.
BẢN QUYỀN PHẦN MỀM:

Bài 2: Đi tìm giải pháp khả thi

.

(ĐNĐT) - Theo các DN, để  tuân thủ vấn đề bản quyền, hiện nay cách duy nhất  chỉ có thể là làm sao đưa ra được các giải pháp hợp lý và chi phí rẻ hơn. Qua nhiều ý kiến trao đổi, chúng tôi thấy 2 hướng có thể thực thi. 

        >>> Bài 1: Chấp nhận xài lậu hay chịu chi phí cao

Lời giải với license chung

Cấp chứng nhận bản quyền dùng chung sẽ giúp giảm chi phí bản quyền trên mỗi máy tính ở DN.

Ông Trương Phước Ánh, Tổng Thư ký Hội Tin học Đà Nẵng, cho rằng cách khả dĩ dung hòa quyền lợi nhà sản xuất lẫn người sử dụng phần mềm, là cấp chứng nhận bản quyền (license) dùng chung. Đây là cách làm đã áp dụng từ lâu tại nhiều DN và tập đoàn phần mềm lớn. Từ cuối năm 2006, đã có một số ký kết phân phối bản quyền dạng này được Microsoft triển khai tại Việt Nam, thông qua thỏa thuận với Chính phủ, các tập đoàn CNTT lớn như FPT, một số DN như Vietnam Airlines, Mobifone…

Theo cách này, phía cung cấp phần mềm phát hành các bản chứng thực cho phép dùng một mã license trên nhiều máy tính trong gói dùng chung. Phía sử dụng phải có thống kê cụ thể số lượng máy tính sẽ dùng và phát triển, cam kết tuân thủ sử dụng đúng số lượng với các nhóm máy tính công cụ đã đăng ký, cũng như các yêu cầu liên quan về luật bản quyền.

Tuy nhiên, theo các nhà phân phối, cách làm này đang vấp phải sự e dè của nhà sản xuất, bởi họ không tin năng lực kiểm soát dữ liệu license dùng chung tại các tổ chức, DN. Các chứng nhận bản quyền dùng chung còn dễ dẫn đến sai sót về dịch vụ khách hàng, đặc biệt là hỗ trợ trực tuyến. Chi phí đầu tư phát hành các license dùng chung cao hơn trong khi các DN đều muốn lợi nhuận tốt hơn. Đây là lý do khiến hầu hết DN CNTT tại Đà Nẵng cho biết họ chưa hề có cơ hội nào theo diện này cả.

Đấu nối để tiết kiệm

Bên cạnh việc tìm bản quyền dùng chung, các DN hiện tại cũng có thể ứng dụng các giải pháp phần cứng để tích hợp nhiều người dùng chung máy tính, giảm chi phí mua sắm thiết bị lẫn bản quyền.

Theo ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Công kỹ nghệ IDE, các cấu hình máy tính hiện thời đều đã vượt rất xa những năm trước đây, đa số người dùng đang lãng phí vì không dùng hết tài nguyên máy cá nhân. Do đó, đã có nhiều nhà cung cấp giải pháp và thiết bị đưa ra nhiều gói sản phẩm tích hợp phần cứng, cho phép tận dụng tốt năng lực cấu hình máy tính cá nhân thành máy trạm dùng chung cho nhóm.

Đơn cử, một số gói thiết bị phần cứng đã có ở Đà Nẵng, sau khi cài đặt sẽ cho phép một CPU máy tính chia sẻ được thành nhiều tài khoản người dùng khác nhau với màn hình, phím, chuột và các cổng hỗ trợ ngoại vi riêng. Nhờ đó, khi sử dụng tính năng phân cấp tài khoản trong môi trường Windows, người ta sẽ chỉ cần một máy tính để bố trí cho cả một nhóm từ 5 – 7 người làm việc.

Ông Đặng Hồ Văn Thọ, Giám đốc Điều hành Công ty Công nghệ tin học Phương Tùng, cho biết, DN này đang hợp tác với một số đối tác cung cấp giải pháp và thiết bị dạng này cho các đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng. Trước mắt, giải pháp đã có  số đơn vị ứng dụng thu kết quả tốt, nhất là ở môi trường văn phòng hành chính, kế toán DN hoặc giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp phần cứng này là không thích hợp với các bộ phận làm việc độc lập, đòi hỏi phần mềm tác nghiệp cao như thiết kế đồ họa, xử lý lập trình… Việc dùng chung một máy tính cũng có thể rắc rối, khi máy tính bị sự cố sẽ ảnh hưởng chung cả nhóm.

Bên cạnh 2 giải pháp trên, người dùng máy tính còn có thể áp dụng nhiều biện pháp khác để tuân thủ luật bản quyền, như dùng phần mềm mã nguồn mở, các gói phần mềm thương mại được phát miễn phí. Một giải pháp khác đang được nhiều người quan tâm là tổ chức những dịch vụ phần mềm ứng dụng trên nền tương tác web trực tuyến, kể cả lưu trữ, xử lý công việc văn bản, giấy tờ, đồ họa cơ bản…

Song theo các DN, mọi gợi mở trên sẽ chỉ hiệu quả khi có sự chung tay cùng kêu gọi tuân thủ luật bản quyền giữa các nhà cung cấp thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm. Việc này với ngành công nghệ thế giới không lạ, khi nhiều hãng sản xuất máy tính đã bắt tay các tập đoàn phần mềm để đưa các phần mềm thương mại vào cài sẵn trong sản phẩm bán ra và tặng không cho người mua. Nhưng đến nay, tại Việt Nam, xu hướng này vẫn chưa được đề cao.

Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.