.

Chuyển giao công nghệ nông dân cần

.

Những năm trước đây, mỗi khi tổ chức những lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho nông dân, Trung tâm Thông tin Khoa học và công nghệ vẫn thường đi theo lối mòn là tổ chức biên soạn tài liệu mà trung tâm cho rằng phù hợp với nông dân, sau đó mời họ về trung tâm để chuyển giao kỹ thuật. Lớp học tổ chức trong phòng có máy lạnh, cuối mỗi ngày học viên còn nhận tiền bồi dưỡng.

Thế nhưng, lớp tập huấn sau, học viên luôn ít hơn lớp trước. Qua tìm hiểu ở  những học viên ít ỏi còn “trụ” lại với những lớp tập huấn, họ cho biết cũng không ứng dụng gì được vào thực tế.

Trồng rau sạch ở Hòa Vang đã được nhiều nông dân thực hiện.
Ông Bùi Chính Cương, Giám đốc trung tâm này bộc bạch: “Theo tôi nghĩ, cách làm như thế thì nông dân thích lắm vì vừa được chuyển giao công nghệ hiện đại, vừa có tiền xăng xe. Thế nhưng chúng tôi đã nhận định sai, những yếu tố này thực tế không hấp dẫn nông dân, vì những kiến thức mình chuyển giao cho họ là không phù hợp. Rút ra được bài học kinh nghiệm này, 2 năm trở lại đây, trung tâm đã làm theo cách chuyển giao cái nông dân cần, chứ không chuyển giao cái trung tâm có. Giờ đây, những lớp tập huấn đã chuyển xuống tận các thôn, xã, thậm chí có những buổi thực tế ngay trên cánh đồng. Cách làm này đã mang lại kết quả rõ rệt”.

Một mặt, chuyển giao công nghệ theo tiêu chí “cái nông dân cần”, nhưng mặt khác, trung tâm cũng chọn lọc những công nghệ thân thiện bên cạnh các yếu tố như thổ nhưỡng đất đai để chuyển giao cho nông dân. Điển hình và gần đây nhất, trung tâm đã tổ chức chuyển giao công nghệ trồng rau mầm và rau an toàn cho nông dân xã Hòa Châu. Lớp tập huấn đã giúp người nông dân sử dụng đất sạch, nước sạch để trồng rau, tuyệt đối không dùng hóa chất độc hại. Dùng bã đậu nành, phân trùn, phân vi sinh để bón cho rau.

Với hội viên sinh vật cảnh của huyện Hòa Vang, trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật giâm và trồng một số loại hoa. Chính nhờ lớp học này mà những người trồng hoa nhiều kinh nghiệm lần đầu tiên biết cách sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng tự nhiên là những hormon. Điều khá thú vị là các chất này không ở đâu xa lạ, mà nằm ngay trong các bộ phận của cây và di chuyển từ bộ phần này sang bộ phận khác của cây. Các chất điều hòa sinh trưởng này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho trồng trọt như kích thích hạt nẩy mầm, ra rễ, nhanh ra hoa kết trái… Đặc biệt, trung tâm cũng đã chuyển giao quy trình nuôi và trồng nấm bào ngư năng suất cao cho nông dân. Giờ đây tại nhiều xã của Hòa Vang, nông dân đã biết cách trồng nấm bào ngư từ những vật dụng tưởng chừng như vứt đi như mạt cưa, mụn gỗ hay bã mía.

Tính thời vụ của nông nghiệp được trung tâm đáp ứng tốt bằng các chương trình tập huấn theo đề nghị của nông dân. Ví dụ, khoảng thời gian gần Tết năm 2007, trung tâm đã mở lớp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa mai. Theo anh Nguyễn Văn Tiến, một người trồng rất nhiều hoa mai ở xã Hòa Xuân cho biết, lâu nay, cái khó của người trồng mai là làm sao ép mai nở trúng dịp Tết cho dù thời tiết có thay đổi. Nhưng bây giờ điều đó đã được giải quyết một cách khoa học.

Với những người nông dân sống trong các vùng giải tỏa không còn diện tích canh tác, trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật trồng trên giá thể. Với đặc điểm không cần không gian nhiều, tưới ít nước và nhất là thời gian từ trồng đến thu hoạch không quá 15 ngày, đã được nhiều người ở quận Thanh Khê và Hải Châu trồng trên sân thượng, hoặc trong các mảnh sân nhỏ.

Do kinh phí eo hẹp nên hiện nay trung tâm không thể đáp ứng hết những yêu cầu cụ thể của nông dân. Tuy nhiên, trung tâm vẫn cố gắng duy trì mỗi tháng mở một lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Với hình thức ghép nhiều chương trình tập huấn vào một lớp, bên cạnh đưa tất cả thông tin lên website của trung tâm (kcmdanang.ogr.vn), để giúp nông dân tiếp cận thông tin kỹ thuật. Trong quá trình ứng dụng nếu gặp khó khăn, nông dân có thể trao đổi qua hộp thư điện tử với trung tâm (Icosted@dng.vnn.vn).

Bài và ảnh: THANH VÂN

 

;
.
.
.
.
.