.

Chọn mũ bảo hiểm an toàn tính mạng

.

Bắt đầu từ ngày 15-11-2008, theo quy định mới, những mũ bảo hiểm (MBH) cách điệu không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH cho người đi mô-tô, xe máy sẽ không được phép lưu hành trên thị trường. Mặc dầu vậy cho đến nay, nhiều người vẫn tiếp tục diện những chiếc mũ hết sức… điệu.

Chi cục QLTT Đà Nẵng tiêu hủy MBH kém chất lượng.

Đáp ứng nhu cầu làm đẹp của khách hàng, đặc biệt là giới nữ, các nhà sản xuất MBH liên tục tung ra nhiều mẫu mã mới, phù hợp với mọi giới. Ngoài những MBH trang trí thêm hoa văn cho đẹp mắt, một số loại được gắn thêm vành vải để che nắng mùa hè, nhưng không bảo đảm an toàn cho người sử dụng vì che khuất tầm nhìn.

Số người đội loại MBH cách điệu khá phổ biến trên các đường phố Đà Nẵng. Loại mũ này dễ tìm thấy ở hầu hết các cửa hàng ở ngã tư Hùng Vương-Ngô Gia Tự, Điện Biên Phủ… Chưa kể một số loại MBH tự chế. Một thời gian, giới trẻ thịnh hành mũ “thời chiến” được xem là hàng hiếm với giá cả không rẻ chút nào. Phần mũ có hàn thêm dây đeo có giá 150 nghìn đồng, nếu bọc thêm vải hoặc da phải trả thêm 50-100 nghìn đồng/mũ. Muốn khác hơn thì làm đường viền bằng nhựa hoặc i-nox với giá 25-50 nghìn đồng.

Trên thị trường có rất nhiều MBH cách điệu được bày bán chưa được công bố quy chuẩn song vẫn dán tem CS, tem ghi địa chỉ của nhà sản xuất như Tân Vạn Phước, Đức Huy, Hữu Trí, Thuận Nguyên và một số cơ sở không có địa chỉ rõ ràng, được rao bán từ 65-140 nghìn đồng/cái tùy loại bọc bằng vải hoặc da. Theo các chuyên gia thẩm định, những mũ MBH cách điệu nói trên chỉ làm điệu chứ không mang lại an toàn cho người sử dụng.

Nhằm ngăn chặn các loại mũ cách điệu bày bán tràn lan trên thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông báo cho các Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về các vi phạm của MBH cách điệu để siết chặt công tác quản lý, kiểm tra. Ông Nguyễn Viết Nguyên, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết: 

Trong đợt kiểm tra thị trường và kiểm định chất lượng MBH cách điệu trong tháng 8 vừa qua, đã có kết luận 3 cơ sở sản xuất đều không đạt về chỉ tiêu đâm xuyên là mũ của các cơ sở Đoàn Trường Thành (địa chỉ tại 52 Trần Quang Cơ, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh), cơ sở sản xuất Hùng Hậu, cơ sở Tân Lập (TP. Hồ Chí Minh). Những mũ được lấy mẫu kiểm tra chủ yếu là các loại có vành cứng, xòe, có gắn nơ và vành lưỡi trai.

Tuy nhiên thực tế, vấn đề kiểm tra, xử lý vi phạm không dễ dàng. Để kiểm soát khâu sản xuất, lưu thông của MBH cách điệu, cần có sự phối hợp của các ngành chức năng. Điều quan trọng nữa là cần ban hành quy chuẩn bắt buộc đối với nhà sản xuất và xử lý vi phạm đối với nhà sản xuất.
 
Bên cạnh đó, còn vướng mắc khi kiểm tra cơ sở kinh doanh bởi họ đưa ra bản kiểm định chất lượng ở phía Nam đạt tiêu chuẩn, nhưng kết quả kiểm định tại miền Trung lại khác!? Việc xử lý vi phạm thuộc về cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng hãy dùng MBH vừa đẹp vừa an toàn tính mạng cho mình.


 
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 2:

2008/BKHCN) về MBH cho người đi mô-tô, xe máy, bắt buộc đối với nhà sản xuất và kinh doanh MBH phải hội đủ các tiêu chuẩn như loại che cả đầu, tai và hàm; loại che cả đầu, tai và loại che nửa đầu.

Yêu cầu kỹ thuật đối với các loại mũ là không hại đến da và tóc của người sử dụng. Vỏ mũ và đệm hấp thụ xung động phải che chắn được phạm vi cần bảo vệ.

Bề ngoài vỏ mũ và các bộ phận lắp vào vỏ mũ phải nhẵn, không có vết nứt, gờ và các cạnh sắc, không được sử dụng các đinh tai, bu lông, đai ốc, khóa quai đeo có các gờ và cạnh nhọn sắt, đầu đinh tán bu lông không được cao 2 mm so với bề mặt ngoài của mũ.

 

Bài và ảnh: Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.