.

Hãy cho họ một điểm tựa

.

Giữa muôn vàn điều bình thường diễn ra trong cuộc sống thường ngày, họ đã biết cách nhìn ra sự việc và nảy sinh từ đó những ý tưởng. Và điều quan trọng hơn, họ đã thực hiện những ý tưởng ấy bằng nỗ lực tự thân, xứng đáng để xã hội tôn vinh là những “nhà khoa học nông dân”, những “nhà khoa học chân đất”.

Cô Huỳnh Thị Thọ hướng dẫn các cháu sử dụng thiết bị do mình sáng chế.

Một trong những người như thế là anh Đàm Văn Vĩnh, chủ doanh nghiệp tư nhân Nhất Vinh ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Sau một thời gian bôn ba với nhiều nghề, năm 1996, anh thử sản xuất xích đu cho gia đình và trường học, được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Bước đầu khả quan này là cú hích giúp anh tự tin để đi đến thành công trong đề tài nghiên cứu “Thiết kế, chế tạo đu quay tự chơi”.

“Chuyên gia đu quay”

Một lần đến công viên, thấy một số cháu bé ngồi chơi trên đu quay thì một số khác phải đứng dưới đất dùng tay quay đu, anh Vĩnh tự nhủ: “Có cách nào để cho các cháu đứa nào cũng chơi được cả, không phải chia nhóm quay đu không nhỉ?”. Từng là giáo viên dạy toán (một thời làm nghề tháo các loại máy móc phế liệu), nên từ câu hỏi thường trực đó, anh dần hình dung ra nguyên lý hoạt động cho cái “máy” mà anh sẽ gọi là “đu quay tự chơi”.

Năm 1998, anh bắt đầu thể nghiệm chiếc đu quay đầu tiên có đường kính 1,4 m. Khác với đu quay bình thường, đu quay tự chơi của anh có một “vô-lăng” như tay lái ô-tô đặt cố định ở giữa. Trẻ con sau khi ngồi yên vị trên ghế có hình các con thú, đưa tay lắc nhẹ “vô-lăng” là đu sẽ tự quay ngay. Ở các loại đu có đường kính từ 2 m trở lên, anh thiết kế thêm vòng tạo lực bên ngoài đặt cố định dưới đất để đu vận hành được nhẹ nhàng hơn.

Khi sản phẩm mới lạ của anh ra đời, rất nhiều trường mầm non, tiểu học ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đặt hàng vì nó đạt các yêu cầu: Chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành hạ, và nhất là không dùng điện - vừa an toàn cho trẻ, vừa thích hợp cho các trường vùng sâu, vùng xa.

Nhờ điểm tựa cố định ở giữa, chiếc đu quay tự chơi đã mang lại niềm vui cho các cháu Trường mầm non Dạ Lan Hương.

Năm 2000, qua động viên và giới thiệu của ông Trần Đình Liễn (lúc đó là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng), anh đã mang đề tài “Thiết kế, chế tạo đu quay tự chơi” dự thi và đoạt Giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ VI (2000-2001), được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo. Gần đây nhất, tại Hội chợ TechMart 2007 tổ chức ở Đà Nẵng, anh được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen.

Hiện nay, ngoài văn phòng và điểm trưng bày sản phẩm ở 435 Trần Cao Vân, anh còn một xưởng sản xuất ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Tại đây, đã có hơn 100 loại đồ chơi trẻ em được sản xuất, trong đó đặc biệt là đu quay nhiều tầng đa chức năng - sản phẩm đã làm anh “chết tên” là “Chuyên gia đu quay”.

Cần một điểm tựa

Năm 2002, thầy Lê Phương Văn (Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Nẵng) nằm trong danh sách các giáo viên đi học Tin học để đạt chuẩn. Học về, thầy thấy máy vi tính cũng chỉ như chiếc máy đánh chữ “quý tộc” thôi chứ chẳng có gì khác. Vợ thầy kinh doanh hàng mỹ phẩm, hỏi thầy có cách gì đó tính toán các con số cho nhanh bằng máy vi tính không? Nghe vậy, thầy mày mò đi học chương trình Excel.

Năm đó, 2003, nhân lúc Bộ GD-ĐT thay đổi cách đánh giá học sinh, thầy nghiên cứu đưa cách đánh giá này vào phần mềm “Cộng điểm và xếp loại học sinh” của mình. Sau khi được giới thiệu trên Tạp chí e-Chip, phần mềm viết bằng Excel của thầy đã được một số trang web ngành giáo dục đăng tải và nhận phản hồi tốt từ những người sử dụng. Năm rồi, phần mềm độc đáo này đã đoạt Giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ IX (2006-2007).

Anh Đàm Văn Vĩnh tên gọi thân mật là “Vĩnh đu quay” - người có nhiều sáng tạo kỹ thuật được ứng dụng trong đời sống.

Trong lĩnh vực giáo dục, còn có nhiều giải pháp đoạt giải mà tác giả là các cô giáo mầm non, vì mong muốn cho trẻ được nâng cao trí dục và thể dục nên đã nghiên cứu đưa ra những giải pháp “học mà chơi - chơi mà học” đầy hứng thú. Có thể kể ra: “Bộ lắp ghép rèn luyện thể chất trẻ mầm non” (Huỳnh Thị Thọ, Trường mầm non 20-10), “Bé du lịch vòng quanh các nước Đông Nam Á” (Vương Thị Nguyệt, Trường mầm non tư thục Hồng Nhung), “Gường ngủ đa năng” (Nguyễn Thị Hồng Ba, Trường mầm non Tuổi Thơ)...

Qua các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật 10 năm qua, toàn thành phố có 16 giải pháp đoạt giải toàn quốc và 95 giải pháp đoạt giải thành phố Đà Nẵng, trong đó có 15 giải pháp (2 toàn quốc và 13 thành phố) có tác giả và nhóm tác giả là dân “tay ngang” như thế. Họ không được đào tạo chuyên ngành để sáng tạo kỹ thuật, mọi việc đến với họ hầu hết là do cơ may có được một điểm tựa. Anh Vĩnh dựa vào điểm tựa cố định để tạo chuyển động cho đu quay. Thầy Văn dựa vào sự thực dụng mà sáng tạo nên phần mềm. Các cô giáo thì dựa vào tấm lòng đối với con trẻ mà tìm tòi giải pháp.

Hơn 2.200 năm trước, nhà triết học người Hy Lạp Archimedes đã nói một câu bất hủ: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả Trái đất”. Việc khen thưởng các “nhà khoa học nông dân” hôm nay chỉ mới là cú hích ban đầu nhằm tôn vinh những đóng góp của họ đối với xã hội. Điều mà họ cần là “một điểm tựa” từ các cơ quan chức năng để họ có thể “nâng bổng” giải pháp của mình vào cuộc sống và tiếp tục có những phát kiến ích nước lợi nhà.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.