.
BẢN QUYỀN PHẦN MỀM:

Bài 1: Chấp nhận xài lậu hay chịu chi phí cao

.

(ĐNĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã diễn ra nhiều hội thảo về bản quyền phần mềm, kêu gọi người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm hơn đến quyền sở hữu trí tuệ. Song, các hoạt động đó vẫn chưa giải đáp được một đòi hỏi bức xúc đã lâu: Làm sao các doanh nghiệp giảm chi phí bản quyền để chấp nhận tuân thủ luật.

"Không dùng bản lậu mới lạ"

Chấp hành luật và trả chi phí bản quyền phần mềm đang là vấn đề của nhiều người ứng dụng CNTT hiện nay.

Tại một tọa đàm về bản quyền phần mềm mới đây, khi có diễn giả đưa câu hỏi “các doanh nghiệp (DN) có quan tâm bản quyền không”, lập tức một doanh nhân đáp: “Có quan tâm, nhưng sợ không đủ tiền”. Mọi người có mặt đều cười ồ, song cũng đồng thời bày tỏ sự đồng tình với nỗi bức xúc này. Bởi, với các DN, khi sử dụng công nghệ thông tin (CNTT)  gần như đơn vị nào cũng rất băn khoăn với câu hỏi liệu có thể giảm thiểu chi phí đầu tư vào bản quyền hay không?

Theo số liệu do Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) công bố, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có hơn 8.100 DN, sở hữu khoảng 33.700 máy tính. Như vậy, chỉ riêng phí bản quyền Windows, các DN đã phải chi ra khoảng 66.000 USD cho mỗi lần nâng cấp hệ điều hành. Nếu cộng thêm các phần mềm chuyên dụng như Office, AutoCAD, Photoshop, các phần mềm quản trị hệ thống, bảo mật mạng, chống virus, tối thiểu mỗi DN phải chi đến 400 USD bản quyền phần mềm cho mỗi máy tính.

Con số đầu tư này, theo nhiều đơn vị phân phối phần mềm, chỉ ở mức trung bình trong khu vực. Nhưng xét với môi trường CNTT lâu nay ở Việt Nam, việc bỏ ra vài trăm USD để sở hữu những sản phẩm như thế thì... “cần xem lại”. Một giám đốc DN tin học phân trần: “Bản thân tôi nắm rất rõ đòi hỏi về bản quyền, tham gia phân phối phần mềm mà vẫn đang dùng bản hack bẻ khóa đây. Một bên tốn cả mấy trăm USD cho một máy, một bên chỉ cần chạy ra phố mua cái đĩa cài đặt 10.000 đồng cho tất cả các máy, người ta không dùng bản lậu mới là lạ”.

Ông Bảo Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm Đông Nam Á (Winsoft), nhìn nhận, tình trạng sao chép lậu các phần mềm máy tính đã “ăn sâu” vào thói quen tiêu dùng của người ứng dụng CNTT tại Việt Nam. Phần lớn người dùng máy tính xưa nay chưa hề phải chịu thêm chi phí mua bản quyền trong bảng giá phải trả khi mua máy tính. Do đó, không ngạc nhiên khi qua điều tra, Sở TT-TT thành phố công bố chỉ mới có 28% DN tại Đà Nẵng có quan tâm về trách nhiệm bản quyền phần mềm. Cho nên, vấn đề nằm ở chỗ phải làm sao thay đổi tình hình bằng cách khơi gợi ý thức dùng bản quyền hợp pháp một cách tự nguyện trong cộng đồng.

Chấp hành bản quyền: Khó khăn

Nhiều người tiêu dùng chưa hề có thói quen cộng thêm chi phí bản quyền phần mềm trong bảng giá tiền mua máy tính.
Điểm khó khăn ở đây, là các nhà sản xuất, từ đại diện Microsoft tại Việt Nam cho đến các tên tuổi trong nước, đều chưa có chính sách thương thảo hướng về người tiêu dùng theo nghĩa “giảm giá”. Các đơn vị phân phối phần mềm chính thức như của Microsoft hiện nay đều phải chấp nhận các chính sách bảng giá trong nước bằng với khu vực, với lý do chính sách bán hàng và dịch vụ hỗ trợ trực tuyến đều thuộc về của hãng.

“Hệ quả là người dùng chỉ có một trong hai lựa chọn, hoặc xài lậu hoặc mua đắt. Điều này thật khó chấp nhận vì chúng ta đang cố kêu gọi về trách nhiệm sở hữu trí tuệ theo luật”, ông Phạm Chí Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm 2, Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm (Softech) Đà Nẵng bày tỏ như vậy. Theo ông, cần có một cách điều hòa tốt hơn quyền lợi và trách nhiệm người sử dụng phần mềm, bởi lẽ chưa hẳn mọi chính sách hỗ trợ, dịch vụ gia tăng mà các hãng phần mềm bên ngoài cung cấp đã nối kết được về Việt Nam. Cho nên, bắt buộc những người dùng phần mềm phải trả phí thêm cho các dịch vụ họ không được tiếp cận sẽ chỉ dẫn đến một lựa chọn trái ngược: các DN chấp nhận “nhắm mắt” dùng các bản sao chép phi pháp.

Thậm chí với nhiều người tiêu dùng, ý thức bản quyền còn bị hiểu nhầm là “sự phiền toái”. Nhiều DN bán máy tính cho biết rất băn khoăn khi đa số khách hàng hiện nay khi mua máy tính có tích hợp các bản quyền Windows Vista do hãng sản xuất tặng, lại khăng khăng yêu cầu xóa đi để cài vào các bản WinXP bẻ khóa, với lý do chưa quen với giao diện bản Windows mới nên sợ gặp trục trặc.

Với một số phần mềm trong nước cũng như vậy. Theo anh Nghĩa, mới đây Softech Đà Nẵng đã công bố bản Softech Office cho người Việt Nam, có thể thay thế các bản Microsoft Office bẻ khóa mà đa phần người ta đang dùng. Dù là sản phẩm tặng không, nhiều DN vẫn chưa hưởng ứng bởi tâm lý không quen và không muốn thay đổi. Việc nâng cấp các phiên bản phần mềm thương mại như tự điển Lạc Việt, bộ gõ Vietkey… cũng rất trục trặc bởi hoặc người dùng không chịu trả phí hoặc đã đương nhiên sử dụng phiên bản có sẵn. Với không ít người, việc trả tiền bản quyền để sử dụng nó mới là không cần thiết, khi mọi phần mềm bất hợp pháp đều đang dễ tìm thấy trên thị trường hiện nay.

Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.