Hình thức giao dịch hành chính công trực tuyến mặc dù thuận tiện, hữu ích nhưng đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố. Trong xu hướng xây dựng chính quyền điện tử, việc áp dụng hình thức này là yêu cầu tất yếu nhằm giảm các thủ tục hành chính phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong giải quyết công việc.
Chỉ 10% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ
Tờ rơi quảng bá dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến của Sở Kế hoạch và Đầu tư. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau 2 năm đưa vào thực hiện thì chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến này. Mặc dù số người truy cập vào trang web đăng ký kinh doanh trực truyến khá nhiều và các thủ tục thực hiện trên mạng rất đơn giản, nhưng chỉ có một số doanh nghiệp mạnh dạn sử dụng.
Nhiều người chưa thành thạo về công nghệ thông tin và vẫn còn tâm lý e ngại. Họ cho rằng đến tận nơi, giao tận tay cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì sẽ yên tâm hơn và có thể nhanh hơn, bảo đảm hơn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa tin tưởng vào độ bảo mật thông tin khi cung cấp trực tuyến trên Internet. Do vậy, họ vẫn chọn cách thông thường mà bấy lâu nay vẫn làm là đến Phòng Đăng ký kinh doanh, điền mẫu, nộp hồ sơ trực tiếp cho cán bộ. Bên cạnh trở ngại tâm lý, hiện tại, hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến chưa thực sự ổn định, một số nội dung thông tin cần chỉnh sửa cho phù hợp với các quy định mới. Và do đó, đã hạn chế phần nào số người truy cập và sử dụng dịch vụ trực tuyến này.
Ứng dụng và quảng bá
Mô hình đăng ký kinh doanh trực tuyến do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rõ ràng có hiệu quả. Một mặt công khai, minh bạch về thủ tục kinh doanh, mặt khác đã giảm áp lực của bộ phận một cửa, giảm chi phí và thời gian cho việc hướng dẫn và hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian đến, sở sẽ tăng cường quảng bá bằng cách phát hành tờ rơi, phổ biến rộng rãi thông tin trên báo chí, truyền hình nhằm thu hút nhiều người sử dụng hình thức đăng ký kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, sở sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá thường xuyên mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ này, kết hợp với việc hoàn thiện hệ thống công nghệ, nâng cao các giải pháp bảo mật thông tin. Và dự án quan trọng là kết nối cơ sở dữ liệu của ba đơn vị liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Công an thành phố để giải quyết công việc trực tuyến nhanh gọn, chính xác.
Ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số cơ quan hành chính khác cũng đang nghiên cứu việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Theo ông Bùi Thanh Thuận, Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải thành phố, số lượng giao dịch hành chính khá lớn đang tạo áp lực cho bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại sở. Do vậy, sở đang phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm Đà Nẵng (Softech) nghiên cứu ứng dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Trước mắt, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ đưa vào sử dụng trang thông tin điện tử ngay tại phòng tiếp dân nhằm giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với tất cả các thông tin về thủ tục, hồ sơ, các loại giấy phép, lịch tiếp công dân, quá trình xét duyệt hồ sơ…
Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho biết: Các giao dịch hành chính công trực tuyến hiện vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn về công nghệ thông tin còn thiếu, người dân chưa tin tưởng vào độ bảo mật thông tin trên các trang điện tử.
Do đó, nhiều cơ quan chỉ dừng lại ở việc truy cập để khai thác, tìm hiểu thông tin, dữ liệu chứ chưa đưa vào áp dụng các dịch vụ công trực tuyến nhằm giải quyết các thủ tục, hồ sơ ngay trên mạng Internet. Hiện tại, Sở Nội vụ thành phố khuyến khích tất cả các đơn vị hành chính ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc. Trong đó, việc phổ biến và áp dụng rộng rãi các dịch công trực tuyến sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân nhưng vẫn bảo đảm công việc được tiến hành nhanh gọn và hiệu quả.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH