Trên địa bàn thành phố hiện có 7 làng nghề truyền thống, như nước mắm Nam Ô, đan lát Yến Nê, dệt chiếu Cẩm Nê... Tuy nhiên, có quy mô lớn nhất, nổi tiếng nhất và hiện đang hoạt động mạnh là làng nghề đá Non Nước.
Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sẽ bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho làng nghề. |
Những tấm văn bia “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệc Lạc” được khắc vào động Vân Thông năm Tân Tỵ (1641) trên hòn Thủy Sơn và Văn bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được khắc trên vách đá động Hoa Nghiêm năm Canh Thìn (1640) được xem như dấu tích khởi nghiệp, đồng thời cũng cho thấy tay nghề tài hoa của những người thợ Quán Khái xa xưa. Nhờ những thành công này mà nhiều người thợ đá của làng Quán Khái đã có mặt tại kinh thành Huế để cùng xây dựng những cung đình, lăng tẩm cho vua chúa nhà Nguyễn. Hiện nay, tại làng nghề còn có nhà thờ Thạch nghệ tổ sư, được xem là ngôi nhà thời tổ của làng nghề. Hằng năm, vào mùng 6 tháng giêng, làng nghề đều tổ chức giỗ tổ khá quy mô, thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Trong suốt 400 năm tồn tại, làng nghề đã nhiều phen thăng trầm, nhưng vẫn phát triển theo thời gian cả về tay nghề cũng như quy mô. Hiện nay, làng nghề thu hút và tạo việc làm cho trên 2.100 người, trong đó 1.500 thợ chế tác đá tại 349 hộ gia đình. Các sản phẩm mỹ nghệ của làng đá Non Nước không những có mặt trên cả nước mà còn xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Úc, Hồng Kông, Thụy Sỹ, Mỹ..., đem về doanh thu cho làng nghề mỗi năm trên 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một điều trăn trở là cho đến nay vẫn chưa hình thành một tổ chức như Hiệp hội làng nghề chẳng hạn. Đây được xem là một trong những lý do khiến cho sản phẩm của làng nghề không được bán rộng rãi hơn trên thế giới, cũng như sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng của mình. Đặc biệt, một vấn đề cần sớm triển khai là xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước.
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, vấn đề bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho đá mỹ nghệ Non Nước càng đặt ra cấp bách hơn. Bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho làng nghề, tức là mở rộng hướng làm ăn ra tất cả thị trường trên thế giới, đồng thời tránh được tình trạng giả mạo hàng hóa của làng nghề, và chống lại hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp vốn rất hay xảy ra với những sản phẩm đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Đặc biệt, chỉ có thực hiện việc bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, đến lúc đó hoạt động quảng bá, tuyên truyền mới có thể dễ dàng đến với các thị trường với nguồn thông tin chính thống và thống nhất của cả làng nghề. Như thế, sẽ hạn chế được nguồn kinh phí tiếp thị, nhưng hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Cái lợi của việc bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho làng nghề là quá rõ. Vì thế trong thời gian đến, những nhà sản xuất và kinh doanh đá mỹ nghệ Non Nước cần phải cùng nhau hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh, để sản phẩm có thể đưa ra thị trường ổn định và có nguồn gốc rõ ràng, giữ uy tín sản phẩm của cả làng nghề, bảo đảm về môi trường, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở trong cùng làng nghề...
Một tín hiệu vui là trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ DN, UBND thành phố chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư dự án Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Non Nước” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đá của làng đá Non Nước. Thời gian triển khai trong vòng 18 tháng, từ tháng 1-2009 đến tháng 6-2010. Mọi công việc chuẩn bị thủ tục đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận đang được triển khai. Vì vậy, vấn đề chính là những người dân trong làng nghề phải biết tranh thủ, cũng như hợp tác tối đa với cơ quan chức năng để sản phẩm của mình được bảo hộ trên toàn thế giới.
THANH VÂN