.

Tăng cường quản lý việc tạm nhập, tái xuất phế liệu

(ĐNĐT) - Để đảm bảo quản lý chặt chẽ phế liệu tạm nhập, tái xuất phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, Bộ Công thương vừa có công văn yêu cầu các thương nhân trước khi xin giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất phế phải đảm bảo hoặc thực hiện các quy định sau:

Trong trường hợp phế liệu đề nghị được tạm nhập, tái xuất có lẫn bất kỳ chất thải nguy hại nào nếu trong Danh mục chất thải nguy hại, phải tuân thủ theo Công ước Basel và tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26-12-2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại. Các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu phế liệu tạm nhập, tái xuất có lẫn chất thải nguy hại mà không thông báo với Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Công ước Basel và Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.

Đối với việc tạm nhập, tái xuất phế liệu không lẫn chất thải nguy hại, các tổ chức, cá nhân tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ; phải chịu trách nhiệm về việc loại phế liệu xin phép tạm nhập, tái xuất được phép nhập khẩu vào nước dự định tái xuất. Kể từ ngày 20-9-2008, thương nhân phải bổ sung Giấy phép nhập khẩu phế liệu (do nước nhập khẩu cấp cho thương nhân nước đó) vào hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất phế liệu đối với từng lô hàng. Riêng đối với việc tạm nhập, tái xuất phế liệu vào thị trường Trung Quốc, thương nhân phải đăng ký và được sự châp nhận của cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc.

Đ.N

;
.
.
.
.
.