.

Còn những nghiên cứu bỏ... ngăn kéo

.

Câu chuyện nghiên cứu khoa học của nhà khoa học Phan Đình Phương có lẽ ở Đà Nẵng ai cũng biết. Nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị trong thực tiễn, nhưng vẫn “đắp chăn” do ông không đủ kinh phí để tiếp tục triển khai. Trong khi đó, mỗi năm hàng tỷ đồng đã được chi ra để hỗ trợ các tác giả có công trình nghiên cứu, nhưng chưa thể ứng dụng do cần nguồn vốn lớn để triển khai hoặc không phù hợp với thực tế xã hội.

Mất cơ hội trên sân nhà

GS.TS Bùi Văn Ga  bên cạnh bộ chuyển đổi nhiên liệu khí gas hóa lỏng.


Mới đây, GS.TS Bùi Văn Ga và nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã ký hợp đồng bán 130 sản phẩm bộ chuyển đổi nhiên liệu từ xăng sang khí gas hóa lỏng dùng cho động cơ xe máy cho một nước châu Mỹ là Costa Rica; và gửi mẫu thí nghiệm này cho 2 nước khác là Philippines và Thái Lan, hai nước có số lượng người sử dụng xe gắn máy khá lớn trong khu vực Đông Nam Á. Còn tại Đà Nẵng, đến nay đã hơn 10 năm sản phẩm này được đưa vào sử dụng, nhưng người dân vẫn chưa  mặn mà do cả thành phố chỉ có một địa điểm duy nhất cung cấp khí gas. Chỉ có khoảng 200 xe taxi chạy trên địa bàn thành phố dùng song song hai bộ nhiên liệu xăng và gas.

Trong khi thế giới đã chuyển sang sử dụng gas hoặc một loại khí thiên nhiên nào đó cho động cơ xe, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, thì người dân Việt Nam vẫn “trung thành” với nguồn năng lượng truyền thống là xăng dầu. Dù giá xăng gần đây đã tăng cao nhất từ trước đến nay, nhưng mức giá này vẫn còn thấp hơn so với các nước khác; còn giá gas đã tuân theo giá thị trường, nên người tiêu dùng cảm thấy dùng xăng vẫn có lợi hơn dùng gas. Nhưng trong thực tế, nếu dùng cho động cơ thì gas vẫn rẻ hơn xăng rất nhiều.
 
Thử làm một phép tính, với một quãng đường dài 150km cần 2 lít xăng thì số lượng gas cũng tương ứng là 2kg, trong khi giá 1kg gas là 11.000 đồng thì giá xăng đã cao hơn rất nhiều. Theo GS Bùi Văn Ga thì gas chỉ có một mức giá nên người tiêu dùng chưa thấy lợi lắm nếu sử dụng làm năng lượng động cơ, nếu giá xăng dầu thả nổi theo giá thế giới thì gas sẽ được quan tâm. Nhưng để có các trạm cung cấp nhiên liệu thì đây là vấn đề của cả nước chứ không chỉ một địa phương. Nhà nước phải có chính sách đa dạng hóa năng lượng gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, khi đó một công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao là dùng gas hóa lỏng cho động cơ xe máy mới thực sự có ý nghĩa.

Hạn chế những công trình nghiên cứu... bỏ ngăn kéo

Hiện nay, mỗi năm số tiền thành phố đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ vào khoảng 2% tổng chi ngân sách, trong đó đầu tư cho các công trình nghiên cứu vào khoảng 4 - 5 tỷ đồng/năm. Số tiền này chi cho 15 công trình nghiên cứu khác nhau. Trước năm 2005, mỗi năm số công trình được phê duyệt từ 15-20, nhưng sau đó rút xuống còn 15 công trình. Mức độ chất lượng của mỗi nghiên cứu để đầu tư được tính đến sát sao hơn.

Những công trình được đánh giá khá cao thời gian gần đây như: Nghiên cứu thuốc cai nghiện, đề tài của các doanh nghiệp dệt-may, biến đổi tâm lý xã hội của cư dân trong 10 năm chia tách tỉnh, hay nghiên cứu về vấn đề bạo lực gia đình... Theo ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, thì những đề tài nghiên cứu về khoa học công nghệ “trội” hơn lĩnh vực xã hội-nhân văn, do chuyên gia về khoa học nhân văn ít hơn và khó tổng kết các đường lối, chủ trương mới nên ít người nghiên cứu.
 
Và những đề tài phục vụ đổi mới công nghệ, thương mại hóa công nghệ còn ít. Cũng theo ông Huỳnh Phước thì trong số 15 công trình nghiên cứu mỗi năm, chỉ có 75 - 80% đề tài có thể đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, như công trình cần số vốn quá lớn so với khả năng đầu tư của ngân sách. Nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều đề tài gọi là nghiên cứu nhưng giống như là báo cáo tổng hợp thực tiễn, sau đó rút ra kết luận...

Mỗi đề tài nghiên cứu được duyệt cấp kinh phí đều dựa trên các tiêu chí: Tính mới, tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế (có thể áp dụng trong thực tiễn). Với những lĩnh vực khác nhau thì hiệu quả kinh tế còn dựa trên các nguyên tắc như: Công trình nghiên cứu về khoa học công nghệ thì cần tiết kiệm năng lượng, giúp ích cho người lao động, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh; lĩnh vực nghiên cứu thuộc xã hội-nhân văn thì ảnh hưởng của công trình nghiên cứu như thế nào đối với xã hội...  

Nếu thực hiện được nhữ­ng tiêu chí đó thì kinh phí đầu tư cho mỗi công trình mới cấp đúng người, đúng việc, đem lại hiệu quả. Còn những đề tài dù được phê duyệt, nhưng vẫn “đắp chăn”, là câu chuyện của nhiều địa phương, chứ không chỉ riêng Đà Nẵng. Vấn đề còn lại là hội đồng thẩm định đề tài nghiên cứu khoa học cần nhiều người giỏi hơn, người am hiểu lĩnh vực chuyên môn hơn khi nghiệm thu đề tài, cấp kinh phí.

Theo GS.TS Bùi Văn Ga, với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay, cần những đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng ngay để tập trung đầu tư, phát triển. Phải phân tách được đề tài đó mang tính ứng dụng cho tương lai hay thực tiễn, để tập trung đầu tư. Với Đà Nẵng, số lượng các nhà nghiên cứu khoa học khá đông nhưng chưa thể hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu, do đó cần có một Viện nghiên cứu ứng dụng để tập hợp lực lượng, lúc đó nguồn lực mới tập trung cả về nguồn vốn lẫn con người,  bảo đảm ngân sách được đầu tư đúng cho nhiệm vụ khoa học công nghệ.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.