Một buổi dã ngoại ngắm sao của DAAC. |
Trong những năm qua, Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam (VAS) là cánh chim đầu đàn và đã góp công rất lớn trong sự phát triển của nền Thiên văn học Việt Nam. Đã có nhiều nhà khoa học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như: Giáo sư Nguyễn Quang Riệu (Đài Thiên văn Meudon Paris - Pháp), GS Trịnh Xuân Thuận (Đại học Virginia - Mỹ), nhà thiên văn học nữ, trẻ tuổi Jane Lưu (Mỹ) có công phát hiện ra vành đai Kuiper bên ngoài Thái dương hệ… Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia khác trên thế giới, thì nền thiên văn học Việt Nam vẫn còn rất nghèo nàn, lạc hậu. Cho đến nay, các hoạt động của VAS chỉ dừng lại ở việc phổ biến kiến thức về thiên văn học, tổ chức hội thảo, hợp tác cử người đi du học ở nước ngoài, xây dựng một số cơ sở vật chất cho các nghiên cứu nghiệp dư và vẫn chưa có thành tựu nào nổi bật. “Tài sản” có giá trị của nền Thiên văn học Việt Nam là: Một kính Thiên văn phản xạ lớn nhất Đông Dương (40,64cm) đặt tại ĐH Sư phạm Hà Nội, Nhà chiếu hình vũ trụ ở Vinh, Kính thiên văn phản xạ tự chế tạo (23,5 cm) tại TP.Hồ Chí Minh… Th.S Trương Thành - thành viên của VAS, hiện đang giảng dạy môn Vật lý Thiên văn tại Đại học Đà Nẵng giải thích: “Là một ngành khoa học mà “tiêu tốn” lớn hơn rất nhiều so với phát triển kinh tế (rất khó thu lợi nhuận), có thể xem đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nền thiên văn Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung còn kém phát triển”.
Th.S Trương Thành cho biết thêm: Lực lượng thiên văn ở Đà Nẵng hiện rất mỏng so với TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, cơ sở vật chất cũng chưa có gì. Thành viên của VAS tại Đà Nẵng có 3 người; hằng quý, hằng tháng, ngoài việc tham gia các hoạt động, sinh hoạt của VAS, đã tổ chức một số hoạt động phổ biến thiên văn đến với mọi người, nhất là với giới trẻ. “Nhiều năm trước, Đà Nẵng cũng có kế hoạch xin hỗ trợ từ nước ngoài một kính thiên văn đặt tại Bà Nà để vừa phổ biến kiến thức thiên văn, vừa quan sát thiên văn phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, vừa thu hút
khách tham quan đến tìm hiểu, nhưng…” - Th.S Thành buồn rầu.
Tại Đà Nẵng, CLB Thiên văn Trường Đại học Bách khoa Đà
Nẵng-PAC (Polytechnic Astronomy Club) thành lập vào ngày 21-10-2007, với 81 thành viên, chủ yếu là sinh viên Trường Đại học Bách khoa. Hơn 8 tháng qua, PAC đã đưa thiên văn đến với nhiều người ở Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Số lượng thành viên thường xuyên của PAC hiện đã có 150 người, đa số là SV của nhiều trường ở Đà Nẵng. Thông qua diễn đàn Svdanang.com, CLB đã cập nhật các tin tức mới; cung cấp các tài liệu, kiến thức về thiên văn; thảo luận về các chủ đề do các thành viên đặt ra và giải đáp các thắc mắc về thiên văn. Box của CLB trên diễn đàn đã cập nhật hơn 650 đề tài với hơn 4.500 bài viết; đã hoàn thành biên dịch từ điển Thiên văn Anh - Anh - Việt, biên dịch và viết tài liệu về Mặt trăng, Hố đen... Hiện CLB đang phổ biến kỹ thuật làm kính thiên văn khúc xạ cho các thành viên và chế tạo kính thiên văn phản xạ (Nhóm kỹ thuật); phổ biến kỹ năng quan sát bầu trời (Nhóm quan sát); dịch một số tài liệu thiên văn khác (Nhóm kiến thức)… CLB đã đầu tư mua 2 kính thiên văn phản xạ và tự làm các kính thiên văn khúc xạ; làm đèn trời, chế tạo tên lửa nước; tổ chức thực hành quan sát thiên văn, dã ngoại ngắm sao, quan sát các hiện tượng vật lý tự nhiên, thực nghiệm đo bán kính của Trái Đất.
Ngoài ra, còn có CLB Thiên văn học trẻ Đà Nẵng - DAAC (Danang Astronomical Amateur Club) được thành lập vào ngày 11-8-2007, với khoảng 15 học sinh THPT yêu thích thiên văn. Tuy còn nhỏ tuổi và bận rộn với bài vở, lịch học ở trường, học thêm dày đặc nhưng các em vẫn dành thời gian để hằng tháng tổ chức các cuộc họp thiên văn và các buổi ngắm sao, quan sát bầu trời. CLB đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới với Vũ trụ”, chế tạo kính thiên văn.
Vừa qua, PAC và Khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng phối hợp tổ chức buổi tọa đàm thiên văn “Vũ trụ trong mắt ta” đã thu hút sự quan tâm của rất đông bạn trẻ và dư luận. Đây là một tín hiệu vui để có nhiều hơn bạn trẻ đến với thiên văn, góp sức xây dựng thiên văn Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung, đưa ngành Thiên văn của Việt Nam có “tên tuổi”.
NAM TRÂN