Trong hai năm 2009 và 2010, thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư lớn để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và nguồn nhân lực tại các cơ quan Nhà nước. Cuối năm 2010, cán bộ, công chức thành phố Đà Nẵng quyết tâm nói không với “mù” tin học.
Hiện hạ tầng CNTT của thành phố Đà Nẵng đã cơ bản đáp ứng công tác quản lý Nhà nước. Về phía người dân, mức độ sẵn sàng tiếp nhận giao dịch qua CNTT cũng có nhiều thuận lợi như mật độ điện thoại được sử dụng đạt 236 máy/100 dân, trong đó điện thoại di động đạt 211 máy/100 dân, cố định đạt 25,7 máy/100 dân. Ngoài ra, có 32 thuê bao Internet/100 dân. Khối cơ quan quản lý Nhà nước có 85,6 % cán bộ, công chức được trang bị máy tính. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều xây dựng mạng LAN và được kết nối Internet băng thông rộng.
Mới đây, thành phố đã đưa vào sử dụng mạng trục cáp quang MetroNet triển khai tại 16 đơn vị. Thành phố đã xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu thực hiện các dịch vụ phân giải tên miền, dịch vụ thư mục, dịch vụ thư điện tử, trao đổi trực tuyến, tích hợp văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, còn có các dịch vụ chia sẻ tập tin, lưu trữ, thông tin nội bộ, phục vụ kết nối từ xa…
Hiện thành phố có 3 phần mềm dùng chung đang được vận hành nhuần nhuyễn là trang thông tin điện tử phục vụ điều hành; hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế-xã hội; hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Bên cạnh đó, 90% đơn vị sử dụng các phần mềm dùng riêng, phần mềm chuyên ngành đem lại hiệu quả cao trong công tác chuyên môn. Qua đây, hoạt động CNTT phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp có nhiều tiến bộ. Thành phố đã đào tạo 1.600 cán bộ, công chức về CNTT cơ bản, 97% đơn vị có cán bộ chuyên trách về CNTT…
Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT thành phố cho biết, đây là kế hoạch có tính quyết định nhằm đổi mới công tác thủ tục hành chính và tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. Kết thúc năm 2010, giao dịch hành chính của thành phố ở cấp độ qua giao thức bằng thư điện tử, điện thoại, fax, hội họp qua truyền hình. Để đạt mục tiêu trên, bắt đầu từ năm 2009, thành phố tập trung nâng cao năng lực quản lý và điều hành từ khối cơ quan Nhà nước.
Cụ thể, tập trung chuẩn hóa về CNTT, hệ thống hóa hạ tầng mạng CNTT, sử dụng chữ ký số qua văn bản điện tử, triển khai đồng bộ các phần mềm dùng chung… Sáu nhóm ngành thực hiện giao dịch công trực tuyến sẽ đặc biệt quan tâm gồm: cấp giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở, đăng ký ô tô-xe máy, đăng ký tạm trú-tạm vắng.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm hơn, gồm đào tạo chuyên viên CNTT cho các sở, ban, ngành. Các chuyên viên hành chính tất cả các cơ quan Nhà nước phải có chứng chỉ tin học cơ bản. Cấp thành phố, quận-huyện, mỗi đơn vị có ít nhất 1 chuyên viên CNTT; cấp xã-phường đều có 1 chuyên viên CNTT.
Mức độ đào tạo về CNTT được tính toán đạt tỷ lệ từ 90-100% cán bộ, công chức khối quản lý Nhà nước; 80-90% khối kinh tế; 80-100% khối giáo dục và 70-90% khối thanh niên. Đà Nẵng hiện có 3.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực CNTT, do đó, đây sẽ là nguồn lao động cơ bản trong lĩnh vực ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính.
|
TRIỆU TÙNG