.

Châu Á dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển điện thoại di động

.

Ảnh minh họa
Hiệp hội viễn thông quốc tế (ITU) khẳng định châu Á sẽ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển điện thoại di động (ĐTDĐ) nhờ sự ổn định trong nhu cầu sử dụng ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Hamadoun Toure - Tổng thư ký ITU - cho biết tính đến nay toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 1,4 tỉ người dùng ĐTDĐ. Riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm tới 900 triệu thuê bao - tương đương với 1/4 tổng số thuê bao di động toàn cầu.

“Tính trung bình mỗi tháng Ấn Độ đón chào thêm ít nhất 9 triệu thuê bao di động mới. Ở Trung Quốc, con số này thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Chắc chắn tương lai tốc độ phát triển thuê bao sẽ còn được đẩy lên cao hơn nữa,” ông N.K. Goyal - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và viễn thông Ấn Độ - cho biết.

Và nếu tốc độ phát triển thuê bao vẫn được duy trì ở mức độ ổn định như trên thì chỉ trong khoảng hai năm nữa - ông Toure nhận định - số lượng thuê bao di động ở Châu Á sẽ chiếm tới hơn một nửa tổng số thuê bao di động toàn cầu. Hiện con số này đã đang đứng ở mức 42%.

Trên đây là những con số được công bố trong báo cáo mới nhất vừa được ITU công bố tại Triển lãm ITU Telecom Asia 2008 được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) tuần trước.

Nhanh mà lại chậm?

Châu Á không chỉ dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển thuê bao điện thoại di động mà còn cả về tốc độ phát triển Internet băng thông rộng. Song ITU cho rằng Châu Á vẫn còn kém khá xa Mỹ và Châu Âu về tỉ lệ người dân được sử dụng dịch vụ Internet băng thông rộng.

Con số thống kê của ITU cho thấy tính trung bình ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương chỉ có khoảng 3,6/100 người dân là được sử dụng Internet băng thông rộng.

Lấy ví dụ Ấn Độ là quốc gia có tốc độ phát triển thuê bao di động nhanh nhất thế giới. Hiện quốc gia này đã có khoảng 300 triệu thuê bao điện thoại di dộng. Tuy nhiên, số lượng người dân được sử dụng Internet băng thông rộng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này hiện mới chỉ dừng lại ở con số 11 triệu người.

Nhưng Châu Á - Thái Bình Dương cũng có những quốc gia nằm trong Top 10 nước có tỉ lệ người dân được sử dụng Internet băng thông rộng hàng đầu thế giới. Đó chính là Hàn Quốc và Singapore.

Ngoại trừ những trường hợp như thế này thì đại bộ phận các quốc gia khác ở khu vực hiện vẫn còn gặp khá nhiều hạn chế trong việc phát triển Internet băng thông rộng. Yếu tố đáng được đề cập đến ở đây nhất là giá thành dịch vụ Internet băng rộng ở một số nước Châu Á - Thái Bình Dương hiện vẫn còn khá cao trong khi đó mức sống người dân lại chưa được cao.

“Mặc dù Châu Á nổi tiếng là một khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển công nghệ thông tin và viễn thông nhưng hiện vẫn còn rất nhiều quốc gia trong khu vực gặp khó khăn trong việc đưa các dịch vụ có giá thành hợp lý tới tay từng người dân,” ông Toure cho biết.

Hiệp hội viễn thông quốc tế (ITU) đề xuất các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương nên thúc đẩy việc thực hiện các kế hoạch chiến lược phát triển Internet băng thông rộng – ví dụ thực hiện các kế hoạch chiến lược phủ sóng di động hoặc xây dựng các quỹ khuyến khích đầu tư …

Cùng lúc đó để góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ dữ liệu di động – nhằm góp phần đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng điện thoại thông minh (smartphone) hay máy tính xách tay tích hợp đa dịch vụ (embedded laptop) – các nhà mạng ở Châu Á cần phải tìm những hướng đi thích hợp thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ giá trị gia tăng.

Ông Wang Jianzhou – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành China Mobile – cho biết hãng của ông đã và đang bắt đầu tập trung vào việc phát triển các công nghệ không dây thế hệ kế tiếp như công nghệ Long-Term Evolution (LTE). Đây là một công nghệ mới có tốc độ kết nối rất cao có thể đáp ứng tốt các dịch vụ như chia sẻ video di động hoặc tải nhạc …

Theo VnMedia

;
.
.
.
.
.