.
LÔ HÀNG THÉP PHẾ LIỆU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN THÉP THÀNH LỢI

Cần xét lại khâu phối hợp xử lý

Sau khi báo chí thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng công bố buộc phải tái xuất lô hàng 18 container thép phế liệu nhập khẩu của Công ty Cổ phần Thép Thành Lợi (gọi tắt C.ty Thành Lợi), ngay lập tức, phía C.ty Thành Lợi đã có công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị xét lại các chứng cứ dẫn đến quyết định trên.

Kiến nghị của DN nêu rõ: “Việc yêu cầu giám định lô hàng xuất phát từ nghi ngờ có chất thải nguy hại” do Hải quan đưa ra, song lý do Sở TN-MT thông tin buộc DN phải tái xuất là “do tỷ lệ tạp chất trong lô hàng”. “Như vậy, giữa cách đặt vấn đề ban đầu và cơ sở kết luận của cơ quan quản lý đã không có sự thống nhất”. Nếu cơ quan quản lý kết luận chỉ cần dựa vào đánh giá cảm quan tạp chất, thì có cần thiết phải cho giám định kỹ thuật về chất độc hại hay không, làm cho sự việc kéo dài? DN cần được hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến sự thiếu thống nhất trên.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng, và được ông Thọ cho biết đến nay, Cục Hải quan Đà Nẵng vẫn chưa nhận được văn bản nào từ Sở TN-MT về biên bản nội dung và kết luận của các cơ quan chức năng tại cuộc họp đánh giá nội dung giám định lô hàng diễn ra vào sáng ngày 9-8-2008. Vì vậy, ông Thọ chưa thể trả lời hay nhận xét chính xác về những thông tin mà Sở TN-MT đã công bố với báo chí trong cuộc họp báo vừa qua.

Điều quan trọng ở đây, là dù tổ chức giám định, đánh giá gì chăng nữa, thì kết quả những công việc các bên đang làm là để giúp Hải quan có được thông tin chính xác nhất về chất lượng lô hàng, để đi đến kết luận xử lý cho DN. Giữa Hải quan và DN đã có biên bản làm việc, trong đó Hải quan nghi ngờ lô hàng thép phế liệu 434 tấn của C.ty Thành Lợi có dấu hiệu nguy hại về môi trường, buộc DN phải chứng minh.

Hai bên đã thống nhất trưng cầu giám định kỹ thuật đánh giá tỷ lệ các tạp chất nguy hại, các chất độc hại trong lô hàng. Nếu cơ quan chuyên môn tổ chức giám định theo quy trình khoa học, mang lại kết quả cho thấy lô hàng đủ điều kiện môi trường thì Hải quan giải quyết thủ tục thông quan, nếu không sẽ yêu cầu DN tái xuất. Để sự giám định bảo đảm tính trung thực, chính xác, Hải quan Đà Nẵng đề nghị Sở TN-MT và Cảnh sát môi trường Đà Nẵng phối hợp theo dõi cơ quan tổ chức giám định.

Như vậy, Sở TN-MT trong vụ việc này giữ vai trò theo dõi công tác giám định của cơ quan giám định, phát hiện sai sót, buộc giám định lại, để cơ quan Hải quan nhận được kết luận giám định khoa học chính xác nhất làm cơ sở giải quyết với DN.

Dĩ nhiên, về trách nhiệm quản lý môi trường, Sở TN-MT có quyền hạn thông tin nhận định của mình về chất lượng hàng hóa, dự báo các nguy cơ nếu có, để Hải quan có thêm cơ sở đánh giá tờ khai nhập khẩu của DN, đi đến kết luận làm thủ tục thông quan hay tái xuất. Vai trò kết luận cuối cùng của vụ việc là thuộc chuyên môn và trách nhiệm ngành Hải quan, kể cả khả năng đề nghị với Sở TN-MT và chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt DN nếu xét thấy có hành vi nhập khẩu hàng hóa gây nguy hại đến môi trường.

Tuy nhiên, trong việc này, Sở TN-MT đã có những công bố thông tin trước khi có văn bản đề nghị Hải quan và nhất là chưa có cả văn bản kết luận của các cơ quan liên quan về kết quả giám định do Vinacontrol Đà Nẵng thực hiện. Hơn nữa, theo ông Vũ Ngọc Khoa, Giám đốc Vinacontrol Đà Nẵng, tiến hành giám định của Vinacontrol theo yêu cầu từ Sở TN-MT là giám định toàn bộ chất lượng lô hàng, và 2 bên chưa có hợp đồng cụ thể do tiến độ quá gấp của sự việc. Vậy, một câu hỏi được đặt ra: Sở TN-MT có yêu cầu cơ quan giám định lô hàng này (Vinacontrol Đà Nẵng) theo đúng nội dung kiến nghị trưng cầu giám định đã thống nhất giữa Hải quan và DN hay không, để làm cơ sở cho Hải quan kết luận sự việc?

Phải chăng ở đây đã có sự chồng chéo, khúc mắc trong khâu phối hợp xử lý, trách nhiệm, quyền hạn các cơ quan chức năng khi cùng xử lý sự việc? Rất mong UBND thành phố Đà Nẵng có ý kiến chỉ đạo, giải quyết những khúc mắc này, sớm có quyết định chính thức về vụ việc.
              
THỤY BẤT NHI - PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.