Những ngày vừa qua, dư luận có nhiều thông tin về vụ nhập lô hàng sắt thép phế liệu có lẫn “rác bẩn” của Công ty Cổ phần thép Thành Lợi vào cảng Đà Nẵng và các biện pháp xử lý của UBND thành phố Đà Nẵng. Về vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng UBND thành phố, người phát ngôn chính thức của UBND thành phố cho biết như sau:
Nội dung tóm tắt sự việc :
Ngày 11-7-2008, Công ty Cổ phần Thép Thành Lợi (gọi tắt là Công ty Thành Lợi) đến làm thủ tục nhập khẩu lô hàng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng khu vực II. Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, Chi nhánh giám định Vinacontrol đã phân tích mẫu với kết quả một số chất nguy hại có thể lẫn trong tạp chất của lô hàng như sau:
TT |
Chỉ tiêu phân tích |
Đơn vị tính |
Kết quả phân tích |
Tỷ lệ |
Giới hạn nguy hại theo TCVN 6706:2000 |
1 |
As |
mg/kg tạp chất |
4,822 |
0,0004822 |
> 0,1% |
2 |
Hg |
mg/kg tạp chất |
6,795 |
0,0006795 |
> 0,2 % |
3 |
Se |
mg/kg tạp chất |
9,573 |
0,0009573 |
> 0,1 % |
Như vậy theo kết quả phân tích của Vinacontrol, lượng chất thải nguy hại lẫn trong tạp chất của lô hàng không vượt quá giới hạn nguy hại cho môi trường.
Ngày 11-8, Công ty Thành Lợi có công văn số 101/CV-TLS kiến nghị UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét vì cho rằng lượng tạp chất có trong lô hàng chiếm từ 4,35% đến 6,78% (theo kết luận giám định của Vinacontrol) chỉ là tạp chất chứ không hoàn toàn là chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 18-8-2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan và đại diện Công ty Thành Lợi bàn việc xử lý đối với lô hàng sắt thép phế liệu nêu trên. Sau cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh có kết luận (theo công văn số 2639/VP-QLĐTh ngày 20-8-2008 của Văn phòng UBND thành phố) với nội dung: Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần thép Thành Lợi với hình thức phạt tiền và biện pháp khắc phục là buộc tiêu hủy lô hàng. Kinh phí tiêu hủy lô hàng sắt thép phế liệu nhập khẩu do Công ty Thành Lợi chi trả.
Để đảm bảo việc tiêu hủy lô hàng thực hiện nghiêm túc, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã yêu cầu thành lập Hội đồng giám sát tiêu hủy và có phương án tiêu hủy cụ thể đối với lô hàng này.
Việc xử lý đối với lô hàng sắt thép phế liệu nêu trên của UBND thành phố là dựa vào tình hình thực tế cũng như các qui định của pháp luật. Cụ thể là:
Xác định rõ lô hàng sắt thép phế liệu nhập khẩu khối lượng 434,10 tấn, lượng tạp chất chiếm 5% khối lượng lô hàng nhưng lượng chất thải nguy hại chứa trong tạp chất ấy không vượt quá ngưỡng cho phép gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó khối lượng sắt thép phế liệu chiếm 95% có thể được sử dụng trong các nhà máy luyện thép để tạo ra sản phẩm là phôi thép có giá trị sử dụng.
Theo điều 21 Pháp lệnh Xử xử lý vi phạm hành chính qui định “buộc tiêu hủy đối với vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người”. Theo qui định tại điều 16, Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 09-8-2006 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trường hợp vi phạm các qui định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu, phế liệu thì bị phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc tái xuất hoặc tiêu hủy máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu, phế liệu không đạt tiêu chuẩn môi trường”.
Thực tế, trước đây (vào khoảng tháng 1-2008) đã có một số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu phế liệu sắt thép vào nước ta tại Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh cũng với tình trạng tương tự. Tại các văn bản số 319/BTNMT-BVMT ngày 28-1-2008 và 840/BTNMT-BVMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thừa nhận một thực tế là việc tái xuất đối với các lô hàng sắt thép phế liệu vi phạm không thể thực hiện được do các nước xuất khẩu không đồng ý nhận lại các lô hàng thép phế liệu có lẫn chất thải nguy hại. Trong khi đó việc tiêu hủy thép phế liệu trong các nhà máy luyện thép tạo ra được sản phẩm là phôi thép có giá trị sử dụng. Trước tình hình này, Bộ Công thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất phương án xử lý tình thế và đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý (tại công văn số 2043/VPCP-KTTH ngày 31-3-2008 của Văn phòng Chính phủ) là cho thông quan và xử lý các lô hàng thép phế liệu vi phạm trong lò điện hồ quang luyện thép của các nhà máy sản xuất thép có đầy đủ các thiết bị xử lý môi trường (thực chất là cho vào lò luyện để luyện thép).
Việc tái xuất toàn bộ lô hàng thì rất khó khăn, thời gian xử lý kéo dài không chỉ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp nhập khẩu mà còn các đơn vị liên quan như cảng, hải quan…
Việc tiêu hủy đối với lô hàng nhưng thực chất là việc loại bỏ các thành phần nguy hại cho môi trường có trong lô hàng. Theo điều 171 của Bộ Luật Dân sự thì quyền sở hữu của tài sản bị chấm dứt khi tài sản đó bị tiêu hủy. Trong trường hợp này phần bị tiêu hủy chính là các tạp chất và chất nguy hại đã bị loại bỏ.
Trên đây là ý kiến chính thức của UBND thành phố Đà Nẵng về việc xử lý lô hàng sắt thép nhập khẩu của Công ty Thành Lợi.
Theo Website thành phố Đà Nẵng