.

Sử dụng năng lượng mặt trời ở Bình Kỳ

.

Chính thức được triển khai từ mùa hè năm 2007, đến nay dự án “Nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời tại các vùng nông thôn, miền núi” thật sự “bén rễ” tại khối phố Bình Kỳ, phường Hòa Quý.

Bếp NLMT parabol và hình hộp được bà con ở Bình Kỳ tham dự Ngày hội nấu ăn bằng bếp NLMT.
Chị Phạm Thị Di, cán bộ phụ nữ liên chi 7, 8, 9 và 10 của Bình Kỳ, đồng thời là cộng tác viên dự án nhớ lại: “Mới đầu nghe Ban Quản lý dự án thông báo, quả thật chúng tôi không hình dung nổi làm sao dùng ánh sáng mặt trời để có thể nấu nướng thay gas hoặc củi, nhưng rồi qua lớp tập huấn nghe hay hay. Chính vì thế mà tôi cùng một số người trong khối phố quyết định nộp vô 180 ngàn đồng để sở hữu một chiếc bếp năng lượng mặt trời (NLMT) hình parabol”.

Và đến nay, đúng một năm sử dụng bếp NLMT, theo chị Di là rất hữu ích, nhất là đối với vùng ngoại ô còn nghèo như Bình Kỳ: “Trước đây khi chưa có bếp NLMT, cứ 2 tháng, gia đình tôi sử dụng hết một bình gas loại 12kg. Còn nay hơn 4 tháng mới hết một bình. Ngoài ra, nhờ dùng bếp NLMT này mà mỗi ngày còn tiết kiệm thêm 8 ngàn đồng tiền mua củi để nấu thức ăn. Tính ra mỗi tháng nhờ cái bếp NLMT này mà gia đình tôi tiết kiệm gần 400 ngàn đồng”.

Không tiết kiệm được nhiều như gia đình chị Di, nhưng theo bà Phạm Thị Liên ở tổ 10 của Bình Kỳ, nhờ bếp NLMT này mà mỗi tháng, gia đình bà cũng tiết kiệm được khoảng 200 ngàn đồng. Theo bà Liên, điều làm những người sử dụng loại bếp này thích nhất là sử dụng nước đun sôi thoải mái, thậm chí nước tắm hằng ngày cũng nấu ấm mới dùng. Theo nhiều bà con sử dụng bếp NLMT thời gian qua, việc ra đời loại bếp này đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì là vùng ngoại ô lại trồng khá nhiều dương liễu, nên lâu nay người dân ở đây quen sử dụng nguồn củi này để nấu, làm cho diện tích dương liễu giảm nhanh chóng, đến mùa nắng nóng cát bay đầy trời...

Theo Ban Quản lý dự án cho biết, đến nay đã có hai đợt tặng bếp NLMT cho người dân ở phường Hòa Quý (chủ yếu tại khối phố Bình Kỳ) với tổng số 25 bếp parabol và 45 bếp hộp. Qua kiểm tra, 100% bếp được người dân sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đã 2 lần tổ chức Ngày hội nấu ăn bằng bếp NLMT, thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân. Qua thăm dò của Ban Quản lý dự án, ngoài người dân Bình Kỳ, còn có nhiều người ở phường Hòa Quý đều mong muốn được trang bị bếp NLMT.
 

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dương Hùng, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án cho biết, kết quả bước đầu rất tốt và đây là cơ sở để Ban Quản lý dự án tiếp tục hỗ trợ bếp NLMT, trước mắt là cho bà con ở Bình Kỳ, nhằm đưa Bình Kỳ trở thành “khối phố năng lượng mặt trời”. Vấn đề còn lại là kinh phí. Về mặt kỹ thuật, có thể nói cả bếp parabol lẫn bếp hộp đang được triển khai tại đây đều trải qua quá trình nghiên cứu hết sức nghiêm túc, trên cơ sở triển khai kế thừa 5 đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện trong suốt những năm qua.

Vì thế, về mặt kỹ thuật là bảo đảm, điều này cũng thể hiện qua nhiệt độ đo được khi bếp hoạt động lên xấp xỉ 140 độ. Đây là nhiệt độ cho phép thực hiện tất cả các món ăn, từ nấu cơm đến chiên xào các món khác... Với thiết kế ưu việt của bếp NLMT, vào mùa đông nhiệt độ thấp không thể nấu được nước sôi thì cũng đun được nước ấm để dùng trong gia đình rất tiện lợi.

Đến nay, có thể nói dự án “Nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời tại các vùng nông thôn, miền núi” đã thành công tốt đẹp. Điều này mở ra hướng sử dụng năng lượng mặt trời tại các vùng ngoại ô thành phố theo hướng thân thiện với môi trường và tiết giảm chi phí...
 
Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.