và 750 đề tài cấp cơ sở... tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu: Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghệ sau thu hoạch, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, khoa học xây dựng và hạ tầng kỹ thuật... Bên cạnh đó, hằng năm, có hàng trăm cán bộ, giảng viên Đại học Đà Nẵng được cử ra nước ngoài học tập, nghiên cứu ở các lĩnh vực khoa học-công nghệ. Đại học Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 trở thành Đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.

Thay mặt Đoàn, đồng chí Nguyễn Bắc Son đánh giá cao những kết quả hoạt động giảng dạy Đại học Đà Nẵng đạt được trong những năm qua trên lĩnh vực khoa học-công nghệ, góp phần thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII). Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý, Đại học Đà Nẵng cần đẩy mạnh việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, nhằm góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.

Tin và ảnh: N.THÀNH - NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.